Thần đồng Việt tại New Zealand có thể phải về nước vì "học quá giỏi"

Google News

Vicky Ngo nói với Zing rằng bản thân đang gặp rắc rối chỉ vì học quá nhanh. Sau khi nhận bằng đại học vào tháng 11 tới, thần đồng 14 tuổi có thể bị buộc phải rời khỏi New Zealand.

Than dong Viet tai New Zealand co the phai ve nuoc vi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5 tháng trước ngày tốt nghiệp Đại học và cũng gần đến thời điểm hết hạn visa, Vicky nhận lời phỏng vấn với Zing.

Cuộc trò chuyện được sự cho phép và chứng kiến bởi người giám hộ hợp pháp của em ở New Zealand.

Đây là một trong những lần hiếm hoi cô bé và gia đình đồng ý xuất hiện trước truyền thông Việt Nam để chia sẻ về chặng đường học tập 3,5 năm ở xứ người.

Trước đó, cô bé người Việt được gọi là “thần đồng” khi hoàn thành 5 năm cấp 3 ở New Zealand trong vòng 10 tháng, 13 tuổi nhập học Đại học Công nghệ Auckland (AUT University - thuộc 1% đại học hàng đầu thế giới) và trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất tại xứ kiwi.

Tháng 4/2021, Vicky một lần nữa được truyền thông quan tâm khi đứng trước nguy cơ phải rời New Zealand do tốt nghiệp đại học quá sớm. Ở tuổi 14, nữ sinh viên chuẩn bị ra trường với hai tấm bằng là toán ứng dụng và tài chính song không được cấp visa lao động - quyền lợi mà các du học sinh đủ 18 tuổi được hưởng khi tốt nghiệp đại học ở New Zealand.

Than dong Viet tai New Zealand co the phai ve nuoc vi

Vicky Ngo được mệnh danh là "thần đồng" khi vào đại học năm 13 tuổi, trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử New Zealand.

Gặp rắc rối vì học quá giỏi

Theo luật pháp New Zealand, sinh viên quốc tế sau khi lấy bằng đại học, cao đẳng, trung cấp sẽ được cấp visa thêm 3 năm làm việc. Loại thị thực này được tự động cấp cho người từ 18 tuổi trở lên nhưng Vicky lại không được hưởng quyền này chỉ vì học quá nhanh, ra trường quá sớm.

“Trong khi hàng nghìn sinh viên khác mặc nhiên được hưởng quyền này, em và gia đình đang phải trả tiền thuê luật sư và ngày ngày đấu tranh để đòi quyền lợi hợp pháp. Đó là một sự bất công đối với một người Việt, một sinh viên quốc tế đang sinh sống ở New Zealand như em”, Vicky nói với Zing.

Nữ sinh chia sẻ thêm từ cuối năm 2019 đến nay em cùng gia đình đã hai lần di chuyển từ thành phố đang sống là Auckland đến Đại sứ quán Việt Nam tại Wellington để tìm kiếm sự giúp đỡ, song đến hiện tại vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Gia đình Vicky đã tìm kiếm lời khuyên từ luật sư Simon Laurent - người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Ông tin rằng trường hợp của Vicky xứng đáng được đặc cách.

"Pháp luật New Zealand cần cân nhắc nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Vicky", luật sư Laurent cho biết.

Hiện tại, thần đồng 14 tuổi chỉ có hai giải pháp, song tất cả đều gần như bế tắc. Trước mắt, Vicky và gia đình đang phải đấu tranh với ba bộ, gồm Bộ Di trú, Bộ Lao động và Bộ Giáo dục để tìm giải pháp đặc cách về việc cấp phép lao động cho sinh viên quốc tế tốt nghiệp đại học trước năm 18 tuổi của New Zealand.

Than dong Viet tai New Zealand co the phai ve nuoc vi

Vicky Ngo có thể bị buộc rời khỏi New Zealand sau khi tốt nghiệp đại học vào tháng 11 tới. Ảnh: NVCC.

Bộ Di trú nói rằng luật không cho phép cấp visa cho người chưa đủ tuổi lao động vì Bộ Lao động quy định người từ 16 tuổi trở lên mới được làm 20 tiếng/tuần và 18 tuổi trở lên mới được làm việc full-time. Trong khi đó, Bộ Lao động lại cho biết họ không có thẩm quyền để giải quyết cho trường hợp của sinh viên quốc tế.

“Khi quay lại Bộ Di trú, cơ quan này nói họ sẽ xem xét nếu em có thể chứng minh trường hợp mình đặc biệt và xứng đáng được đặc cách. Thế nhưng làm thế nào để chứng minh, cần những giấy tờ, thủ tục ra sao thì không ai nói rõ. Cứ như vậy trách nhiệm bị đùn đẩy qua lại trong nhiều tháng nay mà chưa được giải quyết”, Vicky nói.

Gia đình Vicky đã nghĩ đến phương án xin học bổng cho cô bé tiếp tục học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Tuy nhiên, thời điểm này Vicky gần như không thể xin học bổng.

Đăng ký nhập học thạc sĩ theo dạng học bổng có hai điều kiện, đó là người học phải trên 18 tuổi và có bằng đại học trong tay vào lúc đăng ký. Hai điều này ở thời điểm hiện tại, Vicky đều chưa thể đáp ứng. Hạn đăng ký của hầu hết học bổng master năm 2022 là vào tháng 9 năm nay nhưng phải đến tháng 11 cô bé mới nhận bằng tốt nghiệp.

Trước mắt để có thể hợp pháp ở lại New Zealand, Vicky cần gia hạn visa sinh viên quốc tế 2 năm du học tự túc và đóng số tiền học phí, sinh hoạt phí (ăn ở, bảo hiểm) 150.000 NZD (hơn 100.000 USD). Khoản chi phí này vượt quá khả năng chi trả của gia đình vì Vicky còn có một em gái cũng đang là du học sinh tại New Zealand.

3 năm đấu tranh để được học vượt cấp

Đối mặt với nguy cơ bị buộc về nước sau khi tốt nghiệp chỉ là một trong số rất nhiều khó khăn mà Vicky và gia đình em phải trải qua khi theo đuổi con đường học vấn tại New Zealand.

Nhiều người cho rằng những đứa trẻ tài năng như Vicky sẽ có nhiều cơ hội phát triển tại một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng như vậy.

Giống như nhiều quốc gia khác, New Zealand không hỗ trợ việc học vượt cấp. Việc Vicky có thể hoàn thành 5 năm cấp 3 trong vòng 10 tháng hoàn toàn là một ngoại lệ.

Trung bình mỗi kỳ học, Vicky có khả năng “nhảy” một lớp. Mỗi lần nhảy lớp như vậy, nữ sinh và gia đình đều phải đấu tranh giữa một hội đồng thẩm định 7-8 thành viên bao gồm: giáo viên bộ môn, giáo viên hướng dẫn, trưởng khoa, trưởng khối, hiệu trưởng… Đồng thời, thần đồng cũng phải hoàn thành xuất sắc tất cả bài kiểm tra mà nhà trường đưa ra.

Than dong Viet tai New Zealand co the phai ve nuoc vi

Thần đồng 14 tuổi cho biết việc học vượt lớp, vượt cấp ở New Zealand hoàn toàn không dễ. Ảnh: NZ Herald.

Quá trình đấu tranh này thực sự mệt mỏi vì các giáo viên đều rất bận rộn và không nhiều người tin rằng một bé lớp 9 có thể giải toán lớp 11.

“Chính vì vậy, em cảm thấy mình thực sự may mắn, biết ơn và cũng tự hào vì bản thân đã làm được”, Vicky cho biết.

Trong thư giới thiệu, Graeme Holden, giáo viên Toán học và Kinh tế tại trường Selwyn College, nhận xét Vicky là "viên ngọc sáng" khi đạt điểm tối đa trong tất cả môn học.

“Vicky hoàn toàn xứng đáng để được nhận vào trường đại học. Dù tuổi còn nhỏ, Vicky là một học sinh rất thông minh, có đầu óc phân tích tốt, nắm bắt, tiếp thu nhanh các kiến thức toán học”, ông Holden cho biết.

Tương tự, Giáo sư Jiling Cao, trưởng khoa khoa học toán học tại trường Đại học Công nghệ Auckland, cũng đánh giá cao khả năng của thần đồng Việt Nam.

“Nỗ lực học tập, quyết tâm thành công của Vicky được thể hiện rõ qua cách em tương tác với các giáo viên, bạn học và xử lý từng bài tập được giao. Tiến độ học tập của Vicky rất tốt và cô bé luôn cố gắng đạt điểm cao nhất trong các môn học tại trường”.

“Không nghĩ mình là thần đồng”

7 năm trước, Vicky lần đầu tiên gặp mẹ nuôi tại TP.HCM và nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính, định hướng học tập từ đó. Các thủ tục pháp lý về việc nhận nuôi được hoàn thiện vào năm 2017 khi gia đình có ý định chuyển sang New Zealand định cư và đưa Vicky đi cùng.

Tại đây, thần đồng Việt Nam từng theo học trường St Thomas. Năm 2018, cô bé lọt top 6 giải vô địch toán toàn quốc dành cho học sinh lớp 7 do Đại học Otago tổ chức. Một năm sau, nữ sinh lọt top 30 trong cuộc thi toán học dành cho học sinh lớp 9. Sau đó, Vicky tiếp tục chuyển sang Selwyn College và tốt nghiệp trung học phổ thông khi mới 13 tuổi.

Năm 2018, Vicky trở thành thành viên trẻ nhất của Mensa (cộng đồng những người có IQ thuộc nhóm 2% dân số thế giới) ở xứ kiwi. Năm 2019, cô bé nằm trong nhóm 2% học sinh đạt điểm toán cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với thành tích học tập ấn tượng, nữ sinh nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí, truyền thông. Lần đầu tiên xuất hiện trên NZ Herald (nhật báo có lượng phát hành lớn nhất New Zealand), cô bé được mệnh danh “thiên tài nhí”, “thần đồng”.

Thế nhưng, Vicky không nghĩ rằng những cách gọi này phù hợp với mình. “Em không nghĩ mình là thần đồng. Việt Nam có rất nhiều người trẻ tài giỏi và em chỉ may mắn hơn, không bỏ cuộc trước khó khăn. Ngoài ra, nhắc đến thần đồng mọi người thường sẽ nghĩ đến những tài năng thiên bẩm. Trong khi đó, những gì em có được hôm nay đều phải trải qua quá trình phấn đấu và rèn luyện”.

Than dong Viet tai New Zealand co the phai ve nuoc vi

Vicky tự nhận xét bản thân có phần chững chạc hơn độ tuổi 14. Trong lớp đại học, đa số bạn học đều lớn hơn Vicky 10-20 tuổi. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh việc tham gia các sự kiện do hội sinh viên tổ chức, Vicky còn dạy toán online miễn phí cho nhiều bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới - những người biết đến và chủ động liên lạc với cô bé sau khi đọc các bài báo, bài đăng trên mạng xã hội.

“Em không dám nhận mình là thiên tài nhưng em nghĩ mình biết phương pháp để học hiệu quả. Cũng chẳng có gì bí mật nên nếu bất kỳ bạn nào ở Việt Nam, New Zealand hay quốc gia nào khác hỏi về môn toán hay phương pháp học, em đều sẵn sàng chia sẻ”.

Vicky cho biết ban đầu em hoàn toàn không có ý định học nhanh, học vượt cấp. Từ những năm cấp 2, cô bé đã muốn được vào đội tuyển Olympic Toán song do không có quốc tịch New Zealand nên đành gác lại ước mơ này.

Từ đây, thần đồng mới bắt đầu học vượt cấp, cố gắng vào đại học vào năm 13 tuổi để chứng minh thực lực.

Than dong Viet tai New Zealand co the phai ve nuoc vi

"Bên cạnh mục tiêu chính, em luôn chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho bản thân", Vicky nói. Ảnh: NZ Herald.

Vicky dự định vừa học vừa làm, có bằng tiến sĩ ở tuổi 17. Cô bé cũng đang cùng em gái thành lập công ty riêng để kinh doanh.

“Khi thành công, tự lo được cho bản thân, em mong muốn có thể quay lại hỗ trợ, giúp đỡ những bạn nhỏ kém may mắn, trao cơ hội như mình từng có cho các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn”.

Gia đình cũng đã tính tới phương án đưa Vicky trở về Việt Nam.

Hiện tại, nữ sinh đã liên hệ với 5 trường đại học ở Việt Nam để đăng ký học cao học song đều bị từ chối.

"Các trường trả lời rằng hệ thống giáo dục của hai nước khác nhau và em cần đủ 18 tuổi mới có thể học thạc sĩ. Hội đồng tuyển sinh hệ cao học tiến sĩ của các trường không thể quyết định nếu không có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên hay Bộ Giáo dục", Vicky nói.

Tuy các kế hoạch trước mắt đều đang bế tắc và nhiều lúc cảm thấy bản thân đang bị "mắc kẹt", thần đồng 14 tuổi cho biết mình không nản chí mà sẽ tiếp tục tìm hướng đi mới.

"Khi kế hoạch A không thành, em sẽ nghĩ đến phương án B, phương án C. Cho dù khó khăn, em vẫn sẽ phải tìm ra con đường thành công cho mình. Chúng ta chỉ thất bại khi hoàn toàn từ bỏ, còn nếu đủ cố gắng, đủ quyết tâm cánh cửa cơ hội vẫn sẽ mở ra", Vicky nói.

Theo Huệ Lâm/ Zing