Có đứa bận việc nhà, có đứa đi công tác... nhưng cũng có những người hơn 20 năm ra trường chưa một lần về thăm thầy cô. Có người bảo chẳng có tình cảm với ai, chẳng quý mến ai. Thế thì đến chịu!
|
Ảnh minh họa. |
Đời học sinh của tôi cũng có thể nói là hẩm hiu, chẳng được thầy cô nào yêu quý đặc biệt, cũng chẳng có tình cảm sâu nặng, hay thần tượng một ai. Mỗi khi đọc những chuyện cảm động về tình thầy trò tôi thầm ghen tị, ước ao giá mình cũng có được một người thầy như vậy.
Khi đi học, tình cảm rõ nhất của tôi với các thầy cô là nỗi sợ, nhất là sợ cô giáo chủ nhiệm hồi cấp 3. Trong giờ học, giờ kiểm tra, trên lớp sợ đã đành, đến giờ chơi, những buổi đi dã ngoại... ra ngoài cổng trường rồi... vẫn sợ. Chẳng bao giờ có chuyện dám tâm sự với cô những suy nghĩ thực của mình về việc học, chuyện gia đình, những cảm xúc chân thành của trẻ con, yêu cô này, không thích thầy kia, quý bạn nọ, ghét bạn kia... Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều bạn tôi cũng thế.
Vậy mà khi ra trường, đi làm, có con... tôi lại rất thích đến thăm cô chủ nhiệm. Có thể nói với cô đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình, chồng con, xin cho con học trường nào, lớp nào cũng hỏi ý kiến cô. Tổ chức họp lớp ra sao, giúp đỡ bạn bè thế nào... cũng nhờ cô tư vấn.
Phải nói là thời gian sau khi ra trường tôi học được ở cô nhiều hơn những gì nhận được khi ngồi trên ghế nhà trường. Tôi nhận thấy cô có một nghị lực mạnh mẽ. Sau khi tiếng Nga không còn mấy ai học, cô học tiếng Anh để trở thành giáo viên Anh văn, đến khi nghỉ hưu cô lại mở trường và phát triển nó thành ngôi trường nổi tiếng, đáng mơ ước.
Và tôi nhận thấy yêu quý được một người thật là một điều hạnh phúc. Có được một người thầy mình yêu quý, kính trọng thật sung sướng. Để hằng năm, mỗi khi đến ngày 20/11 lại được cùng nhau tới thăm cô, nhắc lại những kỷ niệm, được trò chuyện, được yêu thương, được thấy mình lại bé nhỏ như ngày nào. Thật tiếc cho những người đã không về thăm thầy cô giáo cũ!
Minh Anh