Hầu hết sinh viên khi rời quê ra thành phố học đều lựa chọn giải pháp ở ghép vì có thể tiết kiệm một khoản chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, câu chuyện nhường nhịn, ăn ở chung với người không thân thiết chưa bao giờ đơn giản.
Không chịu nổi vì bạn cùng phòng mất vệ sinh
Gần đây, một diễn đàn mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về những bức xúc của sinh viên liên quan chuyện ở ghép. Theo nickname này, những mâu thuẫn vì cách sinh hoạt, cư xử của bạn cùng phòng kéo dài khiến nhân vật chính không thể không lên tiếng.
|
Câu chuyện về bạn ở ghép sinh hoạt mất vệ sinh được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. |
Những dòng trạng thái này được đăng tải cùng ảnh chụp “tang chứng” cho thấy thói quen ăn ở mất vệ sinh của bạn cùng phòng: Vứt đồ dùng cá nhân lung tung, sử dụng “nhầm”, “dùng chùa” đồ của người khác.
Mỗi căn phòng trọ của sinh viên thường chỉ vỏn vẹn 10 m2, nhưng không phải lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Chỉ cần một người lười biếng hoặc bừa bộn, cả phòng phải ấm ức vì bị ảnh hưởng.
Sau khi chia sẻ lên Facebook, câu chuyện được hàng nghìn người bình luận và chia sẻ bởi nó liên quan những rắc rối khiến không ít sinh viên ở ghép phải đau đầu.
Sàn nhà tắm ngập tóc, túi rác hàng tuần không đổ
Nguyễn Thị Thu, sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết câu chuyện trên là "bình thường ở huyện" với cánh sinh viên. Thu từng nhiều lần “phát hỏa” vì bạn cùng phòng ở bẩn thỉu.
“Là con gái, chuyện tóc rụng là bình thường, đặc biệt là khi đi tắm. Nhưng, bạn cùng phòng không bao giờ dọn tóc trên sàn nhà, thậm chí còn để trôi xuống làm tắc cống. Có lần, mình đi vắng 2 hôm mà sàn nhà tắm đầy tóc. Mình khó chịu quá, đành phải đi dọn”, Thu bức xúc kể.
Nữ sinh cho hay bạn của cô còn có thói quen ngâm quần áo nhiều ngày không giặt khiến nhà vệ sinh bốc mùi hôi khó chịu, hay ngâm bát cả ngày mới rửa. Miếng rửa bát thì vắt lên bồn rửa mặt. Đánh răng xong, bọt bắn lên tận gương nhưng cô bạn cũng không chịu lau, Thu phải đi dọn nhiều lần.
Thời gian đầu sợ bạn phật lòng không dám góp ý nhưng tình trạng này diễn ra quá nhiều, Thu ấm ức, buộc phải lên tiếng.
|
Những thông báo tìm người ở ghép này xuất hiện rất nhiều trên mạng Internet. Ảnh chụp màn hình.
|
Trần Thu Nga, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng không ít lần “dở khóc cười” vì cô bạn lười biếng, bừa bộn.
“Bất cứ khi nào đi học, đi chơi, bạn ấy đều chải chuốt rất tươm tất, nhưng nhà cửa lại chẳng bao giờ chịu dọn, rác không đổ. Có lần, mình về quê, bạn ấy cũng để túi rác suốt vài tuần. Bạn đợi mình từ quê lên để đổ hộ”, Nga nói.
Tiết kiệm thời gian tối đa để... chơi Facebook
Mai Hoàng Lan, nữ sinh ĐH Ngoại ngữ, cho hay thói quen lười biếng, tiết kiệm thời gian dọn phòng đến mức tối đa của bạn cùng phòng cũng là điều cô không thể chấp nhận nên phải chuyển nơi trọ.
“Mỗi sáng thức dậy, hình ảnh 'bãi chiến trường' lại đập vào mắt mình. Bạn ấy không gấp chăn màn, quần áo thay xong cũng vắt bừa lên ghế, chất một đống. Bàn học ngổn ngang sách vở, đồ trang điểm...”, Lan thở dài nói.
9X cho biết thêm bạn cùng phòng rất thích nấu ăn nhưng sau khi bày ra thì không chịu lau dọn bếp. Đơn giản như việc quét nhà, chỉ đến khi nào Lan nhắc nhở, bạn ấy mới miễn cưỡng cầm chổi.
"Lúc nào bạn ấy cũng chỉ cầm điện thoại hoặc dùng máy tính, học thì ít, chơi Facebook, Instagram... thì nhiều”, 9X kể.
Hoàng Tuấn Anh, sinh viên ĐH Thương mại, cũng gặp phải tình trạng tương tự vì bạn cùng phòng quá mải mê “lướt mạng”.
Bạn trọ cùng Tuấn Anh rất mê chơi game, ngày nào cũng thức đến 3h sáng. Chuyện cũng chẳng có gì nếu bạn ấy chịu đeo tai nghe, mà cứ mở loa ngoài khiến người khác không thể ngủ hay tập trung học bài.
"Mình có góp ý nhiều lần nhưng cậu ấy chỉ cười chống chế khiến mình rất khó chịu”, Tuấn Anh nói.
Những mâu thuẫn diễn ra trong căn phòng trọ tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của sinh viên. Nhiều người tâm sự họ đã phải chuyển phòng vì bạn ở cùng quá bẩn, ích kỷ.
Vì thế, khi lựa chọn ở ghép, bạn nên tìm những người quen biết, chăm chỉ, gọn gàng trong sinh hoạt và học tập để giúp nhau cùng tiến bộ.
Theo Hồng Nhung/Zing News