Chân dung công ty đã giúp FBI hack iPhone của Apple

Google News

Cellebrite, công ty đã mở khóa thành công chiếc điện thoại iPhone của tên khủng bố thực chất là một đơn vị thuộc tập đoàn Sun Corporation của Nhật Bản.



Chan dung cong ty da giup FBI hack iPhone cua Apple

Ảnh minh họa.

Cuộc đấu pháp lý giữa Apple và chính phủ Mỹ trong vụ hack chiếc điện thoại iPhone của kẻ khủng bố đã khiến công ty Cellebrite trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, bởi đây chính là đơn vị giúp FBI hack chiếc điện thoại iPhone.

Trước khi hợp tác với Cellebrite, FBI đã nhờ đến Apple – công ty sản xuất ra mẫu điện thoại iPhone hack chiếc điện thoại của kẻ khủng bố nhằm phục vụ việc điều tra.

Tuy nhiên, để đảm bảo các chính sách về quyền riêng tư của khách hàng, Apple đã từ chối lời đề nghị. Và cuối cùng phải nhờ đến Cellebrite, FBI mới có thể mở khóa chiếc điện thoại iPhone thành công.

Mặc dù, cả Cellebrite Mobile Synchronization và FBI đều không chính thức xác nhận về việc hợp tác, nhưng cả thế giới đã biết đến công ty này.

Cellebrite là một công ty Israel được thành lập từ năm 1999, sau đó công ty này được mua lại bởi Sun Corporation của Nhật Bản vào năm 2007 với giá 17,5 triệu USD.

Tại thời điểm đó, Sun mua Cellebrite chủ yếu là để bổ sung vào mảng điện thoại và chuyển dữ liệu kinh doanh viễn thông của hãng, người phát ngôn của công ty Nhật Bản Hidefumi Sugaya cho biết.

Sau đó, Cellebrite đã phát triển dịch vụ cung cấp giải pháp dữ liệu di động cho các doanh nghiệp và điều tra số để phụ vụ các cơ quan điều tra và khách hàng chính phủ như FBI.

Nhờ việc Cellebrite hack chiếc iPhone thành công, cổ phiếu của Sun Corporation  đã tăng từ liên tục từ ngày 21/3, tổng cộng nó đã tăng thêm được 7% lên mức 1.091 Yên khi kết thúc phiên giao dịch hôm 31/3.

"Việc Cellebrite công khai mở khóa chiếc iPhone là một thông tin có lợi cho họ. Hiện đang có rất nhiều công ty tham gia lĩnh vực này nhưng Cellebrite là một trong những công ty tốt nhất”, Bryce Boland, giám đốc công nghệ của khu vực châu Á Thái Bình Dương từ công ty bảo mật FireEye Inc cho biết.

Doanh thu từ bộ phận điều tra dữ liệu di động của Cellebrite cũng vượt qua các bộ phận khác của Sun Corporation khi đóng góp 13,6 tỷ Yên (121 triệu USD) trong năm tài chính 2014.

Thậm chí, theo số liệu từ Bloonberg, mảng kinh doanh này còn chiếm hơn 50% tổng doanh thu của tập đoàn Nhật Bản Sun Corporation.  

Còn theo tờ Washington Post, điều tra dữ liệu di động hiện là một mảng kinh doanh đang bùng nổ với trị giá thị trường kỹ thuật số toàn cầu lên đến 2 tỷ USD hồi năm 2014.  

Và chắc chắn, trong tương lai lĩnh vực này sẽ còn phát triển hơn nữa với nhiều vụ mở khóa các mẫu điện thoại thông minh có khả năng bảo mật cao.
Theo BizLive