Cách đề phòng điện thoại phát nổ

Google News

(Kiến Thức) -  Để loại trừ nguy cơ điện thoại phát nổ, bạn đừng để chế độ mở wifi liên tục hay chế độ tự động cập nhật và tải về các ứng dụng.

Chỉ vì bất cẩn, người sử dụng điện thoại di động có thể biến chiếc điện thoại thành vũ khí sát thương cho chính bản thân mình.
Bỏng vì điện thoại
Ngày 29/8 vừa qua, khi đang chạy xe máy trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12, TPHCM) thì bất ngờ chiếc điện thoại để trong túi quần chị Tú Anh bỗng nhiên phát nóng dữ dội. Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, bất ngờ một tiếng “bùm” vang lên, chiếc điện thoại phát nổ, gây vết thương lớn trên đùi, khiến chị chảy nhiều máu, phải nhờ người dân địa phương đưa đến phòng khám băng bó. Chiếc điện thoại này khoảng dài 15cm phía trước ghi hiệu Nokia k60, phía dưới pin có dòng chữ “Kechaoda - Model K60 - Made in China”.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, điện thoại phát nổ không còn là chuyện hiếm mà xảy ra khá thường xuyên. Cách đây chưa lâu có một em bé người Anh đang ngủ thì nghe tiếng nổ trên giường với bàn chân phủ đầy nhựa nóng chảy. Nguyên nhân các vụ cháy nổ thường là do pin điện thoại giả, chất lượng thấp, pin không chính hãng. 
Ngoài ra, hành động tăng áp suất trên pin để phù hợp với các thiết bị nhỏ hơn của nhà sản xuất điện thoại cũng là nguyên nhân gây nên cháy nổ. Hành động để điện thoại trong túi quần, áo, đặc biệt là phái nữ hay mặc đồ bó sát, pin điện thoại đã bị phồng lên do chạy các tính năng cập nhật tự động thì nay lại bị ép nên nó phát nổ là đúng nguyên lý. 
KS Nguyễn Huy Bạo cho biết, ở nhiệt độ cao, các hóa chất có trong pin sẽ nở ra và phát nổ. Nên ở bất cứ loại pin điện thoại nào cũng có cảnh báo là không được để gần lửa. Dù là pin khô hay pin ướt thì đều có thành phần là các loại sút, các axit tạo ra môi trường điện từ. Ở pin khô thì người ta thấm các dung dịch này vào vật liệu chuyên dụng. Khi ở nhiệt độ quá cao, pin có thể bốc ra các loại khí như niken, chì, rất độc hại cho cơ thể nếu hít phải. Vậy là chưa cần đến điện thoại phát nổ, điện thoại bị nóng quá mức cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho con người.
Tuyệt đối không vừa sạc pin vừa nghe điện thoại. 
Không để điện thoại trong người
Để phòng tránh điện bị cháy nổ, theo KS Nguyễn Huy Bạo, chỉ cần để ý một chút trong những hành động rất nhỏ. Tuyệt đối không vừa sạc pin vừa nghe điện thoại, không để điện thoại trong người, vừa tránh được tác hại của sóng điện từ, vừa phòng chống cháy nổ. Không để điện thoại sạc dưới gối khi nằm ngủ. Không để chế độ mở wifi liên tục hay chế độ tự động cập nhật và tải về các ứng dụng có trong điện thoại, đặc biệt là các loại điện thoại thông minh. 
Nên tránh các hoạt động như chơi game đồ họa nặng, dùng điện thoại để phát wifi hoặc lướt web ở khu vực tín hiệu yếu. Nếu điện thoại quá nóng so với bình thường, nên tháo pin để ra ngoài để một lúc rồi mới khởi động lại máy. Nếu sau khi điện thoại bị va đập, rơi từ độ cao xuống, khi dùng thấy chúng hay bị nóng thì phải đem đến cửa hàng điện thoại để xem xét lại hoạt động của các linh kiện. 
KS Nguyễn Huy Bạo phân tích, về bản chất, nhiệt độ cơ thể con người không làm ảnh hưởng đến pin điện thoại. Nhưng trong điều kiện như pin đã rất nóng rồi, các ứng dụng của điện thoại lại cập nhật liên tục, để trong túi quần quá kín và chật, pin bị ép dãn ra dẫn tới nổ. Để an toàn, tốt nhất nên sử dụng bao hoặc túi đựng điện thoại chứ không để điện thoại trực tiếp trong người.
Tuyệt đối không dùng điện thoại khi đang sạc. Khi nguồn pin xuống quá thấp, lượng bức xạ sẽ tăng lên rất nhiều lần, điều này sẽ gây tổn hại lớn đến sức khoẻ, đặc biệt là trí não. Khi pin vừa sạc vừa sả sẽ làm cho tuổi thọ của pin giảm nhanh chóng. Với việc nạp/xả liên tục, pin chính là tác nhân làm nóng máy và nếu không cẩn thận, khả năng nổ pin hay các thiết bị linh kiện, hoặc rò điện có thể xảy ra. 
“Các loại pin trôi nổi thường được làm giả với công nghệ lạc hậu hay tái chế không qua kiểm định chất lượng, do đó độ an toàn của chúng cũng giảm hẳn. Thậm chí những loại pin này trở thành “bom nổ chậm” được cài sẵn vào điện thoại mà người dùng không hề hay biết. Bộ sạc pin cũng phải mua hàng chính hãng để giữ tuổi thọ cho pin”.
KS Nguyễn Huy Bạo
Bảo Khánh