Chứng chỉ IELTS được công nhận rộng rãi bởi hơn 11.000 tổ chức giáo dục, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Không ai có thể phủ nhận được giá trị của tấm bằng này, thế nhưng việc cho con học IELTS từ mấy tuổi thì hợp lý thì vẫn là một câu hỏi trước nay của ba mẹ.
Nhiều bậc phụ huynh vì thấy "con nhà người ta" học IELTS nên cũng bất chấp cho con mình học theo mà chưa có mục đích rõ ràng, nhiều này dễ gây nên sự áp lực không cần có cho con trẻ.
Mới đây, một bà mẹ có con sinh năm 2011, hiện đang học ở một trường công ngoại thành Hà Nội vừa chia sẻ vào một hội nhóm cách để các bố mẹ khác dạy con làm sao để đạt được IELTS 8.0. Bài viết dài dằng dặc gần 2000 chữ, rõ ràng, chi tiết đầy tâm huyết, những tưởng sẽ nhận được nhiều sự đồng tình và ngưỡng mộ, nhưng cuối cùng chị lại gánh loạt "gạch đá".
|
Kết quả thi IELTS. |
Bé bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc từ năm lớp 3. Cuối lớp 4 và 5, em học xong cách viết đoạn, câu chủ đề. Đây là giai đoạn bà mẹ bắt đầu giới thiệu với con các loại bài essays của IELTS, với yêu cầu về việc trả lời thẳng vào câu hỏi, tuân thủ các quy định về dấu chấm câu và việc dùng từ formal.
Trong giai đoạn này, chị cũng cho con lập 2 nhóm Social Studies&Science và Economics, con được gặp các bạn giỏi để cùng thuyết trình. Với Science, chị hướng vào các chủ đề tìm hiểu về muối, vi khuẩn, bệnh bạch tạng ở động vật, động vật lưỡng cư và linh trưởng, so sánh thuỷ tinh và kim cương,… Cho Economics, chị giao các con tìm hiểu lý thuyết về cung, cầu, bàn tay vô hình, kinh tế donut (kinh tế học hình khuyên), rửa tiền, nguyên lý bàn tay vô hình,...
Chỉ học tiếng Anh thôi thì không nói, tuy nhiên học tiếng Anh nhưng bà mẹ này ép con phải học quá nhiều kiến thức vĩ mô đến người lớn cũng chưa chắc đã biết.
Band 8.0 IELTS với học sinh cấp 3, đại học đã là một kết quả đáng mơ ước. Tuy nhiên, điểm số này với bà mẹ vẫn là điều chưa đủ. Thay vì tự hào vì con chăm chỉ, cố gắng, mới lớp 7 đã chinh phục điểm IELTS cao thì chị lại trách ngược: Nếu con tập trung, nếu con không thơ thẩn bỏ phí thời gian thì con đã được thành tích cao hơn.
|
Bài chia sẻ của bà mẹ. |
Điều này đã gây nên sự tranh cãi đối với nhiều bố mẹ khác. Có người cho rằng ép uổng con thế này vô tình khiến con không còn tuổi thơ đúng nghĩa, con đang phải gồng gánh lượng kiến thức khổng lồ:
- Chị ép con học nhồi nhét đủ thứ từ IELTS, SAT cho đến các kiến thức rất phức tạp về khoa học và kinh tế, với những khái niệm ngay cả sinh viên đại học cũng ngoài tầm với như thế có thực sự cần thiết hay không?
- Trời ơi chị còn tự hào nữa ấy hả, học hết chừng này kiến thức thì đến thời gian ăn còn không có nổi mất.
Trầm Phương