Đối với những người trẻ đang bước vào thời đại bùng nổ của mạng xã hội, hình ảnh cơ thể và lòng tự tôn của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021 đối với 200 thanh thiếu niên từ 13-21 tuổi do Tổ chức ParentsTogether (Mỹ) thực hiện, những người trẻ sử dụng bộ lọc làm đẹp hàng tuần có nhiều khả năng muốn phẫu thuật thẩm mỹ và thay đổi màu da.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy thanh thiếu niên càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, thì họ lại càng có xu hướng không hài lòng với ngoại hình của mình.
Sự tự ti sau vẻ đẹp chỉnh sửa
Amanda Kloer - Giám đốc chiến dịch của ParentsTogether - chia sẻ: “Chúng tôi ghi nhận ngày càng nhiều cô gái tuổi thanh thiếu niên mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình ảnh bản thân và phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Phần lớn tương quan với cách họ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội”.
Bác sĩ tâm thần Diana Samuel - Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ) - giải thích: “Việc sử dụng lặp đi lặp lại các bộ lọc chỉnh sửa tạo ra một quy chuẩn bình thường mới cho cách giới trẻ nhìn nhận bản thân và cách chúng ta thể hiện với thế giới”. 61% người trả lời cuộc khảo sát của ParentsTogether báo cáo rằng, các bộ lọc góp phần khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình của mình.
Josephine Mitchell (16 tuổi) ở bang New Jersey nói rằng, cô đã sử dụng các bộ lọc sau khi thấy bạn bè thường xuyên thay đổi ảnh đại diện, cập nhật theo trào lưu từ những người nổi tiếng.
Josephine tin rằng mọi người trên mạng xã hội có xu hướng chỉnh sửa ảnh cá nhân rất nhiều. Dù phần lớn các mạng xã hội là dành cho những người từ 13 tuổi trở lên nhưng vẫn có các trẻ nhỏ hơn tạo tài khoản trên các ứng dụng như Instagram. Thông tin mà các cô gái trẻ nhận được từ những người khác thường tập trung vào hình ảnh cơ thể, hình dáng.
Arianna - một cô gái 17 tuổi tại Mỹ - bắt đầu sử dụng các bộ lọc chỉnh ảnh trên mạng xã hội vào lúc 14 tuổi. Mục tiêu chính của cô là che giấu sự bất an lớn nhất của mình, một đôi chân “đầy đặn hơn bình thường”.
Arianna bộc bạch: “Tôi nghĩ mọi người sẽ phóng to bài đăng của tôi và chia sẻ nó với nhau để giễu cợt tôi. Vì vậy, tôi quyết định chỉnh sửa bản thân để phù hợp với bài viết của họ: chân gầy, da mặt láng mịn, răng trắng”.
Cần sự giúp đỡ từ cơ quan quản lý, gia đình và xã hội
Kloer hy vọng rằng, các chính phủ sẽ bắt đầu buộc những nền tảng xã hội xem xét kỹ hơn cách họ tác động đến trẻ nhỏ. Cô giải thích: “Chúng tôi có một bản kiến nghị từ ParentsTogether với hơn 5.000 phụ huynh ký tên, yêu cầu TikTok gỡ những bộ lọc làm đẹp khỏi tài khoản trẻ em. Tôi nghĩ rằng, các nền tảng công nghệ có thể làm nhiều cách để hạn chế quyền truy cập vào các bộ lọc làm đẹp, đặc biệt là đối với người dùng chưa đủ tuổi, kèm với việc gắn nhãn cho hình ảnh đã qua chỉnh sửa”. Cùng với đó, Kloer hy vọng trẻ em sẽ hiểu những gì chúng đang thấy là không chính xác.
Các quan chức Đức hôm 1/7 cho biết, họ muốn các nhà quảng cáo và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội dán nhãn cho bất kỳ bức ảnh nào đã sử dụng bộ lọc làm đẹp. Theo những nhà phê bình, hệ thống bộ lọc thúc đẩy các tiêu chuẩn phi thực tế về vẻ đẹp.
Bộ trưởng bình đẳng của bang Hamburg - Katharina Fegebank - nói rằng các công cụ kỹ thuật số không nên xác định những gì được coi là đẹp hay không. Quy định mới sẽ áp dụng cho quảng cáo thương mại và những người có ảnh hưởng sở hữu lượng người theo dõi đáng kể.
Ngoài ra, xem xét độ tuổi phát triển và trải nghiệm của trẻ, cha mẹ cần có những cuộc thảo luận để tách thực tế ra khỏi nhận thức trực tuyến. Nhà tâm lý học lâm sàng Allison Chase - Trung tâm Tâm trạng và Lo lắng Pathlight (Mỹ) - nhận xét: “Cha mẹ không nên khuyến khích trẻ sử dụng các bộ lọc làm đẹp. Điều quan trọng là phải xác nhận giá trị của con bạn và giúp chúng yêu bản thân, bất kể chúng là ai và trông như thế nào”.
Theo Ngọc Hạ / Phụ nữ online