Trong căn phòng áp chót chật chội chưa đầy 10m2, cô sinh viên tỉnh lẻ Trịnh Thị Xuân (xã Văn Điền, Nghĩa Hưng, Nam Định) đang pha vội gói mì ăn qua bữa. Dịch COVID-19 khiến giá thực phẩm tăng mạnh, Xuân chỉ có thể mua tạm ít mì gói, một ít rau xanh để trụ lại Thủ đô giữa những ngày giãn cách xã hội. Đã từ lâu, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cô chưa có một bữa cơm có thịt.
Hết tiền, cạn nguồn thức ăn
Xuân từng quyết tâm học đại học, nhưng giờ đây một mình kẹt giữa Thủ đô, không tiền bạc, cô đã nghĩ đến chuyện bỏ học để đi làm thêm kiếm tiền lo cho bản thân và mua thuốc thang cho mẹ ở quê nhà.
Xuân chợt nhớ về mẹ. Đã từ lâu cô chưa về quê. Dịch COVID-19 khiến tình hình tài chính của nữ sinh viên ngày thêm eo hẹp. Dẫu biết giữa đại dịch, mọi người đều gặp khó khăn, bạn bè của Xuân cũng phải ở lại Hà Nội, nhưng nếu các bạn ít nhiều được bố mẹ chu cấp thì Xuân vẫn đang tự mình xoay xở chuyện tiền nong.
|
Ngoài giờ học, Xuân đi làm thêm để đóng thọc phí và tự trang trải cuộc sống ( Ảnh: NVCC)
|
Mỗi ngày, Xuân đều nghĩ đến chuyện làm thế nào kiếm được tiền để chi trả tiền học, phí sinh hoạt giữa mùa dịch. Trước mùa dịch, dù công việc làm thêm không mang lại nhiều thu nhập nhưng Xuân vẫn có thể tiết kiệm lo cho cuộc sống của mình.
Bước chân lên Hà Nội, Xuân nhận làm việc tại một cửa hàng bán sản phẩm online. Làm nửa năm, nữ sinh viên chuyển sang phục vụ tại một nhà hàng ăn uống với cường độ làm việc vất vả hơn. Công việc bắt đầu từ 17h đến 22h và thường xuyên phải tăng ca. Nhưng rồi khi dịch bệnh bùng phát, lệnh giãn cách có hiệu lực, cửa hàng phải đóng cửa, cô sinh viên cũng mất việc làm, mất đi thu nhập.
“Em mới nghỉ làm ở một siêu thị vì dịch COVID-19, ngày 26/7 vừa rồi sau khi nhận lương, em trả số tiền trọ tháng 7, còn lại chút ít em cố chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Nhưng không cầm cự được lâu, em cũng phải ăn nhờ một chị ở trọ. Nhưng giữa những ngày dịch bệnh thế này, chị đấy cũng rất khó khăn. Hai chị em chỉ muốn dịch qua thật nhanh để được đi làm, để còn có thu nhập”, Xuân tâm sự
Hương Mạ, sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, quê ở Hà Giang, cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trước dịch, Mạ có cơ hội đi làm thêm nhiều nơi như phục vụ quán lẩu, làm PG, tuy không ổn định nhưng cũng có thu nhập khá tốt. Trong đợt dịch này, Mạ không được đi làm, các chương trình cũng tạm dừng, các quán lẩu cũng đóng nên cô mất việc từ tầm giữa tháng 7.
Nữ sinh viên này chia sẻ trước đây thường đi làm thứ 7 và chủ nhật, thu nhập khoảng 2 triệu – 2,2 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền đó cũng đủ chi trả cho các khoản sinh hoạt trong tháng. Bởi gia đình khó khăn nên Mạ luôn muốn tự lập, không phải xin tiền bố mẹ.
Đợt dịch kéo dài khiến cuộc sống đảo lộn, đặc biệt những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như Mạ lại càng khốn đốn.
|
Mạ phải đối mặt với nỗi lo tài chính, nguồn thức ăn trong thời gian giãn cách. (Ảnh: NVCC)
|
Mạ tâm sự: “Gia đình mình thuộc hộ cận nghèo của thôn, nhà có 5 anh chị em. Chị cả đã lập gia đình, còn một đứa em trai thì đi làm con nuôi cho nhà người ta. Mình là lớn nhất trong 3 anh chị em còn lại, bố mẹ cũng phải lo cho 2 em nên bản thân cũng không muốn bố mẹ lo cho mình nhiều, nhưng nhiều lúc mình cảm thấy không chống đỡ nổi, cũng phải gọi điện về nhà xin bố mẹ 1-2 triệu đồng”.
Từ Tết đến giờ, đã 6 tháng rồi Mạ chưa được về thăm nhà, một phần vì nhà xa, tiền xe cũng tốn nhiều, phần vì dịch bệnh khiến việc đi lại càng trở nên khó khăn. “Mắc kẹt” ở Hà Nội, Mạ phải đối mặt với nỗi lo tài chính, nguồn thức ăn trong thời gian giãn cách.
“Việc chi tiêu cũng ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Trung bình mình tiêu tầm 70 nghìn đồng/ngày. Trước dịch mình đi làm thêm để dành được một ít tiền nên khi dịch bùng phát, mình cũng chống chọi được hơn 1 tháng. Nhưng dạo gần đây thực sự quá khó khăn, đến thời điểm này có thể nói gần như cạn kiệt. Dịch bệnh thế này nên bố mẹ cũng không thể gửi đồ ăn xuống Hà Nội được”, Mạ chia sẻ
Khu trọ phong tỏa, khó khăn chồng chất
Ngay trong đêm 31/7, sau khi phát hiện ca dương tính, toàn bộ khu vực chợ Phùng Khoang bị phong tỏa Những sinh viên trọ tại khu vực này không tránh khỏi lo lắng về dịch bệnh, tài chính, nguồn thức ăn.
Hoàng Tuyết, sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, quê Tuyên Quang, đang trọ tại khu vực này, cho biết, đợt phong tỏa là những ngày không thể quên của cô với không ít mối lo.
Gia đình Tuyết có hai chị em, em trai kém Tuyết một tuổi. Bố bị ung thư vừa mất đầu năm, còn mẹ làm công nhân may và làm thêm ruộng nuôi gia đình. Em trai vừa mới đi làm, thời gian bố ốm phải nghỉ làm về chăm bố. Công việc gia đình xong xuôi, cậu muốn đi làm lại thì dịch bùng phát nên không có việc.
Trước đó, để trang trải cuộc sống và bớt gánh nặng cho gia đình, Tuyết đi làm thêm; công việc bán hàng giúp cô chi trả tiền trọ và tiền ăn. Trung bình mỗi tháng, cô kiếm được khoảng 2- 2,5 triệu đồng. Do lịch học dày đặc nên Tuyết chỉ làm 4 tiếng buổi sáng.
|
Hoàng Tuyết mong dịch bệnh qua mau để cô có thể đi làm thêm phụ giúp gia đình. (Ảnh: NVCC)
|
“Trước khi giãn cách xã hội, mẹ em có gọi bảo nghỉ làm về quê nhưng em nghĩ dịch bệnh chưa căng thẳng nên vẫn đi làm đến hôm giãn cách mới nghỉ. Lúc ấy em quyết định ở lại Hà Nội, ở đâu thì ở yên đấy, nhỡ về mà có làm sao thì cũng nguy hiểm. Do dịch bệnh, chỉ ở phòng cũng buồn nhưng mọi người đều như nhau cả. Thời điểm này nên ở nhà, hạn chế ra ngoài tránh dịch bệnh lây lan. Em mong muốn hết dịch để có thể đi học, đi làm bình thường và được về quê thăm mẹ”. Hoàng Tuyết chia sẻ.
Từ ngày 31/7 người bán hàng ở chợ Phùng Khoang bị phát hiện mắc COVID-19, khu vực Tuyết ở bị phong tỏa. Tuyết thuê trọ cùng với 3 bạn nữa. Một tháng, tính tất cả các chi phí tiền phòng, tiền điện nước, mỗi người cần đóng 1,5 triệu đồng. Họ nấu ăn chung, tiền thức ăn mỗi người hết tầm 1 triệu đồng/tháng.
Đợt dịch bệnh cũng là thời gian nghỉ hè nên hai bạn cùng phòng Tuyết đã về quê. Trước khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Tuyết và bạn cùng phòng cũng mua được ít đồ ăn và một thùng mì tôm dự trữ. Tuyết không muốn gọi điện xin tiền mẹ, vì gia đình cũng khó khăn.
Xuân, Mạ hay Tuyết chỉ là vài ví dụ trong hàng nghìn sinh viên đang mắc kẹt ở Hà Nội vì dịch COVID-19. Họ đang hàng ngày chắt chiu từng bó rau, gói mỳ tôm để chờ đợi dịch bệnh sớm qua để trở về với cuộc sống bình thường.
Theo Nhóm PV / VTC