Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin ăn vải, uống siro ho cũng có thể bị nộp phạt nồng độ cồn, áp dụng với cả người sử dụng xe đạp khiến nhiều người hoang mang. Chưa kịp hoảng hồn thì việc phải nộp phạt 200.000 - 300.000 đồng nếu xe đạp không có hệ thống phanh hoặc có mà không có tác dụng lại gây nhiều tranh cãi trái chiều.
|
Xe đạp có phanh không ăn cũng sẽ bị phạt từ 200.000 - 300.000 đồng. |
Cụ thể, tại điểm a, Khoản 2, Điều 18 của Nghị định, người điều khiển xe đạp sẽ có thể phải nộp phạt từ 200.000 – 300.000 đồng nếu như phương tiện không có hệ thống hãm, hoặc có nhưng không có tác dụng. Đây là quy định mới hơn nhiều dành cho người đi xe đạp so với Nghị định 46 năm 2016 trước đó.
Ngoài ra, người đi xe đạp nếu không đi về phía bên tay phải cũng theo chiều của mình hay không đi đúng phần đường quy định cũng sẽ bị phạt từ 80.000 – 100.000 đồng, đây được coi là mức phạt khá nặng tay.
|
Xe đạp cũng là một trong những phương tiện thường xuyên gây tai nạn giao thông. |
Trước những thông tin này, trên mạng xã hội xảy ra nhiều tranh cãi gay gắt. Nhiều người tỏ ra khá bức xúc khi các mức phạt khá nặng đối với các lỗi không mấy nghiêm trọng. Người dùng Facebook có tên C.N.M bình luận: "Thôi về bán hết xe rồi đi bộ, không biết đi bộ mà thổi nồng độ cồn có bị thu dép không nữa. Mình không phản đối phạt, nhưng phạt thế này là quá nặng".
Đồng quan điểm, B.L bày tỏ: "Giờ mình thấy người sử dụng xe đạp thường là học sinh và người lao động nghèo. Vậy mà giờ phạt họ tận 300.000 đồng cho lỗi cực kỳ cơ bản này thì hơi quá".
Tuy nhiên, G.T.K có quan điểm hoàn toàn trái ngược: "Tại Việt Nam, số tai nạn mỗi năm là con số cực kỳ kinh khủng, Nhà nước đang nỗ lực để giảm con số đó, mà muốn mọi người không vi phạm thì phải nặng tay. Sợ thì đừng sai. Muốn đất nước phát triển thì trị bằng luật chứ không phải nể tình cảm".
Xem thêm clip: Từ 2020 lái xe đạp không phanh hoặc 'phanh không ăn' bị phạt đến 300.000 đồng - Nguồn: Youtube
Quỳnh Thư