Cách khắc phục 6 lỗi chụp ảnh thường gặp

Google News

Những người mới chụp ảnh và ít kinh nghiệm thường mắc các lỗi chụp ảnh cơ bản khiến kết quả chụp không như mong muốn.

Bài viết dưới đây được tham khảo từ trang Digital Photography School, cho bạn biết cách khắc phục một số lỗi chụp ảnh như vậy.
Ảnh bị mờ nhạt, thiếu sống động
 

Thực ra những bức ảnh này vẫn xem được, chúng chỉ không "nét căng" như ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, điều này là do ánh sáng của cảnh vật mà bạn chụp. Ánh sáng là một trong những yếu tố chính của nhiếp ảnh, và thường thì nếu một bức ảnh không có ánh sáng tốt thì dù đối tượng chụp là gì, trông nó cũng ảm đạm, thiếu sức sống, thiếu ấn tượng.
Để có ảnh đẹp, nét, sáng sủa, bạn cần nghiên cứu và hiểu rõ về ánh sáng, loại ánh sáng nào phù hợp với loại hình nhiếp ảnh nào, hiệu ứng ánh sáng nào sẽ được tạo ra trên ảnh khi chúng đến từ các hướng khác nhau.
Chẳng hạn, ảnh chụp phong cảnh sẽ đẹp nhất khi được chụp dưới ánh sáng trực tiếp nhưng không gắt mà dịu nhẹ, do đó hầu hết các nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh đều chọn chụp ảnh vào những khung giờ "vàng" trước và sau khi mặt trời lặn hoặc mặt trời mọc.
Hoặc khi chụp ảnh chân dung ngoài trời, bạn sẽ cần ánh sáng tự nhiên rực rỡ nhưng không để nắng rọi trực tiếp vào người mẫu mà cần tìm những khu vực có bóng đổ, tận dụng những khi mặt trời bị mây che khuất hoặc nắng chạy, sử dụng những dụng cụ như tấm hắt sáng, bộ thiết bị tản sáng cho đèn flash, các đèn phụ…
Lấy nét sai
 

Cho dù đối tượng chụp và ánh sáng đều tốt, nhưng việc lấy nét sai sẽ làm hỏng bức ảnh của bạn. Một trong những lỗi thường gặp nhất của những người mới chụp ảnh là phụ thuộc vào chế độ tự lấy nét của máy ảnh, nghĩa là để mặc máy ảnh tự chọn điểm lấy nét. Đôi khi hệ thống lấy nét tự động của máy ảnh sẽ lấy nét vào một thứ gì đó ở phía trước hoặc phía sau chủ thể của bạn khiến bức ảnh bị lấy nét sai.
Có rất nhiều tài liệu viết về cách lấy nét trong nhiếp ảnh, nhưng về cơ bản thì để học lấy nét đúng, bạn cần tắt chế độ tự động lấy nét và sử dụng lấy nét bằng tay. Hãy dùng một chân máy và kiên nhẫn, cho phép bạn có đủ thời gian để suy nghĩ và sáng tác, bạn sẽ thấy việc này được cải thiện. Một khi bạn tập luyện đủ, nó sẽ trở thành bản năng. Nên hình thành thói quen kiểm tra điểm lấy nét mỗi khi chụp ảnh để kịp thời chụp lại.
Đường chân trời không thẳng
 

Đây là lỗi lớn nhất thường thấy ở những người mới chụp ảnh. Đôi khi chỉ vì một chút nghiêng lệch nơi đường chân trời mà bức ảnh bị giảm giá trị.
Nếu bạn dùng một chân máy thì có thể dễ dàng tránh được lỗi này, do hầu hết các chân máy hiện nay đều được trang bị sẵn một thước cân bằng. Nếu không dùng chân máy, bạn có thể mua một thước cân bằng loại gắn vào máy ảnh khá rẻ tiền, hoặc bạn có thể kiểm tra xem máy ảnh của bạn có tích hợp sẵn tính năng cân bằng không. Trường hợp bí quá, bạn có thể chỉnh lại đường chân trời bằng các phần mềm như Lightroom hay Photoshop. Nếu bạn chụp ảnh cho khách, hãy đảm bảo rằng bạn đã làm thẳng đường chân trời trước khi gửi ảnh cho họ.
Ảnh bị nhiễu
 

Thường thì ảnh chụp sẽ bị nhiễu (noise) nếu được chụp với ánh sáng yếu và thiếu kinh nghiệm chụp ảnh. Một trong những cách để khắc phục hoàn cảnh ánh sáng yếu là bạn phải chụp với tốc độ màn trập đủ nhanh, điều này đòi hỏi bạn phải nâng cao mức ISO, ISO càng cao thì ảnh càng nhiễu. Bạn chỉ nên chụp ảnh ISO cao khi đã thử nghiệm kỹ và nắm vững khả năng khử nhiễu trên chiếc máy ảnh của bạn.
Xử lý hậu kỳ quá đà
 

Mặc dù xử lý hậu kỳ có thể cứu nguy cho nhiều bức ảnh của bạn, vẫn có một điểm mà vượt qua nó thì bạn sẽ gây ra hiệu ứng ngược, làm giảm giá trị của bức ảnh, bạn không được lạm dụng kỹ thuật hậu kỳ. Nếu thường xuyên làm việc với các công cụ xử lý ảnh, bạn sẽ thấy rằng chỉ cần đưa thanh trượt quá đi một tí là bức ảnh của bạn trông đã rất "giả" và trông giống poster, không còn tự nhiên nữa.
Những điều nên tránh: không dùng quá đà kỹ thuật làm sắc nét ảnh, quá nhiều hiệu ứng tương phản, quá nhiều hiệu ứng bão hoà màu, hoặc giảm nhiễu quá đà…
Cắt cúp ảnh sai
 

 

Cách thức bạn cắt cúp một bức ảnh sẽ tác động rất mạnh lên ảnh. Nếu cắt quá sát chủ thể chính, ảnh có thể bị mất các chi tiết. Ngược lại, để quá nhiều chi tiết xung quanh sẽ làm loãng chủ đề và có thể khiến người xem nhầm lẫn về bối cảnh hoặc thông điệp của ảnh. Tốt nhất là bạn thực hiện cắt cúp ảnh ngay khi bạn chụp ảnh, nghĩa là bạn ngắm thật kỹ để quyết định đưa những gì vào khuôn hình, rồi mới chụp.
Dĩ nhiên có những lúc bạn không kịp bắt đúng khuôn hình mong muốn hoặc chỉ đủ thời gian chộp đại 1 ảnh, khi đó thì đành chịu. Trường hợp bạn phải sử dụng đến kỹ thuật cắt ảnh hậu kỳ, bạn nên thử cắt nhiều kích cỡ khác nhau để tìm ra khuôn hình tốt nhất.

Theo Vân Anh/VnReview