Zing trích dịch bài viết của tác giả Pearl Liu trên South China Morning Post nói về lối sống độc thân, thích hưởng thụ thay vì tiết kiệm, lên kế hoạch cho tương lai của giới trẻ Trung Quốc.
Angela Wang không hề e ngại khi tiêu tốn rất nhiều tiền cho thú cưng. Là người độc lập về tài chính, cô đã chi khoảng 50.000 nhân dân tệ (7.650 USD) cho những chú mèo Anh lông ngắn quý hiếm của mình trong 2 năm qua.
Wang sắm đồ ăn, đồ chơi đắt tiền cho mèo cưng và dẫn chúng đi cắt tỉa lông, spa vào mỗi dịp cuối tuần. "Những con vật này là gia đình của tôi", giám đốc marketing 31 tuổi của công ty bán lẻ thời trang nói.
4 năm trước, sau khi chia tay bạn trai, Wang chuyển đến sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Kể từ đó, thú cưng trở thành bạn đồng hành cùng cô vượt qua mọi thăng trầm cuộc sống. “Chính vì vậy, tôi chỉ muốn dành những điều tốt nhất cho chúng”.
Wang là một trong số 240 triệu người độc thân không vướng bận cuộc sống gia đình, con cái hay các khoản vay thế chấp ở đất nước tỷ dân. Khi số lượng các cuộc hôn nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, 9,47 triệu vào năm 2019, Trung Quốc đang có nhóm độc thân đông đảo nhất thế giới.
|
Giới trẻ độc thân Trung Quốc ưa thích lối sống hưởng thụ.
|
“Những người sinh sau năm 1990 không muốn kết hôn” đã trở thành hashtag phổ biến trên mạng xã hội Weibo thời gian gần đây.
Sống buông thả, thích tận hưởng bằng cách mua sắm mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sưu tập đồ chơi thời thượng, hưởng thụ bữa ăn thịnh soạn dành cho một người… Đó là lối sống của thế hệ độc thân Trung Quốc - những người đang trở thành mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng.
Tiêu xài xả láng
Nhóm độc thân đang đóng góp một phần rất lớn vào doanh thu của hàng tiêu dùng, thị trường trị giá 6.000 tỷ USD, theo ước tính của công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại New York.
Những người chưa lập gia đình sinh sau năm 1990 chi tiêu nhiều nhất cho thời trang và quần áo, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ ăn nhẹ và đồ uống, theo một cuộc khảo sát vào tháng 11 của cổng hẹn hò trực tuyến Zhenai.com và JD.com.
Petkit, công ty có trụ sở tại Thượng Hải tập trung vào các sản phẩm thông minh dành cho thú cưng, không còn xa lạ với thị trường mục tiêu này, kể từ khi dòng sản phẩm máy tự động cho thú cưng của họ trở thành mặt hàng bán chạy. Công ty dự kiến sẽ đạt doanh thu 490 triệu nhân dân tệ vào năm 2020, tăng từ 100 triệu nhân dân tệ vào năm 2017.
Sau khi nhận được khoản tài trợ 20 triệu USD vào năm 2019 từ Qiming Venture Partners, Petkit đã mở rộng nhà máy của mình để sản xuất thức ăn cho vật nuôi, một sản phẩm cao cấp để thu hút những người như Wang.
Một gói thịt bò hoặc thịt gà dành cho thú cưng có giá lên tới 299 nhân dân tệ, cao gấp đôi so với bữa ăn trung bình hàng ngày ở Trung Quốc.
|
Người độc thân muốn tiêu xài hơn tiết kiệm.
|
Guo Weike, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Petkit có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi thấy nhiều người đang chọn cuộc sống độc thân lâu hơn. Họ nuôi thú cưng như gia đình, con cái của mình, do đó, tạo ra một thị trường phát triển bùng nổ cho các sản phẩm chăm sóc vật nuôi”.
Ince Capital, nhà đầu tư của PetKit, cho biết các doanh nghiệp coi Thế hệ Millennials như mục tiêu đầu tư mới của họ.
“Nhiều người thuộc Thế hệ Z đã chọn sống độc thân và điều này đã trở thành một hiện tượng phổ biến”, đối tác sáng lập JP Gan có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
"Không cần kết hôn hay con cái, họ không có gánh nặng tài chính nào lớn cả. Khi lớn lên mà không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hay đói nghèo, họ tiêu xài mạnh tay thay vì tiết kiệm".
Các khoản đầu tư khác của của Ince Capital bao gồm KKV, một thị trường dành cho các sản phẩm được đóng gói cầu kỳ như đồ chơi, đồ ăn nhẹ, văn phòng phẩm, bộ trang điểm, hoa và cây.
Một mình tận hưởng cuộc sống
Theo một báo cáo của Nielsen được công bố vào tháng 5, hơn một nửa số người độc thân Trung Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng cao.
Khoảng 52% những người này sẵn sàng chi tiền cho bất cứ thứ gì giúp cuộc sống của họ dễ dàng và thoải mái hơn, so với chỉ 39% ở các cặp vợ chồng trong cuộc khảo sát.
“Những người độc thân ít sẵn sàng tiết kiệm hơn và muốn sống cho thời điểm hiện tại”, Alex Shutter, đối tác tại Thượng Hải của Oliver Wyman, cho biết.
“Họ không lo lắng quá nhiều về việc lập kế hoạch cho tương lai. Thay vào đó, họ thích những trải nghiệm mới và thú vị. Bạn sẽ thấy nhiều doanh nghiệp hào hứng hơn với nhóm người này và hành vi chi tiêu của họ”, ông nói thêm.
Số lượng các cuộc hôn nhân giảm là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tìm cách duy trì tiêu dùng ở các mặt hàng giá trị lớn như bất động sản, ôtô và giáo dục.
Đồng thời, đất nước đang phải đối mặt với vấn đề xã hội già hóa, với khoảng 1/4 trong số 1,4 tỷ dân của quốc gia này dự kiến sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030.
Đó là điều mà Trung Quốc đang lo lắng. Vào tháng 11/2013, chính phủ đã công bố quyết định nới lỏng chính sách một con, một phần để nâng cao tỷ lệ sinh, trẻ hóa dân số.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa sẵn sàng kết hôn hoặc có con vào thời điểm này do nhiều lý do “chẳng hạn như chi phí nuôi con tăng vọt, thời gian làm việc kéo dài và ít có cơ hội giao lưu”, Zhang Zhen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Dân số và Phát triển của Đại học Phục Đán cho biết.
|
Người độc thân Trung Quốc tham gia sự kiện mai mối.
|
Zhang nói thêm: “Tình hình không thể thay đổi ngay sau khi các chính sách được sửa đổi. Nhưng sống độc thân cũng có thể đóng góp cho nền kinh tế”.
Miniso Group, nhà bán lẻ hàng hóa đa dạng của Trung Quốc có tên trong danh sách ở New York, cũng đã bắt kịp xu hướng này bằng cách mở một cửa hàng bán đồ chơi thiết kế theo bộ sưu tập. Hơn 40% khách của cửa hàng là người độc thân, theo giám đốc tiếp thị Robin Liu.
Ngày 18/12, nhà bán lẻ này đã khai trương cửa hàng đồ chơi thời thượng đặc biệt ở Quảng Châu, phía nam tỉnh Quảng Đông có tên là Top Toy. Cửa hàng này tập trung bán “đồ chơi nghệ thuật” - một số có giá cao tới 10.000 nhân dân tệ/chiếc, đã thu về khoảng 1,08 triệu nhân dân tệ trong vòng ba ngày mở cửa.
"Chúng tôi hy vọng sẽ mở hơn 10 cửa hàng tại các thành phố hạng nhất như Thâm Quyến vào tháng 2, để tăng cường sự hiện diện tại thị trường đang phát triển này", Liu nói.
Dù đã đi làm được nhiều năm, Angela Wang, giám đốc marketing ở Thành Đô, chỉ tiết kiệm được khoảng 1/5 trong số 180.000 nhân dân tệ tiền lương của mình.
Không quan tâm đến những con số đó, cô tiếp tục lên kế hoạch theo đuổi sở thích kế tiếp. Wang đã chi 5.000 nhân dân tệ cho một lớp học pha cà phê vào tháng 11 và đã đăng ký tham gia một hội thảo nâng cao dự kiến vào năm tới.
“Nếu tôi gặp ai đó và mối quan hệ suôn sẻ thì thật tuyệt. Nếu không, tôi vẫn có thể tự mình tận hưởng cuộc sống này. Tôi vẫn còn một danh sách dài những việc phải làm, chẳng hạn như đi du lịch, học một ngôn ngữ khác hay học chơi piano”, cô nói.
Theo Zingnews