Gia đình gặp biến cố, chàng trai Trần Thanh Hải (SN 1988) một mình mưu sinh trên đất Sài Thành đông đúc. Với đồng lương ít ỏi, hủ tiếu trở thành món ăn quen thuộc của anh mỗi khi “lương chưa về”. Rồi không biết tự bao giờ, anh đã yêu luôn món ăn ấy và “phải lòng” cô gái câm bán hủ tiếu hiền lành Phương Nhi (SN 1991).
Thanh Hải chia sẻ: “Cách đây 2 năm, mình ở gần nhà Nhi, khi ấy mình là dân lao động nghèo. Nhà Nhi có mở tiệm bán hủ tiếu mì của người Huế, mình thường lui tới tiệm ăn nên quen biết Nhi.
Mình vẫn nhớ những lúc mình chưa lĩnh được lương, bụng đói, ăn riết quen, cứ tới đúng 11h30 là em đem nguyên một tô hủ tiếu vào cho mình, mặc dù mình thiếu gần 40 tô rồi chưa thanh toán. Trong tô hủ tiếu toàn là thịt với thịt, phải nói riêng mình là được em dành cho tô đặc biệt nhất. Cái ngày mà mình thiếu tới 80 tô, mình mới nói với em, bây giờ thiếu quá nhiều rồi làm sao trả đây? Em tủm tỉm cười rồi viết ra giấy: Ta cho mi đó !”.
|
Những dòng cảm xúc chân thành của Hải nhân ngày sinh nhật vợ. |
Sau 6 tháng quen nhau, Hải mới dám hẹn Nhi, anh mời cô đi xem hát, coi phim, còn trước đó chỉ là những cái nhìn, cái cười ngại ngùng của hai người. Lần hẹn hò đầu tiên ấy đã khiến cặp đôi gắn kết với nhau hơn, Hải chia sẻ: “Hai đứa đi coi phim rồi xem hát, trời thương em, tuy lấy đi giọng nói nhưng vẫn cho em nghe được. Ngày hẹn đầu tiên mình mượn cái chiếc xe cup 50 chở em đi, chạy được lúc thì xe hư, mình và em dắt bộ từ Quận 1 về tận Bình Tân”.
Trước khi quen Nhi, Hải chưa bao giờ nghĩ đến việc anh sẽ yêu và kết hôn với người khuyết tật nhưng khi gặp Nhi, anh thấy thương và muốn che chở cho cô.
“9 tháng yêu nhau, mình mới dám hôn em, ta nói nó vui gì đâu á. Mùi dầu gội mà em gội thơm mùi dừa, thêm tóc em dài, mình cứ hay luồn tay vào tóc em nó mát thấy sợ luôn, mà thơm cũng thấy sợ luôn.
Còn nhớ ở dưới bậc thềm ven sông Bình Quới, mình hôn em xong ngại quá, bước hụt chân té hết xuống sông, ướt từ đầu đến chân”, Hải cho hay.
Thời điểm đó, Hải chỉ là một người nhập cư Sài Gòn nghèo rớt mồng tơi, gia đình thì mới bị biến cố, ba mẹ anh em tứ xứ tứ nơi để kiếm việc làm. Còn Phương Nhi là người gốc Huế nhưng ba mẹ cô vào Sài Gòn từ lâu, chính điều đó làm anh ngại với gia đình cô.
“Mình không có gì ngoài hai bàn tay trắng, không đẹp cũng không dễ thương, ăn nói không ngọt. Ba mẹ em quý mình bao nhiêu thì mình lại càng ngại ngùng bấy nhiêu. Có người nói mình chỉ vì gia đình tiền bạc của em mà lấy em, một cô vợ câm, thật ra họ đâu hiểu, mình thương em bởi cái nết bình dân như thế, em đích thân bưng từng tô hủ tiếu cho mình, mặc dù thừa sức có người thay em làm việc đó”.
Cuộc tình tưởng chừng suôn sẻ ấy, lại gặp phải sự phản đối của gia đình Hải, anh kể: “Ngày mình dẫn em về ra mắt ba mẹ thì mẹ mình lại không đồng ý. Mẹ nói em lùn, lại còn câm, em không những không trách mẹ mà còn cố gắng thuyết phục mẹ bằng tài nấu ăn siêu đỉnh của em luôn.
Nhớ bữa đó mẹ cứ khen em nấu ăn ngon, khen hoài khen hoài từ lúc ăn xong tới tận lúc tiễn em ra xe về Sài Gòn. Nhưng rồi cha mẹ hai bên đều không đồng ý, bằng tình yêu chân thành hai đứa mình đều cố gắng vượt qua”.
Cũng chính vì khi hai người thương nhau, yêu nhau lúc không có gì, cô một lòng một dạ theo anh mặc cho anh có nghèo khó nên anh luôn cố gắng bù đắp và yêu thương Nhi hết mực. Vượt qua mọi rào cản, tháng 6/2014, hai người về chung một nhà.
Hạnh phúc trọn vẹn
Một năm trôi qua, vượt qua khó khăn, vợ chồng anh cố gắng dành dụm để dọn ra riêng. Anh tâm sự: “Thật sự nhiều lúc mình buồn lắm, vì đời người con gái chỉ có một lần cưới, mình chưa làm được cái đám to thiệt to cho em. Đừng buồn nha vợ của anh. Anh sẽ cố gắng bù đắp cho em trong thời gian sắp tới, anh sẽ cố gắng "cày" để hai đứa mình ổn định hơn mà không nhờ vào gia đình em.
Cuộc sống vợ chồng mình có lúc cũng cãi vả, có lúc cũng sóng gió, nhưng mình tin mình sẽ cố gắng không bao giờ để em phải buồn, phải tổn thương”.
Biết Nhi chịu nhiều thiệt thòi nên anh luôn cố gắng bù đắp và chăm sóc cô, dù bận việc về muộn thế nào, anh cũng rất hạn chế ngủ ngoài, hay đi qua đêm, trừ khi phải đi công tác xa, còn lại anh luôn dành thời gian bên cô.
“Mình nhớ một lần mình đi gặp khách hàng, trời khuya mà điện thoại thì hết pin, em gọi rất nhiều cuộc, rồi đến khi mình về tới nhà, em oà khóc. Thật sự lúc đó tim mình như bị dao cắt vậy đó. Mình hiểu cảm giác của em, bực tức mà không thể nói, em cứ ú ớ rồi nấc nấc lên. Lúc đó, mình thật sự không biết phải làm sao, cứ thế hai vợ chồng ôm nhau trước cổng nhà khóc ngon lành. Từ đó, mình không bao giờ dám để điện thoại hết pin nữa.
Rồi vợ có thai, ngày đó mình đang làm ở công ty thì em nhắn tin điện thoại cho mình hay. Cả ngày mình vui sướng, hạnh phúc, không thể nào tập trung làm việc được. Những tháng ngày em mang thai bé Gấu, ta nói thương em vô cùng. Nhìn em bị hành mà mình không chịu được.
Thương vợ ở cái không thể nói những gì mình chịu đựng. Giá như ông trời cho mình thay thế vị trí em lúc đó em. Người ngoài nhìn vô nói năng này nọ chê trách em đủ điều nhưng cơ bản mình là người sống cùng em, là người mà nửa đêm đói bụng em lật đật xuống bếp nấu cho ăn, nửa đêm đau chỗ nào thì em ngồi cặm cụi bóp tay bóp chân cho dù mắt díp lại , thèm món gì là ngày trước ngày sau có món đó”, Thanh Hải cho hay.
Những ngày tháng Nhi mang thai cuối thai kì, Hải trở thành người đàn ông của gia đình, nấu nướng, giặt giũ, đi chợ, làm việc nhà, giặt đồ của vợ. Giờ có bé Gấu, anh lại càng thương vợ và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Yêu một người con gái đã khó nhưng yêu người con gái đặc biệt như Nhi càng trở nên khó khăn hơn, anh chia sẻ: “ Những người phụ nữ khuyết tật rất dễ bị tổn thương, cơ bản sâu trong lòng họ luôn có nỗi buồn thua thiệt. Chính vì vậy, người chồng cần tạo được cho họ chỗ dựa về tinh thần tốt, phải chung thủy và khiến họ tin tưởng tuyệt đối. Người phụ nữ bình thường có thể chịu đựng được vài lời nói dối từ người đàn ông và họ tha thứ bỏ qua được nhưng với người khuyết tật, họ sẽ khó để quên đi những gì khiến họ tổn thương”.
|
Thiên thần nhỏ đáng yêu của cặp đôi này.
|
Giờ đây, niềm hạnh phúc của Hải được trọn vẹn hơn khi anh không chỉ có người vợ dịu hiền, đảm đang, mà anh còn có bé Gấu đáng yêu. “Bạn có thể sinh ra từ nghèo khó nhưng nhất định bạn phải cầu tiến để tiến lên trên bậc cao hơn, từ đó trở thành người đàn ông có thể lo cho vợ con, cho tương lai mái ấm hạnh phúc gia đình.
Bạn có thể là người mà toàn xã hội thích hoặc không thích nhưng nhất định phải là người để vợ con toàn tâm còn ý yêu thương mình, chỉ khi bạn hoàn hảo trong mắt vợ con bạn mới có thể nuôi dạy con cái , lấy mình làm hình tượng để định hướng cho con, và điều cơ bản nhất định bạn phải là một người tôn trọng hôn nhân, tôn trọng tình cảm và gìn giữ thành quả của hạnh phúc”, Hải tâm niệm.