Đó là suất học bổng toàn phần trị giá hơn 6 tỷ đồng của ĐH Chicago, Mỹ - ngôi trường nơi GS Ngô Bảo Châu đang giảng dạy.
Nhật cho biết, em bắt đầu biết đến SAT và các trường đại học vào 6 tháng trước khi nộp đơn. “Theo em, cách học hiệu quả nhất là lên mạng học. Thực chất thì em học New SAT chỉ trong vòng 1 tháng thôi, và đều là tự học cả. Nguồn học chính của em là trên trang khanacademy.com”.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, kết quả mà Nhật nhận về là: New SAT I: 1470/1600; SAT II (Vật lý: 800/800; Toán 2: 800/800), IELTS: 8.0.
|
Lâm Quang Nhật - cậu học trò Quy Nhơn - vừa giành suất học bổng toàn phần của ĐH Chicago.
|
Ngoài điểm thi chuẩn hóa xuất sắc, nam sinh Bình Định còn đạt được những thành tích ấn tượng khác ở trường: Giải Ba quốc gia môn tiếng Anh, giải Ba Olympic Tài năng tiếng Anh toàn quốc, giải Nhất IOE (Olympic tiếng Anh trên mạng), giải Bạc cuộc thi tiếng Anh toàn miền Nam 30/4...
Về hoạt động ngoại khóa, Nhật cho biết em không tham gia nhiều, mà chỉ làm những thứ thực sự có ý nghĩa với mình. “Em từng đi làm tình nguyện ở một trung tâm Vật lý lớn ở Quy Nhơn, và đã có may mắn được làm thông dịch viên cho bài nói của một nhà vật lý người Pháp”.
“Em cũng tham gia câu lạc bộ nói tiếng Anh Model United Nations của trường. Còn lại là làm và chơi những sở thích cá nhân của em như: bóng rổ, guitar, piano, rubik, bắn pool, chơi các loại bài poker, đọc tiểu thuyết tiếng Anh, lập trình...".
|
Thư trúng truyển ĐH Chicago của Lâm Quang Nhật. |
Theo Nhật, việc tìm hiểu thông tin trong quá trình nộp đơn rất quan trọng. “Nên chọn những trường đại học mà mình thực sự thích và cảm thấy phù hợp thay vì chạy đua theo danh tiếng. Và cần phải tìm hiểu thật kĩ và phải thật “yêu” ngôi trường của mình”.
“Việc thể hiện tính cách của bản thân với ban tuyển sinh là rất quan trọng, bởi vì có hàng ngàn thí sinh có điểm SAT và những hoạt động ngoại khóa giống mình. Chiến thuật của em là luôn giữ tự tin và chân thật” – Nhật chia sẻ.
Với Chicago, cậu cho rằng ngôi trường này tập trung vào con người và tính cách của mỗi cá nhân cũng như sự khác biệt trong cách tư duy.
Tiêu đề bài luận mà Nhật gửi cho ĐH Chicago chỉ có vỏn vẹn 2 chữ “Find x” (Tìm x). “Em đã viết về những giấc mơ từ nhỏ của bản thân và hành trình đi tìm x, cũng như khám phá bản thân từ những giấc mơ đó. Quá trình tìm ý tưởng cho các bài luận theo em rất là thú vị. Thú thật là em đã có một thời gian khá căng thẳng nhưng cũng rất tuyệt khi viết những bài luận này”.
|
Bức thư viết tay của một thành viên trong ban tuyển sinh và món quà của ĐH Chicago gửi tặng Nhật sau đó. |
Nói về những khó khăn trong quá trình chuẩn bị nộp hồ sơ, Nhật cho biết, Quy Nhơn không có các trung tâm tư vấn du học, cũng không có những trại sinh viên hay hoạt động ngoại khóa nên việc tìm hiểu về các trường đại học rất khó khăn. Trường cấp 3 của em cũng không có bộ phận tuyển sinh nên việc rút học bạ đều phải tự làm, rất vất vả.
“Em mong trong tương lai những bạn có hoàn cảnh khó khăn ở Quy Nhơn hay ở miền Trung nói chung sẽ có những cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các cơ hội đi du học”.
Ngoài những khó khăn về địa lý, hoàn cảnh gia đình Nhật còn có một chút đặc biệt. “Ba em mất năm em học lớp 3. Một mình mẹ em nuôi hai anh em ăn học rất vất vả và chật vật. Từ khi em có bố thứ hai cách đây 3 năm, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn. Ba mẹ là người luôn nhắc nhở và động viên mỗi khi em căng thẳng hay chểnh mảng. Gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần cho em”.
Ngay sau khi nhận tin báo đỗ một số trường của Mỹ, bố mẹ em cũng quyết định cho cậu con trai sang Mỹ học nốt nửa năm cuối cùng của lớp 12. “Một phần là để chuẩn bị cho cú sốc văn hóa khi vào đại học, một phần là để làm quen với thời tiết giá lạnh ở Chicago” – Nhật nói. Hiện Nhật đang học ở trường trung học Shorewood thuộc tiểu bang Wisconsin.
Dự định của Nhật là học ngành Vật lý, chuyên về lý thuyết tương đối và lượng tử của ĐH Chicago.
Chia sẻ kinh nghiệm với các bạn có ý định du học, Nhật khuyên nên chuẩn bị tinh thần từ sớm, tham khảo ý kiến của cha mẹ và những người đi trước để khỏi mắc sai lầm không đáng có.
“Và điều quan trọng nên nhớ là việc nộp đơn du học không phải là một cuộc đua giữa bạn và những người khác, mà nó là cuộc chơi giữa bạn và ngôi trường mà bạn chọn. Đó là một cuộc chiến với chính bản thân mình”.
Theo Theo Nguyễn Thảo/Vietnamnet