Đắm chìm vào vũ điệu ánh sáng
Khi màn đêm buông xuống, Cúc Phương biến thành một thế giới cổ tích diệu kỳ với hàng ngàn con đom đóm bay lượn, tạo nên những dải ánh sáng lung linh giữa không gian tĩnh mịch của rừng già. Đom đóm xuất hiện nhiều nhất vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 8, khi thời tiết ấm áp và độ ẩm cao.
|
Khung cảnh đom đóm lấp lánh trong đêm. Ảnh: VQG Cúc Phương |
Nhằm phát triển giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng và hướng đến du lịch sinh thái, từ đầu tháng 5/2024, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã triển khai "Chương trình tham quan bằng xe điện xem đom đóm và động vật hoang dã ban đêm".
Chương trình diễn ra từ 19 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Trong thời gian khoảng 1,5 tiếng, du khách sẽ di chuyển bằng xe điện trên đoạn đường dài 5km; xuyên qua các con đường mòn ngắm đom đóm, động vật hoang dã và khám phá cuộc sống về đêm trong rừng. Vườn Quốc gia Cúc Phương giới hạn mỗi đêm chỉ đón khoảng 100 du khách, để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của các loài động thực vật hoang dã.
|
Du khách trải nghiệm tour đêm. Ảnh: VQG Cúc Phương |
|
Cầy vằn cực kỳ quý hiếm trong tự nhiên. Ảnh: VQG Cúc Phương |
Gặp gỡ những cư dân hoang dã quý hiếm
Với tập tính hoạt động về ban đêm do vậy đây là thời điểm lý tưởng để du khách dễ dàng quan sát và tìm hiểu về các bạn động vật hoang dã như hươu sao, nai, rái cá,…
|
Hai cá thể hươu sao tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Ngọc Nam |
Công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã tại đây luôn được đặc biệt chú trọng. Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đang có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê; Chương trình bảo tồn rùa. Các loài động vật hoang dã được cứu hộ về đây, mỗi loài một tập tính sinh hoạt, thức ăn khác nhau cho nên việc chăm sóc rất kỳ công.
|
Rái cá thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm IB nằm trong sách đỏ được bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: Ngọc Nam |
Ban Quản lý vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam xác định, phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, coi phát triển du lịch là một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả bảo tồn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, tình yêu với thiên nhiên.
|
Cá thể tê tê quý hiếm thuộc nhóm IB, được ưu tiên bảo vệ và nghiêm cấm khai thác, sử dụng, mua bán, tiêu thụ dưới mọi hình thức. Ảnh: VQG Cúc Phương |
Việc phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cúc Phương phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tích hợp công nghệ số 4.0 vào hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn du khách; chú trọng phát triển theo hướng "mỗi du khách đến Vườn vừa phải có trách nhiệm với thiên nhiên, vừa đóng góp xã hội".
Với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và những trải nghiệm du lịch độc đáo, Cúc Phương chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên và một cái nhìn sâu sắc hơn về vẻ đẹp và tầm quan trọng của thiên nhiên. Hãy đến và khám phá viên ngọc xanh giữa lòng Việt Nam này, để cảm nhận và trân trọng hơn những giá trị vô giá của rừng già Cúc Phương.
Theo Ngọc Nam/Báo Sức khỏe & Đời sống