Trường học sao mà giống cái chợ! Người ta đã không coi trọng trường học nữa, đã không còn coi nhà trường là chốn linh thiêng. Hay là lâu nay nó đã không còn là chốn linh thiêng nữa rồi? Cứ nghĩ đến cảnh mấy chục đứa trẻ lớp 2 nhìn cô giáo của chúng đánh nhau (hay bị đánh) ngay trên bục giảng mà ngao ngán. Chúng nghĩ gì về cô giáo của mình? Chả hiểu sau đó với những bài giảng về đạo đức, về giáo dục công dân... cô sẽ dạy thế nào đây? Những đứa học trò kia sẽ học được điều gì từ một cô giáo như thế.
|
Ảnh minh họa. |
Bà hàng xóm nhà tôi có cô con dâu là giáo viên dạy văn cấp THCS ở ngoại thành, thỉnh thoảng cô về sang nhà chơi, nghe cô kể xấu mẹ chồng, chửi chồng, kể những chiến tích của cô khi “chiến đấu” với đồng nghiệp để giành lớp chuyên, lớp chọn hay chỉ để giành một miếng đất trồng rau... mà kinh. Tôi chưa được vào lớp nghe cô giảng bài, không biết hay dở thế nào nhưng tôi thấy ái ngại cho những phụ huynh nào có con học cô. Chẳng hiểu một người như vậy thì dạy được gì cho học sinh?
Một thầy giáo đã nghỉ hưu chia sẻ, nghề giáo viên khổ lắm, lương không cao, đã vậy làm gì cũng phải giữ gìn, đến ăn quà ngoài đường cũng không dám vì sợ học sinh nhìn thấy! Bởi vì khi đứng trên bục giảng thầy là hình mẫu để học sinh nhìn vào mà học tập, noi theo, vì vậy không chỉ có kiến thức mà nhân cách, đạo đức, lối sống của người thầy cũng ảnh hưởng rất lớn tới học sinh. Có lẽ những người lo giữ gìn hình ảnh của mình như vậy giờ đã thành những người muôn năm cũ rồi.
Và cũng giống như ngành y, khi đã biến việc cứu người thành một ngành kinh doanh thì ắt phải trả một giá rất đắt. Ngành giáo dục cũng vậy, nơi dạy người trở thành nơi bán chữ, buôn kiến thức, mua điểm... thì hậu quả phải gánh chịu sẽ kinh khủng biết nhường nào, vì sản phẩm của nhà trường là con người. Một cái máy hỏng có thể bỏ đi, chứ một con người hỏng nhân cách thì sức tàn phá của nó không chỉ là ở ngày hôm nay mà còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau nữa.
Minh Anh