Than thở chị dâu để phần mâm cơm nham nhở dù tháng nào cũng góp tiền

Google News

Mới đây, hình ảnh và dòng trạng thái tâm sự ngán ngẩm của một cô nàng là em dâu đăng trong một group kín than thở về mâm cơm chị dâu để phần khiến nhiều chị em được phen bàn tán xôn xao.

Các cụ thường dạy con cháu rằng “Chớ eo xèo khi đãi khách, đừng hậm hực lúc ăn cơm” là nhắc nhở phép tắc cư xử khi ngồi bên mâm cơm nhà. Tuy nhiên, giữa nhịp sống hối hả, chuyện bữa cơm không đủ các thành viên quây quần là chuyện khó tránh khỏi. Không ít chuyện xảy ra ngoài ý muốn khiến “xô bát lệch đũa”, cãi vã to nhỏ trong gia đình cũng từ mâm cơm mà ra.
Mới đây, hình ảnh và dòng trạng thái tâm sự ngán ngẩm của một cô nàng là em dâu đăng trong một group kín than thở về mâm cơm chị dâu để phần khiến nhiều chị em được phen bàn tán xôn xao.
Cụ thể, người em dâu viết: ”Đây là mâm cơm chị dâu em phần em sau khi em đi làm về các chị ạ. Cũng chẳng thèm đơm ra bát để riêng.
Tháng nào em cũng góp 1,5 triệu tiền ăn. Chán chẳng buồn nói với mẹ nữa. Mọi người nhìn mâm cơm nham nhở như vậy có nuốt được không ạ? Canh cũng không múc ra riêng, thịt khâu nhục thì con 4 miếng, nhìn như đi ăn thừa ý”.
 Bữa cơm chị dâu để phần em sau khi cả nhà đã ăn xong khiến hội chị em tranh cãi xôn xao.
Chẳng cần phải nói bài đăng tải này đã thu hút sự quan tâm của hội chị em đến thế nào. Nhìn mâm cơm cùng dòng tâm sự của cô em, không ít chị em đã mạnh dạn đưa ra những quan điểm gay gắt nhưng khá khác nhau, mỗi người một ý. Có người thì cho rằng, cơm để phần như thế đã là tạm được rồi, ở cùng nhau thì không nên quá soi mói cho dễ sống, người lại nhận xét dù ăn ít hay ăn nhiều cũng không quan trọng bằng cách phần cơm người ăn sau cho tử tế.
Tài khoản Hoàng Quỳnh Phương bình luận: ”Sống chung với nhau thoải mái mới sống được, bớt sân si, soi mói đi thì dễ thở hơn. Mâm bát đũa thừa đã dọn hết đi rồi còn gì nữa. Ở nhà mình toàn ai về sau ăn sau, không nên quá kĩ tính”.
Cùng quan điểm, nickname Xuân Trúc viết: ”Mình thấy vậy là tốt rồi ấy, hơn nữa người ta là chị dâu chứ không phải em dâu mình. Thích thì bảo chị múc riêng để phần cho, đi làm về có người nấu cho ăn rồi còn đòi hỏi nữa”.
Bạn Nguyễn Như Hoa thì cho rằng, đó là thói quen của từng nhà, khuyên cô em nên dễ tính và nghĩ thoáng ra một chút thì mọi sự đỡ căng thẳng hơn rất nhiều: ”Nếu không vừa ý thì bạn cứ góp ý kiểu như lần sau chị phần riêng ra cho em. Nhà mình cũng toàn phần như thế này chẳng thấy làm sao cả. Tùy theo thói quen của từng nhà thôi, chú ý tiểu tiết thì phải nói ra. Nhiều người người ta không để ý nhỏ nhặt như vậy đâu chứ không phải chị dâu bạn cố tình làm như vậy, chỉ là chị ý nghĩ chị em thì xuề xòa thôi. Mà thật sự góp 1,5 triệu/tháng thì ăn thế này là đoàng hoàng rồi bạn ạ”.
Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến tỏ ra khá gay gắt trước sự ”xuề xòa” có phần thái quá của chị dâu và lên tiếng bênh vực, an ủi cô em này.
“Trời đánh tránh miếng ăn nhưng thế này thì mình cũng không muốn ăn nữa là bạn. Nhà mình mà phần cho người sau thì còn chọn toàn cái ngon để phần, chứ không có chuyện ăn uống xong rồi mặc kệ người ăn sau như thế này”, một nick name khác chia sẻ.
Bạn Thúy Anh cũng đồng quan điểm: ''Ăn ít hay ăn nhiều không quan trọng bằng cách phần, Mình mà vậy cũng không nuốt được, phần ai mà lúc riêng trước khi ăn chứ ai lại ăn xong mới đậy lại nham nhở khác gì cơm thừa. Đây còn chưa kể nhiều người ích kỷ, lúc ăn cứ việc bới cái ngon nhất lên ăn, không nghĩ đến người sau. Đấy, cũng chỉ vì mấy cái nho nhỏ thế thôi mà tình cảm gia đình đi xuống, đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt”.
”Mỗi người mỗi tính, mình cũng khá kĩ tính và ưa sạch sẽ nên mình hiểu chủ top. Mình cũng sẽ phát điên nếu phải ăn cơm sau mà ăn cơm thế này. Mình có thể ăn ít nhưng phần phải ra phần. Lần sau bạn cứ góp ý thẳng thắn, chứ đi làm về mệt nhìn thế này ai muốn ăn, rồi cứ để trong bụng lâu ngày lại phát sinh mâu thuẫn không hay đâu bạn ạ”, tài khoản Thảo Lương góp ý.
Cũng theo chia sẻ của nhiều người, đây không phải là trường hợp đầu tiên phàn nàn về việc bữa cơm để phần sau khi ăn muộn. Trước đó, rất nhiều mâm cơm để phần ”thịnh soạn” đến mức chị em vừa ăn vừa nghẹn đắng trong lòng.
 
Chung quy lại, miếng ăn là chuyện tế nhị nhưng trong đó thể hiện cả tình yêu thương, sự tôn trọng và phép lịch sự cơ bản cần có. Vậy nên, cũng hy vọng rằng, các chị em có thể tế nhị hơn, tinh ý hơn trong cách cư xử với người thân, kể cả đó là mối quan hệ vốn đã quen thuộc đi nữa để nhà cửa lúc nào cũng được yên ấm, vui vẻ.
Theo Helino