Bất kỳ ai lướt TikTok cũng thấy thời gian trôi nhanh hơn bình thường. Ý định “chỉ xem một video” nhanh chóng bị thay thế bằng vô số nội dung hấp dẫn khác, theo Insider.
Ứng dụng này cũng có khả năng gây nghiện, tương tự các mạng xã hội xuất hiện từ trước. Một số người đã phải xóa hẳn nền tảng để thay đổi thói quen lướt Internet của bản thân.
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, sử dụng mạng xã hội nói chung có thể làm giảm khả năng phân phối thời gian. Điều này còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội, giảm khả năng tập trung của người dùng.
Nhóm chuyên gia cho rằng không quá khó để giải quyết “cơn nghiện” này. Điểm mấu chốt là mỗi cá nhân phải nhận ra vấn đề, chống lại sự cám dỗ và học cách kiểm soát tình hình.
|
Ai cũng có thể nghiện TikTok. Ảnh: rawpixel.
|
Từ 10 phút đến vài giờ đồng hồ
Năm 2017, Lazaros Gonidis và cộng sự, nhà nghiên cứu từ Đại học Kent (Vương quốc Anh), đã thực hiện một nghiên cứu về cách mọi người cảm nhận thời gian lướt khi Facebook. Kết quả cho thấy họ thường không biết được đã tốn quá nhiều tiếng đồng hồ dạo chơi trên nền tảng này.
Gonidis cho rằng việc sử dụng TikTok cũng giống như vậy, thậm chí còn phí thời gian hơn.
“Chúng tôi xem từ video này đến video khác. Tôi cứ nghĩ chỉ mới khoảng 10 phút, nhưng thực tế đã 1-2 giờ đồng hồ trôi qua”, ông nói.
Để dễ hiểu, Gonidis so sánh việc xem video với đá bóng. Người chơi bóng thường ước lượng được thời gian trận đấu kết thúc nhờ não bộ phát ra tín hiệu mệt mỏi. Trong khi đó, bộ não không làm điều tương tự khi lướt TikTok.
|
Người dùng có thể mất nhận thức thời gian khi dùng mạng xã hội quá đà. Ảnh: rawpixel.
|
"Bạn sẽ chẳng tin mình đã xem năm video. Cơ thể không cho rằng bạn nên làm việc khác. Sớm thôi, chúng ta sẽ mất hết nhận thức về thời gian khi bước vào thế giới ảo”, nhà nghiên cứu nói thêm.
Ofir Turel, giáo sư thuộc Đại học Melbourne (Australia), chuyên gia về tâm lý sử dụng công nghệ, nói rằng có sự khác biệt giữa thời gian thực tế và thời gian trong nhận thức của một người đang nghiện gì đó.
Ví dụ, người nghiện hút đang tập bỏ thuốc luôn cho rằng đã rất lâu từ lúc họ châm điếu cuối. Điều này xảy ra do não bộ có hai quá trình: kích thích và chú ý. Sự kích thích cho biết mức độ hào hứng của chúng ta đối hoạt động bất kỳ. Trong khi đó, sự chú ý thể hiện khả năng đếm các đơn vị thời gian khi thực hiện nó.
Turel và các đồng nghiệp cũng nhận thấy nhóm mang triệu chứng nghiện mạng xã hội nhận biết thời gian rõ ràng hơn số còn lại. Họ luôn có ý thức về nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nhóm này vẫn cảm thấy thời gian làm việc trôi qua chậm hơn, nhàm chán hơn và không ngừng mong chờ tới lúc được tiếp tục lướt Internet.
Thay đổi thói quen xấu
Mọi công ty truyền thông luôn tìm cách để thu hút khách hàng, thậm chí áp dụng mọi chiêu trò tâm lý để giữ chân họ.
Một trong số đó là ghi nhận thói quen dùng Internet để đẩy lên các video đúng sở thích cá nhân. Điều này khiến cuộc chiến giành lại thời gian và nhận thức của người dùng mạng khó khăn hơn bao giờ hết.
"Thật khó chịu khi mạng xã hội được phép làm vậy. Chúng ta phải tự có trách nhiệm với bản thân và mọi việc xung quanh nếu muốn cân bằng cuộc sống trong thời buổi công nghệ không ngừng phát triển”, Turel nói với Insider.
Theo Godinis, các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm trong việc khiến xã hội có xu hướng nghiện nền tảng của họ. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị công nghệ "chỉ ngồi yên quan sát thay vì làm gì đó".
|
Thay đổi thói quen lướt Internet để nâng cao chất lượng sống. Ảnh: pexels.
|
Chuyên gia cũng khẳng định có nhiều cách lành mạnh để sử dụng các mạng xã hội như TikTok. Nhưng lựa chọn hướng đi nào còn tùy thuộc vào mỗi người. Không phải ai cũng quan tâm đến chuyện có thể xảy ra với cuộc sống của mình.
Turel cũng nhận ra người dùng có xu hướng hạn chế lướt Internet nếu được biết cụ thể lượng thời gian đã tiêu tốn.
“Ai cũng shock khi nhìn vào số liệu được ghi nhận. Nhờ vậy, họ bắt đầu ý thức, cân đối thời gian tốt hơn trong lúc sử dụng các nền tảng mạng xã hội”, nhà nghiên cứu cho biết.
Nhìn chung, vấn đề nằm ở cách sử dụng Internet của mỗi người. Rất khó để một người nhận ra mình đang làm sai cách, nên họ cũng không nghĩ đến chuyện thay đổi.
“Tôi không dám khẳng định ai cũng kiểm soát được thói quen sử dụng mạng xã hội. Song đa số đều sẽ làm được, nếu chúng ta thực sự muốn như vậy”, Turel nói thêm.
Theo Hồng Anh/Zing