Trào lưu "livestream đôi" gây phản cảm ở Trung Quốc

Google News

Một người đàn ông giơ chiếc dép tát mạnh vào người Liu Li, cô hét lên đau đớn rồi ngã xuống đất. Đó là hình phạt vì cô đã thua trong buổi livestream đôi trên WeChat.

Theo The Paper, PK (livestream đôi) ngoài trời là một trò chơi phát sóng trực tiếp. Trong thời gian quy định, bên nào giành được nhiều quà tặng từ người xem sẽ thắng, bên thua phải chấp hành hình phạt ngay trên sóng livestream.

Liu thừa nhận đây là một hình thức phát sóng trực tiếp phản cảm nhưng nó giúp cô kiếm tiền. Thu nhập từ một buổi livestream phụ thuộc vào lượng người xem, vì vậy những streamer như Liu phải tìm cách giữ con số đó ở mức cao.

Trao luu

Đội quân livestream chuyên làm trò phản cảm trên đường phố ở Trung Quốc.

Những trò lố

Tại cầu Juzizhou (Hồ Nam, Trung Quốc) có hơn 30 streamer thường xuyên xuất hiện, họ phát sóng trực tiếp dưới dạng PK. Nhóm này đứng ở chỗ đông người, livestream cùng lúc và đưa ra thử thách cho nhau.

Trước khi bước vào PK, hai bên sẽ thương lượng và thống nhất hình phạt. Có nhiều hình phạt khác nhau dành cho người thua cuộc, như nhảy cóc, bị dội nước lạnh hay tạt tương ớt vào người.

Trao luu

Người thua trong buổi PK phải chịu những hình phạt được định trước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cách chỗ Liu Li đứng không xa, một nữ streamer khác đang chịu phạt ngay trước nhà vệ sinh công cộng. 3 xô nước lần lượt đổ ụp xuống, cả người cô gái ướt sũng. Sau khi nhận hình phạt, cô tiếp tục mặc bộ quần áo ướt để hoàn thành nốt buổi livestream.

Một nữ streamer phải chịu hình phạt là bị đổ cả chai tương ớt lên đầu. Cô la hét: "Sao anh đổ hết vào quần áo của tôi như thế" nhưng phía đối thủ không dừng lại. Hình ảnh được truyền trực tiếp đến khán giả của cả 2 bên.

Liu Li nhớ lại khi mới vào nghề này, cô không thể chấp nhận những hình phạt như nhảy cóc hay bị vẽ bẩn lên mặt. Dù đã quen với hình thức livestream đôi này, Liu vẫn không thể chấp nhận một số kiểu hình phạt vì quá thô tục.

"Ban đầu, những buổi PK thường diễn ra khá bình thường, dần dần mọi người nghĩ ra thêm nhiều trò quái đản để hút người xem. Đầu tiên họ chỉ đổ nước khoáng lên đầu, sau đó là bia, nước tương, giấm, tương ớt và trứng sống".

Một chủ quán cà phê kể suốt một tháng, hàng chục streamer tập trung ở đây, họ livestream 24/7. Ban đầu, bà chỉ bán cà phê, nhưng khi những người này có nhu cầu mua đồ để thực hiện hình phạt, bà bán thêm nước tương, giấm, bột mì, trứng và nhiều thứ khác.

Bất chấp để kiếm tiền

Không có ngoại hình xinh xắn hay tài năng nổi bật, Liu Li phải dựa vào hình thức PK để được người hâm mộ theo dõi và tặng quà.

Được người xem tặng quà là mục tiêu duy nhất của PK, cũng là nguồn thu nhập chính của các streamer như cô.

Cô cho biết sau khi trừ các khoản phí và thêm một số phần thưởng từ nền tảng, số tiền kiếm được chỉ bằng khoảng 1 nửa so với giá trị quà tặng từ người xem. Mỗi ngày phát sóng 3 trận, mỗi trận kéo dài 3-4 giờ, cô có thể kiếm được vài nghìn nhân dân tệ hoặc nhiều hơn.

Trao luu

Những streamer đường phố thường tập trung phát sóng trực tiếp suốt ngày đêm.

"Đội trật tự đô thị đến rồi, mau đi thôi", các streamer báo hiệu nhau thu dọn thiết bị và rời đi khi thấy một người mặc đồng phục an ninh tiến về phía họ. Vài phút sau, khi người của đội quản lý đi, những streamer này tụ tập trở lại.

Chủ công viên nơi các streamer tụ tập cho biết nhân viên quản lý đô thị thường đi tuần tra 2-3 lần/ngày, đội phát sóng thường tránh vào các điểm chờ xe buýt hoặc bến tàu điện ngầm.

Hisense Plaza và Huangxing Plaza nằm ở khu thương mại Wuyi (thành phố Trường Sa, Hồ Nam), nổi tiếng có cuộc sống sôi động về đêm, là điểm tụ tập của đông streamer PK.

Để đối phó với tình trạng hỗn loạn do các buổi PK thô tục, chính quyền quận Thiên Tân đã phải tổ chức một buổi họp đặc biệt vào hôm 30/8 để "càn quét" nhóm người này.

Các phòng ban liên quan đã mời đại diện 13 nền tảng phát trực tiếp đến để trao đổi chiến lược nhằm điều chỉnh hình thức và nội dung các buổi PK, xây dựng văn minh trên mạng.

Ngày 2/9, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh và Truyền hình đã ban hành "Thông báo về việc tăng cường công tác quản lý các chương trình nghệ thuật và văn hóa quần chúng", chống lại các xu hướng giải trí thô tục và phản cảm của những "người nổi tiếng trên mạng".

Một số nền tảng đã đưa ra quy định cấm hình thức livestream thô tục. Trên Douyin, các trò chơi và hình phạt phản cảm không được phép thực hiện. WeChat cấm các hình thức phát sóng trực tiếp có nội dung khiêu dâm, bất hợp pháp.

Theo Đinh Phạm/ Zing