Mỹ Trân (sinh năm 2001, đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ động lực giúp cô có được những thành tích học tập tốt, một phần là nhờ sự động viên từ gia đình, còn lại là do bản thân cô đặt mục tiêu khá cao.
Với mong muốn được trải nghiệm thật nhiều ở môi trường quốc tế, Trân chú trọng rèn luyện tiếng Anh, nâng cao thành tích học tập, cũng như các kinh nghiệm làm việc.
Không nên "thần thánh hóa" các chứng chỉ ngoại ngữ
Mỹ Trân chia sẻ: "Để năng khiếu thực sự tỏa sáng thì nỗ lực trau dồi và rèn luyện là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra nếu không có năng khiếu thì sự nỗ lực cũng sẽ mang lại kết quả xứng đáng".
"Lúc trước khi trở thành học sinh chuyên Anh, mình nghĩ việc học tốt ngoại ngữ không phải là dạng năng khiếu bẩm sinh, nhưng sau khi vào học, mình nghĩ có năng khiếu với ngôn ngữ có thể là một lợi thế. Vì có một số bạn sẽ làm quen với tiếng Anh nhanh hơn, phát âm chuẩn hoặc ghi nhớ từ vựng dễ dàng hơn, trong khi một số khác thì không", Trân nói.
Đối với cô gái Gen Z này, việc xây dựng kiến thức nền là cực kỳ quan trọng, sẽ góp phần bổ sung cho cả 4 kỹ năng trong Tiếng Anh.
Trân tiết lộ sai lầm phổ biến trong cách học ngoại ngữ của nhiều người là ôn tập tách biệt các kỹ năng. Trong khi sự thật là cả 4 kỹ năng đều có quan hệ mật thiết với nhau, kiến thức về ngữ pháp và từ vựng cũng vậy.
"Việc trau dồi về mặt tổng thể luôn là điều cần thiết. Nếu không trau dồi kiến thức nền ngay từ đầu hoặc bổ vào ngay học các kỹ năng thì kiến thức sẽ bị đứt đoạn, khó để hiểu sâu. Tùy vào mỗi kỳ thi hay mục đích học tập khác nhau mà mình nghĩ sẽ có các chiến lược chuyên sâu phù hợp với mỗi cá nhân", Mỹ Trân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để học ngoại ngữ tốt, nữ sinh Trà Vinh nhận thấy khả năng tập trung, ghi nhớ và quản lý thời gian cũng rất quan trọng. Trân thường học theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", mỗi ngày một ít nhưng liên tục. Mỹ Trân nghĩ rằng cách học này sẽ phù hợp với các bạn muốn học ngoại ngữ nhưng không có nhiều thời gian.
Sở hữu tấm bằng TOEFL IBT với số điểm ấn tượng 107/120, nhưng nữ sinh này cho rằng các bạn học sinh, sinh viên không nên "thần thánh hóa" các chứng chỉ ngoại ngữ. Trân nghĩ rằng, các chứng chỉ ngoại ngữ thật sự không thể nói lên hết năng lực ngoại ngữ của một người.
Cô lý giải, một phần là do hiện nay có quá nhiều trung tâm "mọc lên" để rèn luyện đi thi chứng chỉ. Tuy nhiên về lâu dài, ngôn ngữ cần liên tục trau dồi và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, không nên hướng tới mục tiêu là một kỳ thi hay tấm bằng.
"Năng lực ngoại ngữ còn có thể được đánh giá thông qua khả năng giao tiếp, ứng xử, cũng như cách viết, sử dụng ngôn ngữ để đọc, hiểu. Nói nôm na là nếu bạn thực sự đầu tư và có năng lực ngoại ngữ tốt, nó sẽ phần nào thể hiện trên điểm số hay các chứng chỉ. Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa chứng chỉ là thước đo duy nhất và không phải ai không có chứng chỉ là những người kém về ngoại ngữ", Mỹ Trân bày tỏ quan điểm.
Không ngại đối diện với thất bại
Dù có nhiều thành tích, Mỹ Trân không ngại thừa nhận bản thân đã thất bại nhiều lần trước khi đạt một thành tích nào đó. Với cô, số lần thi trượt, điểm kém hay bị từ chối học bổng là không ít. Điều quan trọng là thật sự tiếp tục cố gắng và làm khác đi ở những lần sau.
Bản thân Mỹ Trân cũng từng rất sợ thất bại, nhưng cô tin rằng không ai có thể thành công mãi mà không một lần gặp thất bại.
Mỹ Trân chia sẻ, cô sẽ dành một khoảng thời gian để buồn mỗi khi gặp thất bại. Nhưng theo thời gian, quá trình này mang lại nhiều giá trị cho bản thân mình hơn là kết quả. Chính vì vậy mỗi khi vấp ngã, cô thường nhìn lại xem quá trình cố gắng của mình đã học và thay đổi như thế nào, hơn là chỉ chú trọng vào kết quả cuối cùng.
"Một lời khuyên mà mình thấy khá hữu dụng là nên giảm sự kỳ vọng của bản thân xuống và tập trung nhiều hơn cho hiện tại. Như vậy thì cho dù có thất bại, nó cũng sẽ không phải là cú sốc quá lớn", Trân nhắn nhủ.
Bài học đắt giá từ những trải nghiệm
Những trải nghiệm ở đại học đã giúp Trân có được nhiều bài học.
Thứ nhất, với Trân, trách nhiệm là chữ tín. Mỹ Trân chia sẻ, có một thời gian cô ôm đồm quá nhiều việc nhưng lại không đủ khả năng quản lý sắp xếp nên đã gây ảnh hưởng nhiều đến người khác.
Trân nhận thấy đây là điều đáng tiếc, vì thế mà sau mỗi lần làm gì đó cô đều nghĩ kĩ về khả năng thực hiện của mình không vì hứng thú mà nhận lời, để rồi lại vịn vào sự bận rộn làm cớ để không làm tròn nhiệm vụ.
Thứ hai, trải nghiệm quyết định bạn là ai. Trân cho rằng các trải nghiệm mà một người có trong cuộc đời là điều quan trọng vì nó ảnh hưởng nhiều đến cách tư duy cũng như cách sống. Chính vì vậy, cô mong mình có thể có nhiều trải nghiệm phong phú, chứ không bị bó hẹp trong một giới hạn nào.
Vừa qua, cô đã trở thành một trong năm thí sinh nhận được học bổng toàn phần Global UGRAD - học bổng trao đổi được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Xuyên suốt quá trình xin học bổng, Mỹ Trân không nhờ đến mentor (cố vấn) mà tự mình tìm hiểu, hoàn thành toàn bộ.
Hiện tại, Mỹ Trân là thực tập sinh tại AVSE Global Vietnam. Cô cảm thấy tự hào dù chỉ là một phần nhỏ của tổ chức lớn, với sứ mệnh là tập hợp tri thức người Việt trên toàn thế giới nhằm xây dựng một Việt Nam tốt hơn, vững vàng hơn. Dù năng lực còn khiêm tốn so với các anh chị với bề dày kinh nghiệm và chuyên môn trong AVSE Global nhưng Trân cảm thấy rất vui vì có thể đóng góp chút gì đó cho tổ chức.
Vì đang là sinh viên năm 3 nên mục tiêu trước mắt trong tương lai của Trân là tốt nghiệp loại giỏi hoặc hơn tại Đại học Kinh tế TP HCM. Ngoài ra theo dự tính, Mỹ Trân sẽ trở thành trao đổi sinh ở Mỹ. Mỹ Trân dự định, sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm một thời gian trước khi học lên Thạc sĩ. Cô cũng hi vọng sẽ giành được học bổng bậc Thạc sĩ tại nước ngoài.
Bản thân cũng là một GenZ, Mỹ Trân tin rằng đây là một thế hệ khác biệt, với sự giao thoa giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Cô mong rằng thế hệ GenZ sẽ luôn trân trọng sự khác biệt này, và mang lại những thay đổi tích cực, tiến bộ cho thế giới mà mình đang sống.
Theo Mai Linh/ Dantri