Theo thông tin chia sẻ từ LĐBĐ Myanmar, kể từ vong 12, giải VĐQG Myanmar 2023 sẽ sử dụng bóng được tài trợ bởi thương hiệu Việt Nam, Động Lực sau khi hợp đồng với Warrix đáo hạn.
Vậy là sau Việt Nam và Campuchia, Myanmar là quốc gia thứ 3 sử dụng bóng của Động Lực cho giải VĐQG. Trước đó, tại SEA Games 31 tại Việt Nam và mới đây nhất là SEA Games 32 tại Campuchia vừa qua, trang phục, trái bóng của Động Lực trở thành những vật dụng thi đấu chính thức.
|
Bóng Động Lực trở thành trái bóng thi đấu chính thức tại giải VĐQG Myanmar. |
Cụ thể, SEA Games 32 Động Lực tài trợ khoảng 7,2 ngàn bộ trang phục thường ngày và thi đấu cho vận động viên, huấn luyện viên cùng 1.200 quả bóng thi đấu cho ban tổ chức. Đây là những quả bóng cùng loại với khoảng bốn ngàn trái bóng được dùng cho giải V-League 2023.
Sự đồng hành ấy thậm chí cũng tỏa sáng trong những thời điểm khó khăn ngặt ngoèo nhất. Như ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT từng chia sẻ: “Tập đoàn thể thao Động Lực vẫn luôn sát cánh cùng chúng tôi trên mọi mặt trận. Đặc biệt, vào thời điểm khó khăn nhất do dịch Covid-19, Động Lực vẫn sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi trong việc cung cấp trang thiết bị, trang phục cho các VĐV để duy trì tập luyện, thi đấu thể thao”.
Đây là một nỗ lực phi thường của Động Lực, bởi trong thời điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trong đó có bản thân công ty đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng với quyết tâm đồng hành với nền thể thao nước nhà, những trái bóng và các trang thiết bị vẫn được cung ứng đầy đủ và kịp thời, giúp các hoạt động thể thao giảm bớt gánh nặng khó khăn.
Để có thể trở thành biểu tượng đặc trưng của thể thao Việt Nam, mỗi quả bóng đá Động Lực đều được làm từ các nguyên liệu chất lượng cao và trải qua quy trình sản xuất, kiểm nghiệm nghiêm ngặt.
|
Động Lực trở thành trái bóng được tin tưởng sử dụng trong những trận cầu đỉnh cao tại giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. |
Và chúng được khâu tay chứ không hề dùng máy. Những công nhân lành nghề tại nhà máy sản xuất của công ty đã cống hiến hết mình để tạo ra những quả bóng cân đối về trọng lượng, đảm bảo độ bền, độ tròn và độ nảy. Đây là một điều khác biệt bởi trong khi các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng chuyển sang dùng máy móc để sản xuất bóng hàng loạt, thì tại Việt Nam bóng khâu tay vẫn đang có ưu thế. Ngoài đạt chuẩn chất lượng, giá thành của bóng Động Lực cũng rất cạnh tranh so sản phẩm của các hãng nước ngoài.
“Trên thế giới hiện nay, chỉ có Việt Nam và Pakistan được FIFA công nhận là 2 quốc gia sản xuất bóng khâu tay đủ tiêu chuẩn quốc tế. Có 2 lý do, thứ nhất chúng tôi đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến nhất, thứ hai, đó là sự khéo léo và phù hợp của người dân Việt Nam với công việc đặc thù này. Chúng tôi coi đó là một sự may mắn, mà không phải quốc gia nào, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng có và làm được”, ông Lê Văn Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Động Lực chia sẻ.
Hiện trong khoảng 500 lao động toàn thời gian, có 150 nhân sự làm việc tại nhà máy 10.000m2 ở Thanh Oai, Hà Nội; 50 nhân viên khâu tay bóng toàn thời gian và trên ba ngàn người thuê theo thời vụ. Mọi công đoạn sản xuất đều do công ty thực hiện và không có đối tác gia công. Mỗi năm, Động Lực sản xuất khoảng hai triệu quả bóng (bao gồm cả bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ) cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thiên Anh