Xe "mui trần" của các tình nguyện viên tại TP.HCM

Google News

Những TNV từ Đà Nẵng vào TP.HCM ngồi trên thùng xe bán tải, xe tải chuyên dụng để đến điểm lấy mẫu xét nghiệm. Họ gọi đó là xe "mui trần".

Sáng 12/9, Trần Tiến Đạt (sinh năm 2002) cùng 18 tình nguyện viên khác lại trở thành hành khách của chiếc xe "mui trần" quen thuộc, đưa họ đi quãng đường gần 15 km từ nơi ở tập thể đến địa điểm làm nhiệm vụ.

"Để đến nơi tình nguyện, chúng mình thường ngồi trên thùng sau ôtô bán tải, xe tải của phường, xe tải của lực lượng công an… Chúng mình gọi chung những phương tiện ấy là xe 'mui trần' để quãng đường di chuyển thêm vui vẻ, thú vị", Đạt chia sẻ cùng Zing.

Xe

Trên đường di chuyển bằng xe "mui trần" thì trời đổ mưa, Đạt (áo xanh, bên phải) cùng các đồng đội xe chung chiếc bạt nilon.

Những cái vẫy tay từ xe 'mui trần'

Đạt là sinh viên chuyên ngành Gây mê Hồi sức, trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng. Từ 19/7, cậu tham gia đoàn tình nguyện tăng cường vào TP.HCM để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn TP Thủ Đức, nhiệm vụ chính là xét nghiệm lưu động.

Do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển, nhóm của Đạt có những chiếc xe "mui trần" hỗ trợ. Mỗi khi ngồi xe, cậu thường nghĩ ngay đến tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

"Xe 'mui trần' và xe không kính có điểm chung là người ngồi đều có thể tận hưởng hết khí trời, cả nắng và mưa. Chiếc xe đưa chúng mình bon bon đi khắp đường phố, ngóc ngách rất tiện lợi", Đạt nói.

Xe

Nam TNV ướt sũng khi về nhà do phải đội mưa trên xe "mui trần".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Ngồi trên thùng xe, Đạt và đồng đội có thể quan sát những cảnh vật tại TP.HCM. Mỗi khi đi qua những chốt kiểm dịch, nhóm được các chiến sĩ công an, bộ đội và TNV vẫy chào.

Đặc biệt, Đạt ấn tượng nhất với những cái vẫy tay của người dân từ bên trong những ngôi nhà đóng cửa. Với cậu, đó chính là những lời động viên để có thể làm nhiệm vụ hăng hái hơn.

"Nhìn người dân và những em nhỏ vẫy tay, nhảy nhót từ trong nhà, chúng mình vui lắm. Chỉ là lời chào nhỏ thôi nhưng đó như sự kết nối tình cảm giữa những người xa lạ, cảm giác thân thiện biết bao.

Nhiều lần khác khi đến điểm lấy mẫu, chúng mình cũng được mọi người tại đó đón chào. Bao nhiêu mệt nhọc khi di chuyển dưới nắng mưa đều tan biến hết", Đạt chia sẻ.

Trong suốt gần 2 tháng gắn bó cùng những chiếc xe "mui trần", Đạt nhớ nhất là một buổi tối muộn trời bất ngờ mưa lớn khi xe đang trên đường về khu ở tập thể. Cơn mưa nặng hạt khiến cả 19 thành viên đều ướt sũng, co ro vì lạnh.

Nhưng thay vì ca thán, cả nhóm đã ngồi sát nhau hơn để che chung chiếc áo mưa và đồng thanh hát vang suốt dọc đường về. Đó chính là trải nghiệm mà Đạt thấy rất vui, dù mưa lạnh nhưng trong lòng ấm áp.

Xe

Thuỷ Tiên trên chiếc xe "mui trần" quen thuộc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cũng giống như Đạt, Lê Thị Thủy Tiên (sinh năm 2000, sinh viên chuyên ngành Gây mê Hồi sức, Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng) cũng có kỷ niệm rất đáng nhớ cũng những chiếc xe "mui trần" tại TP.HCM.

Ngồi trên thùng xe, cô luôn chào hỏi những đồng chí công an, TNV làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch. Những lời hỏi thăm, động viên vội vàng nhưng cũng có thể tiếp thêm tinh thần cho nữ sinh viên.

"Với mình, mỗi ngày đi làm là một ngày vui vì mình có thể góp sức bé nhỏ vào công cuộc chống dịch, dù không nhiều nhưng mình cảm thấy rất tự hào", Tiên tâm sự.

Sợ hãi

Đạt chia sẻ rằng khi đăng ký vào TP.HCM chống dịch, cậu đã phải giấu gia đình vì sợ ba mẹ lo lắng. Bản thân cậu cũng ý thức được chủng Delta của nCoV nguy hiểm hơn nhiều so với chủng virus từng gây nên đợt bùng dịch tại Đà Nẵng vào năm 2020, tuy nhiên vẫn xung phong vào tâm dịch với ý chí và kiến thức học được trên ghế nhà trường.

"Nếu nói không sợ thì không phải, đương nhiên là mình có sợ. Mỗi ngày đi làm, mình luôn mặc đồ bảo hộ, cẩn thận bảo vệ cho bản thân cũng như chính người dân mà mình lấy mẫu.

Ở nhà, ba mẹ biết chuyện mình vào TP.HCM nên đã dặn dò rất kỹ. Đây có lẽ lần xông pha giúp mình vượt qua cái giới của bản thân, trước đó mình khá e ngại đi tình nguyện", Đạt nói.

Đạt nhớ trong một ngày làm nhiệm vụ, cậu chứng kiến một em nhỏ òa khóc vì mẹ nghi ngờ dương tính. Người mẹ cũng bật khóc nức nở khiến những TNV đều phải nghẹn lòng.

Một lần khác, Đạt và đồng đội lấy mẫu xét nghiệm cho 2 bé sinh đôi chỉ mới 4 tháng tuổi. Mẹ của 2 em đã mắc Covid-19 và phải đi cách ly, bé phải ở lại nhà cùng bà. Giây phút kết quả cho thấy 2 bé đều âm tính, Đạt cùng tất cả đều mừng vui, thở phào nhẹ nhõm.

Xe

Xe

Cả nhóm của Đạt, Tiên cố gắng làm nhiệm vụ để những vùng đỏ sớm được chuyển xanh.

Nhiệm vụ của Đạt và đồng đội kéo dài từ sáng đến tối muộn, nhiều ngày thời tiết nắng nóng, mưa lớn khiến tất cả đều mệt mỏi. Thấu hiểu sự vất vả của nhóm tình nguyện, người dân thường xuyên gửi tặng nước uống và đồ ăn.

Cậu rất mong những vùng đỏ mình đến sẽ sớm chuyển xanh và những kết quả âm tính sẽ càng nhiều hơn qua từng ngày.

Còn Tiên, cô hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát ổn định để người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, cô cũng được về Đà Nẵng đoàn viên cùng gia đình, bè bạn.

"Tham gia hỗ trợ đợt dịch lần này chúng mình mới thấy đây là một cuộc chiến đầy khó khăn, ai cũng phải cố gắng gồng gánh kinh tế và bảo vệ gia đình. Vào 'chiến trường', mình càng hiểu rằng phải trân trọng những gì đang có, đặc biệt là sức khỏe", cả 2 cho biết.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 8/9, Sở đã tiếp nhận 273 lượt TNV F0 đã khỏi bệnh đăng ký qua đường link của Sở Y tế, trong đó có 108 người sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Ngoài ra, Hội Doanh nhân TP.HCM đã vận động, tiếp nhận 1.270 TNV F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch và đã phân công 378 người đến 14 đơn vị có nhu cầu.

Sở Y tế cho biết thêm nhu cầu tiếp nhận TNV F0 đã khỏi bệnh ở TP.HCM hiện nay là 1.728 người, trong đó cần 140 bác sĩ, 474 điều dưỡng, 95 hộ lý, 454 hỗ trợ chăm sóc người nhiễm bệnh...

Theo Thục Hạnh /Zing