Team building: Ép quá, mất vui

Google News

“Tôi từng tham gia một chuyến team building đúng nghĩa là hoạt động quần quật, vừa xuống xe đã lao vào các trò chơi thể lực dưới trời nắng gắt, chỉ kịp nghỉ ăn trưa xong đã phải lên xe về”, Hồng Nhung (TP HCM) kể lại trong ám ảnh.

Ám ảnh… team building
Theo chia sẻ của Hồng Nhung, ở môi trường cô làm việc, team building được coi là “hoạt động bắt buộc”, mọi người phải cam kết tham gia, không tham gia phải giải trình lý do. Theo cô, khâu tổ chức chưa thực sự hấp dẫn nên mọi người kém nhiệt tình, có người lén đi xe riêng để điểm danh xong… trốn về.
Giống như Hồng Nhung, Diệp Trần (làm việc ở một công ty về giải trí, quận 10, TPHCM) cũng từng trải qua cảm giác không có thời gian để nghỉ ngơi trong một lần tham gia team building cùng công ty. Cô cho biết, đi team building luôn có nhiều kỷ niệm đẹp khi mọi người được chơi cùng nhau và ai cũng chơi hết mình. Tuy nhiên, vì cách sắp xếp lịch trình của đơn vị tổ chức không linh hoạt khiến cô cảm thấy mệt. Cô nhớ lại: “23 giờ mới đi ngủ, trong khi 6 giờ sáng đã phải dậy tập trung ăn sáng, rồi xuất phát đi tham quan các địa điểm hôm trước chưa kịp đi. Đúng nghĩa đi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” rồi lại vội chạy qua điểm chơi team building. Việc sắp xếp các trò chơi cũng không hợp lý. Chơi đến khoảng 15 giờ phải về tập dượt cho chương trình buổi tối, kéo dài đến gần 17 giờ, trong khi 18 giờ nhập tiệc”.
Team building: Ep qua, mat vui
Các hoạt động team building nên hài hòa vận động và nghỉ dưỡng. Ảnh: NVCC
Team building là một chuỗi các hoạt động, trong đó bao gồm nghỉ dưỡng, du lịch, các trò chơi tập thể, tiệc… Hoạt động này phổ biến, đặc biệt vào dịp hè với mục tiêu xây dựng tinh thần đồng đội, gắn kết các thành viên. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, mục tiêu ấy cũng khiến tất cả mọi người cảm thấy tự nguyện, vui vẻ khi tham gia. Cách đây không lâu, trên cộng đồng mạng từng chia sẻ văn bản một công ty ép tất cả thành viên phải tham gia đầy đủ hoạt động, nếu không sẽ bị nghỉ việc.
Đối với rất nhiều người, ngoài các hoạt động bào sức vì các trò chơi nặng “đô”, thì phải tập và biểu diễn văn nghệ cũng là ám ảnh. Diệp Trần từng trải qua cảm giác mất rất nhiều thời gian để tập văn nghệ trước đó rồi tất bật chuẩn bị lên thi trong ngày đi chơi. Thậm chí, theo Thảo Nguyên (nhân viên kinh doanh, quận 11, TPHCM) vì từng trải qua cảm giác ấy nên đã tuyên bố thẳng thừng: “Nếu công ty nào bắt ép tôi tham gia văn nghệ, tôi sẽ nghỉ ngay”.
Chơi, nghỉ hợp lý
Với Thảo Nguyên, các hoạt động team building mà cô từng tham gia mang đến nhiều trải nghiệm, sự thay đổi tích cực. Ngay lần đầu vào công ty, cô đã được tham gia chuyến leo núi Fansipan cùng đồng nghiệp. Cô nhớ lại: “Thuộc tuýp người ít vận động, ban đầu khi leo, tôi lầm bầm trong đầu: Sao mình ngu thế, đang chăn ấm nệm êm không chịu, lết xác đi leo núi làm gì cho cực. Nhưng sau chuyến đi đó, tôi thay đổi và nhận ra việc khó như vậy mình cũng đã chinh phục được. Tư tưởng thoát khỏi chiếc hộp và vùng an toàn của bản thân cứ tràn vào đầu”.
Thảo Nguyên nhận ra, các hoạt động team building phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa công ty và số đông nhóm đối tượng nhân viên là đối tượng nào. Từ đó mới có thể xây dựng và lựa chọn hoạt động phù hợp. Điều quan trọng không kém là vai trò đầu tàu, làm gương của những người đứng đầu để truyền động lực, kích thích mọi người cùng tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Team building: Ep qua, mat vui-Hinh-2
Các hoạt động team building nên hài hòa vận động và nghỉ dưỡng. Ảnh: NVCC
Với Diệp Trần, cô mong muốn các kỳ team building nên kết hợp vừa chơi vừa nghỉ dưỡng. Các trò chơi nếu có chỉ nên tổ chức trong 1-2 giờ theo kiểu vận động trường hoặc thi đấu nhanh, thay vì bào sức nhân viên quá nhiều, vì trước đó ai cũng phải làm việc rất mệt và mong đi chơi để được thư giãn.
“Nên xây dựng team building với hình thức giống một kỳ nghỉ hơn là hướng mọi người sẽ phải hoạt động ngoài trời quá nhiều”, là quan điểm của Hồng Nhung. Hồng Nhung cũng cho biết thêm, để hoạt động này hiệu quả, phụ thuộc rất nhiều vào khâu tổ chức cũng như mối liên kết giữa các thành viên. Sau kỳ team building gần như “hành xác”, phòng nhân sự công ty cô đã lắng nghe và cải thiện bằng cách thuê đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, chọn địa điểm thú vị hơn như resort, khu nghỉ dưỡng... và kéo dài thời gian nghỉ hơn, thay vì đi về trong ngày như trước đây, nên mọi người dần yêu thích và đón nhận hoạt động này. “Tôi nghĩ, việc thuê các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp cũng là một giải pháp. Vì họ biết cách tạo ra các hoạt động hấp dẫn, thu hút mọi người và tăng tính gắn kết”, Hồng Nhung nhấn mạnh.
Theo Hải Duy / SGGP