Trào lưu phẫu thuật để giống ảnh 'sống ảo' trên mạng xã hội

Google News

Không muốn bị gọi là "sống ảo", nhiều người trẻ quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để giống với chính mình nhưng đã qua chỉnh sửa bằng các ứng dụng trên mạng.

Từ khi các ứng dụng chỉnh sửa ảnh ra đời, việc "sống ảo" cũng trở nên quen thuộc. Theo The Indepedent, đa số người sử dụng các phần mềm chỉnh sửa này nằm trong khoảng từ 15 đến 30 tuổi.
Trước khi đăng một bức ảnh lên trang cá nhân, họ thường chỉnh sửa nhiều lần và biến bức ảnh trở nên lung linh. Các bộ lọc có thể biến một làn da trở nên sáng hơn, làm mờ hoặc "xóa hẳn" các nhược điểm như mụn, nếp nhăn, làm khuôn mặt trở nên thon gọn và khiến bất kì ai cũng có thể trở nên quyết rũ.
Mới đây, The Guardian đã chỉ ra rằng có những trường hợp yêu gương mặt sau khi chỉnh sửa đến mức đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ cho giống với mình trên mạng xã hội.
Nghiện chính mình trên mạng
Với hơn 1 triệu người theo dõi, KyRhys Devoe muốn xây dựng cuộc sống thường ngày giống với những gì anh đăng tải trên mạng xã hội. Tương tự các Influencer khác, KyRhys theo đuổi ngoại hình hoàn hảo, anh thường dành 1 giờ để chỉnh sửa ảnh selfie.
"Tôi muốn trông như búp bê, có một làn da mịn màng, mặt V-line, giống như tôi trên mạng ấy", anh chia sẻ với CNN.
Trao luu phau thuat de giong anh 'song ao' tren mang xa hoi
Những khuyết điểm sẽ được chỉnh sửa khiến khuôn mặt trở nên hoàn hảo. 
Tuy nhiên, KyRhys không muốn dành quá nhiều thời gian cho việc chỉnh ảnh, bên cạnh đó, anh cũng muốn mình luôn giống với "KyRhys trên mạng" nên đã tìm đến bác sĩ thẩm mỹ.
KyRhys không phải trường hợp duy nhất.
Anika, cô gái được mệnh danh là "Nữ hoàng Snapchat", bị ám ảnh bởi ảnh "tự sướng" của chính mình. Trong giai đoạn từ 19 đến 21 tuổi, cô chụp 25 bức ảnh/ngày và trung bình mỗi ảnh của Anika nhận được khoảng 300 lượt yêu thích. Việc được "trăm like" khiến cô cảm thấy mình như trở thành người nổi tiếng.
Tuy nhiên, chia sẻ với trang The Guardian, Anika cho biết cô không hài lòng với khuôn mặt mộc của mình khi nó không được chỉnh sửa bởi các ứng dụng.
Cô đã liên lạc với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để sửa khuôn mặt mình giống với ảnh selfie. Điều này làm cô trở nên tự tin và có thể gặp gỡ những người theo dõi mình ngoài đời thật mà không khiến họ bất ngờ hay thất vọng.
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên The Guardian năm 2017, những người thích chụp ảnh selfie lung linh thường hy vọng nâng cao địa vị xã hội, rũ bỏ suy nghĩ tiêu cực của mình và ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ.
Hội chứng ám ảnh ngoại hình khi sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh
Bác sĩ thẩm mỹ Dirk Kremer cho biết đối tượng bệnh nhân tìm đến ông để thực hiện phẫu thuật ngày càng trẻ. Họ thường đến với chiếc điện thoại trên tay cùng loạt ảnh selfie đã được chỉnh sửa qua các ứng dụng.
Theo Independent, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và các nhà nghiên cứu cho biết ngày nay, khách hàng không còn mang theo ảnh của người nổi tiếng hay thần tượng khi đến trung tâm, bệnh viện yêu cầu phẫu thuật. Thay vào đó, họ mang những bức ảnh selfie đã được chỉnh sửa để trở thành phiên bản hoàn hảo của chính họ.
Trao luu phau thuat de giong anh 'song ao' tren mang xa hoi-Hinh-2
Nhiều người đến tìm bác sĩ thẩm mỹ với chiếc điện thoại trên tay cùng loạt ảnh selfie. 
Tiến sĩ Neelam Vashi, giám đốc trung tâm thẩm mỹ và laser của ĐH Boston cho biết một hiện tượng mới có tên là "rối loạn Snapchat" (thuật ngữ được đặt bởi bác sĩ thẩm mỹ Tijion Esho) xuất hiện và khiến người dùng tìm kiếm những chương trình phẫu thuật để họ có thể giống như các phiên bản được lọc qua filter.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về hiện tượng này.
"Việc sử dụng các ứng dụng và chỉnh sửa quá nhiều có thể dẫn đến chứng rối loạn dị dạng cơ thể hay mặc cảm ngoại hình (BDD). Đây đều là bệnh tâm thần khiến mọi người bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết tưởng tượng. Khi những hình ảnh này trở thành chuẩn mực trên phương tiện truyền thông xã hội thì trong cuộc sống thực, định nghĩa về cái đẹp sẽ thay đổi", ông Vashi cho biết.
Theo Lê Ngọc/Zing News