|
Video dạy kiếm tiền trên Tinder có thêm gần 500.000 lượt xem sau một ngày. Ảnh: Xuân Sang.
|
Những video được chia sẻ gần đây của kênh YouTube Kim**e gây nhiều tranh cãi, với chủ đề như cách kiếm tiền trên Tinder, hay cách làm giả CV xin việc. Nhiều người dùng nhận xét việc chia sẻ vi phạm công khai như vậy là nội dung bẩn.
YouTube có bảng quy định dài nhiều trang cho tiêu chuẩn cộng đồng của video trên nền tảng. Tuy nhiên, điều khoản không bao quát được đầy đủ tình huống thực tế, xuất hiện trên hàng tỷ video được người dùng đăng tải.
Video dạy cách kiếm tiền trên Tinder hay giả mạo đơn xin việc của Kim**e được các chuyên gia xếp vào nhóm vùng xám quy định của nền tảng. Do đó, việc xác định vi phạm hay áp dụng hình phạt ra sao được quyết định bởi YouTube.
Khó xác minh vi phạm
Video của nữ YouTuber với nội dung hướng dẫn người xem cách kiếm tiền bằng ứng dụng hẹn hò được lan truyền, gây bức xúc trong cộng đồng. Clip được phát hành từ nhiều tháng trước, nhưng không có nhiều người quan tâm. Sau khi được lan truyền rộng rãi khoảng 24 giờ, clip “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder” của kênh Kim**e đã thu về gần 500.000 lượt xem.
|
Video có hàng chục nghìn lượt dislike sau khi được lan truyền. Ảnh: YouTube.
|
Đa phần phản ứng của người xem về nội dung nói trên là tiêu cực. “Mình không biết bạn cố tình tạo nội dung để lan truyền hay ngây thơ đến mức sẵn sàng chia sẻ những điều này với cảm xúc tự hào. Nhưng khuyên thật bạn nên kiếm công ăn việc làm ổn định”, người dùng Nguyễn Lan Anh bình luận.
Hiện video nói trên có 17.000 lượt dislike, vượt trội gấp nhiều lần số yêu thích.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Dương, chuyên viên hỗ trợ người sáng tạo nội dung của một MCN lớn tại Việt Nam, cho rằng nội dung gây tranh cãi trên kênh Kim**e có thể được xếp vào dạng vi phạm điều khoản của nền tảng. “YouTube có thể xóa video bởi nội dung liên quan đến hành vi Hướng dẫn trộm cắp, gian lận, cổ súy hành vi bất chính, vốn bị cấm", ông Dương nói.
Theo ông Huy Nguyễn, Giám đốc công ty truyền thông tại Hà Nội, quản lý nhiều kênh YouTube với tổng lượng đăng ký hàng chục triệu, khó để xác định vi phạm trong video của kênh Kim**e, bởi nền tảng không có quy định rõ.
“Thông tin được người nói trong video là một chiều, khó xác minh. Đồng thời, việc hướng dẫn bẻ khóa, đột nhập hay đánh cắp đồ của một địa điểm nhất định mới được xếp vào dạng cổ súy bất chính”, ông Huy nói.
Do vậy, trường hợp nói trên thuộc vùng xám trong quy định của YouTube. Việc có áp dụng hình phạt hay không phù thuộc vào quyết định từ nền tảng. Zing đã liên hệ YouTube Việt Nam để đặt câu hỏi về vụ việc. Tuy nhiên, phía công ty chưa có phản hồi.
Nhiều vùng xám khác trên YouTube
YouTube có bộ quy định dài nhiều trang cho các hành vi, dạng nội dung bị cấm trên nền tảng. Tuy nhiên, cách xác định vi phạm và xử lý của công ty thường thiếu rõ ràng, minh bạch. Đa phần YouTuber, người làm nội dung phải chấp nhận sống chung với điều này.
|
Video phân biệt tai nghe giả bị YouTube xóa. Ảnh: Minh Khôi.
|
Hồi tháng 8/2021, YouTube ra tay truy quét loạt video có nội dung về sản phẩm Apple tại Việt Nam. Theo đó, các video về dòng iPhone cũ, qua sử dụng, máy xách tay hay phụ kiện nhái đều bị xóa. YouTube thực hiện điều này mà không có báo trước cho người làm nội dung. Vi phạm được giải thích là video quảng bá hàng giả.
“Nền tảng này chỉ báo rằng để đảm bảo môi trường YouTube trong sạch nên gỡ video mà không hề có nhắc nhở trước cũng như nêu chính xác vi phạm”, ông Trần Ngọc, nhà sản xuất nội dung trên YouTube, ngụ Quận 8, TP.HCM trả lời Zing.
Các nội dung dạng này tồn tại trên YouTube nhiều năm, có loạt kênh thực hiện. Tuy nhiên, mãi đến thời điểm này mới bị nền tảng để ý tới, làm các chủ kênh điêu đứng.
Các video bị xóa bao gồm cả nội dung hướng dẫn cách phân biệt đồ thật, giả. Tương tự, những clip hướng dẫn cách hack, tìm lỗ hổng bảo mật của hacker mũ trắng cũng bị YouTube cấm. Đây là những vùng xám trong quy định của YouTube.
Ngoài ra, các quy định về tác quyền cũng là phần nhiều YouTuber bỏ qua. Tại Việt Nam từng rộ lên trào lưu “Reaction”, xem lại video TikTok trên YouTube. Các video này thời gian đầu không vi phạm bản quyền bởi âm thanh, hình ảnh được lấy từ Douyin (TikTok bản nội địa Trung Quốc). Tuy nhiên, có công ty đã mua bản quyền âm thanh để “đánh gậy" các kênh YouTube lớn ở Việt Nam, đòi hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.
Theo Xuân Sang/Zing