Sau một tuần nới giãn cách, giới trẻ thích ứng an toàn

Google News

Đến nay là hơn một tuần kể từ ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách, giới trẻ đã bắt đầu thích ứng an toàn, dần quay lại nhịp sống như trước đây và không quên tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe. 

Chuẩn bị trở lại công ty làm việc khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin
Bạn Ngọc Huyền (Quận 2, TP.HCM) chia sẻ: “Mình đã được tiêm 2 mũi vắc-xin nên cũng yên tâm hơn. Tuần đầu tiên khi nới lỏng giãn cách, mình dự định đi sửa xe máy đang bị hư bình nhưng tiệm gần nhà đông khách nên phải dời lại. Mình vẫn duy trì thói quen đi chợ mỗi tuần một lần, hạn chế ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết.
Công ty của mình đang khảo sát và lên kế hoạch cho nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc-xin đi làm trở lại trong tháng này. Thú thật, giờ đi làm lại chắc mình sẽ hơi bỡ ngỡ và phải thay đổi lại thói quen sinh hoạt sau 4 tháng làm việc tại nhà.”
Sau mot tuan noi gian cach, gioi tre thich ung an toan
 Tiệm sửa xe đông khách sau một tuần nới lỏng giãn cách, cô bạn đành phải đợi lúc vắng hơn. (Ảnh: Ngọc Huyền)
Tương tự, bạn Minh Tâm (Quận 8, TP.HCM) cho biết sẽ đi làm trở lại vào ngày thứ Hai tuần tới: “Tuy mình đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn cẩn thận khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với mọi người khi đi làm lại. Trong thời gian đầu, công ty sẽ sắp xếp cho nhân viên đi làm luân phiên và mọi người sẽ ăn trưa tại bàn làm việc thay vì vào phòng ăn để tránh tập trung đông người.
Làm việc ở nhà chỉ thoải mái trong thời gian đầu nhưng qua tháng thứ hai là mình bắt đầu mất tập trung do kỷ luật bản thân chưa tốt, như đang làm là phải bỏ đi nấu ăn. Hy vọng sắp tới tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn để mọi người sớm trở lại với công việc.”
Sau mot tuan noi gian cach, gioi tre thich ung an toan-Hinh-2
 Hơn 4 tháng làm việc ở nhà, Minh Tâm cho biết dễ mất tập trung và hy vọng sớm được quay lại công ty. (Ảnh: Minh tâm)
Đặt hàng qua các ứng dụng dễ dàng hơn
Sau 1 tuần thành phố nới lỏng giãn cách, việc đặt đồ ăn qua các ứng dụng cũng bớt “gay cấn” hơn và chi phí giao hàng đã giảm so với trước đây.
Bạn Mai Lâm (Quận Tân Bình, TP.HCM) tranh thủ đặt liền tay thức uống yêu thích ở một quán quen khi các hàng quán có thể bán mang về: “Mấy nay mình dễ tìm được shipper hơn trước. Chi phí giao hàng tuy có giảm nhưng vẫn chưa về như mức trước dịch, dù sao cũng chấp nhận được. Mình thường đợi lúc các quán có mã giảm giá và tranh thủ đặt nhiều rồi trữ trong tủ lạnh để uống dần nên cũng tiết kiệm được một khoản tiền.”
Sau mot tuan noi gian cach, gioi tre thich ung an toan-Hinh-3
Đặt đồ ăn dễ hơn trước, cô bạn tranh thủ đặt và trữ tủ lạnh để uống dần. (Ảnh: Mai Lâm) 
Bạn Lê Thi (Quận Thủ Đức, TP.HCM) hiện vẫn ở trong khu vực bị phong tỏa nhưng giờ đã dễ dàng đặt mua thực phẩm như rau, củ, thịt, cá qua các ứng dụng online. “Cầm bó rau, cọng hành trên tay mà mình không khỏi xúc động vì từng có lúc có tiền vẫn chưa chắc tìm mua được. Sau lần này, mình tự dặn bản thân sẽ quý trọng, không lãng phí thực phẩm như trước", cô bạn chia sẻ.
Những tình bạn đặc biệt khi thành phố giãn cách
Sau hơn 4 tháng hạn chế ra đường và thường xuyên đặt đồ ăn online để tránh tiếp xúc trực tiếp, bạn Mỹ Huê (Quận Bình Tân, TP.HCM) hài hước khoe: “Nhờ mua hàng online trong mấy tháng, mình “bội thu” thêm vài người bạn tốt đấy. Một cô bạn bán trà sữa thấy mình đăng Facebook khó tìm mua được cần tây nên nhiệt tình mua giúp khi đi siêu thị, rồi ship tận nhà tặng mình.
Sáng nay, mình mới nhận hộp đồ ăn ngon lành do một người chị gửi tặng. Lúc dịch, mình có đặt đồ ăn của chị rồi sau một hồi nhắn tin là trở nên thân thiết luôn. Hai chị em còn hẹn nhau khi hết dịch sẽ gặp mặt và ăn uống thả ga. Trong mấy tháng giãn cách xã hội nhưng mọi người vẫn gắn kết theo một kiểu rất đặc biệt.”
Sau mot tuan noi gian cach, gioi tre thich ung an toan-Hinh-4
Một người bạn quen trong lúc mua hàng online gửi tặng đồ ăn. (Ảnh: Mỹ Huê) 

Theo Hoàng Minh/Hoa Học Trò