Tạp chí Vogue khẳng định hoa đã trở thành xu hướng trong thời trang. Bên cạnh việc in họa tiết hoa hay thêu lên vải hoặc cắt ghép, người ta còn sử dụng chính hoa tươi để tạo trang phục.
Đó là những bông hoa trên sàn catwalk của Louis Vuitton, Christian Dior, Yves Saint Laurent,... Những bông hoa tươi sống động sẽ trở thành đối tượng chính. Khi đó, nhà thiết kế phải vô cùng cẩn trọng để vừa tạo kiểu cho bộ đồ vừa giữ được độ tươi của hoa.
Bên cạnh đó, giới trẻ còn yêu thích việc lấy hoa tươi làm áo và thực hiện những bộ ảnh nghệ thuật. Thông thường, các cô gái sẽ phối hoa với quần jean cạp cao bởi nó ôm vừa vặn sẽ giữ được hoa đồng thời cân bằng khoảng hở.
Hiếm có ai chưa từng một lần ngẩn ngơ vì hoa. Nó được xem là biểu tượng của sắc đẹp, đại diện cho phụ nữ và sự xuất hiện của hoa là để tô điểm cho cuộc sống. Không chỉ trồng hoa, cắm hoa, thưởng hoa, người ta còn muốn lưu giữ hoa trên những bộ quần áo.
Việc in hoa lên vải được cho là có nguồn gốc từ phương Đông. Những thương nhân phương Đông đã bán lụa in hoa với giá cao. Thời điểm đó, chỉ những người giàu ở châu Âu mới mua được. Thế kỷ 16 ở châu Âu xuất hiện ren hoa dùng để trang trí cho hàng may mặc.
Ngoài ra, các thiết kế hoa còn xuất hiện trong các loại vải dệt trang trí công phu từ Ba Tư. Vải có dệt hình hoa tulip và quả lựu rất được yêu thích vào thế kỷ 17. Những tấm vải hoa Ba Tư này được các thương nhân từ đế chế Ottoman mang đến Ý.
Một loại vải hoa khác mà chúng ta bắt gặp trong lịch sử là Chintz. Kiểu vải này có nhiều khối màu in hoa văn trên nền chất liệu sáng. Nó được du nhập vào châu Âu vào thế kỷ 17. Các thương gia người Anh và Hà Lan đã mang những cuộn vải này từ Ấn Độ về và đem bán.
Tiếp đó những bông hoa như cúc, cẩm chướng, hoa hồng được sử dụng để trang trí cho những tấm gấm lụa vào thế kỷ 18. Sau thời Victoria, loài hoa khác thường được miêu tả trên vải là hoa hướng dương. Nó còn xuất hiện trên giấy dán tường, gạch lát.
Theo Hồng Linh/Arttimes