- Khi đặt chân đến huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi thực sự bất ngờ vì hòn đảo nằm giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, điện lưới quốc gia chưa vươn tới nơi, vậy mà tràn ngập sóng wifi.
Cha đẻ của ý tưởng táo bạo
Khi tới Cô Tô, chúng tôi thấy nhiều khách du lịch cầm điện thoại di động để kết nối internet. Một người dân địa phương mách rằng, cứ nhìn khách du lịch có thể phân biệt được những người đến đây từ trước hay sau khi đảo Cô Tô được phủ sóng wiffi. Đặc điểm nhận biết đó là khách quen thì cứ tỉnh bơ lướt web, còn những vị khách lần đầu sẽ hỏi nhau xem dùng mạng có phải trả tiền không.
Khi chúng tôi hỏi khách du lịch về việc kết nối internet ở đảo Cô Tô, tất cả họ đều bày tỏ sự bất ngờ vì ở bãi biển nào trên đảo Cô Tô đều có thể kết nối được internet mà không phải trả phí. Việc này đã giúp cho nhiều người vừa đi chơi, ngắm cảnh lại vừa theo dõi được công việc ở nhà.
Thấy chúng tôi rỉ rả về chuyện wifi, một người bán trà đá bảo: "Cha đẻ của ý tưởng này không ai khác chính là ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện. Từ ngày có wifi, quán trà đá của tôi cũng đông khách lên, khách du lịch chỉ cần đem máy tính, hoặc chiếc điện thoại có khả năng truy cập internet ra bờ biển ngồi vừa uống trà đá vừa trao đổi công việc ngắm hoàng hôn trên biển".
Nói về ý tưởng phủ sóng wifi trên toàn huyện, ông Nguyễn Đức Thành kể: "Ý tưởng này có từ cuối năm 2011 đầu 2012, từ khi hình thành ý tưởng đến khi triển khai thực hiện chỉ trong vòng 3 tháng. Lúc đó, tôi nghe nhiều người du lịch đến Cô Tô thắc mắc là ở đây không có mạng internet nên không thể cập nhật những tin tức quan trọng. Trong khi đó, trên đảo lại không có một quán internet công cộng nào vì chưa kéo được cáp quang từ đất liền ra đảo. Từ đó, ý tưởng lắp đặt các trạm phát wifi công cộng lập tức hình thành trong đầu tôi".
|
Nhân viên Trung tâm Viễn thông huyện Cô Tô lắp đặt đầu phát wifi. |
Phổ cập wifi cho toàn dân
Để triển khai lắp đặt hệ thống wifi trên toàn đảo, UBND huyện Cô Tô đã mở rất nhiều lớp học vi tính dạy cho tất cả cán bộ, bà con nhân dân trong huyện, sau đó huyện tiến hành lắp đặt một số trạm wifi phát sóng ngắn trong phạm vi thị trấn. Mục đích là vừa triển khai các công việc họp hành trong cơ quan thông qua email và để người dân tiếp cận nhanh hơn với internet. Khi có mạng internet, các công việc họp hành, giao ban trong UBND huyện và các xã đều triển khai nhanh hơn, chẳng hạn như khi gửi một giấy thông báo họp tới các phòng, ban, các xã thì chỉ cần gõ thông báo và gửi vào email chứ không cần photo giấy thông báo rồi gửi đi các phòng, ban, các xã nữa.
Ngoài ra, UBND huyện cũng lập ra một cổng thông tin điện tử của huyện để người dân tiện theo dõi hoạt động của lãnh đạo huyện. Khi có cổng thông tin điện tử, tất cả các quyết định, nghị quyết, văn bản pháp luật đều được đưa lên mạng, làm như vậy mỗi tháng tiết kiệm được hàng triệu tiền giấy in, mực photo... Khi người dân muốn xem những văn bản, chính sách của huyện thì chỉ cần dành ra vài phút để truy cập mạng là có ngay.
Không chỉ đăng tải những văn bản chính sách lên mạng internet, huyện Cô Tô còn đăng tải những thông tin du lịch như giới thiệu cảnh quan và các đặc sản văn hóa ngoài đảo, hướng dẫn người dân thời gian đi lại và đặt vé tàu cũng như các khu vực vui chơi mua sắm, ăn nghỉ khi khách đặt chân đến đảo Cô Tô... Làm như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian của khách du lịch, làm cho khách cảm thấy dễ chịu hơn khi đến đảo.
Ông Phạm Văn Thiệu, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Cô Tô cho biết: "Từ trước đến nay, khó khăn nhất của huyện đó là không có điện lưới quốc gia, giao thông cách trở... điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Mọi thông tin về thế giới bên ngoài hầu như không có. Khi huyện lắp đặt các điểm phát điện bằng máy nổ và lắp đặt các điểm phát wifi người dân mới được tiếp cận với những thông tin bên ngoài cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước. Phía chính quyền cũng tiện lợi hơn trong việc giải quyết công việc, chẳng hạn như khi cán bộ lãnh đạo đi công tác thì vẫn có thể giám sát công việc ở nhà thông qua thư điện tử...".
|
Một trạm phát sóng BTS đặt ở trung tâm huyện Cô Tô. |
Lướt net đặt hàng từ đất liền
Khi bóng chiều buông, chúng tôi thấy mấy người bán trà đá cứ khua tay liến thoắng trên chiếc điện thoại iPhone rồi tranh cãi nhau một hồi. Tôi buột miệng hỏi: "Các chị xem gì mà cãi nhau ghê thế". Một người bán trà đá trả lời: "Chúng tôi đang xem mấy mặt hàng xúc xích, tương ớt, hoa quả... ở cửa hàng trong đất liền xem nên mua cái gì để bán. Ở đây chỉ cần vào mạng internet xem các sản phẩm nếu muốn mua thì chỉ cần nhập địa chỉ, số điện thoại mình vào rồi các cửa hàng trong đất liền sẽ gửi hàng qua tàu cao tốc ra tận đảo".
Ông Nguyễn Đức Thành kể: "Để đem lại hiệu quả cao trong việc phát triển internet, tôi đã trực tiếp đi khảo sát những khu du lịch đã triển khai việc phủ sóng wifi như Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng... thấy việc làm này đem lại hiệu quả rất lớn trong việc phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch và cải cách hành chính... Vì thế, chúng tôi mới tiến hành phủ sóng wifi để đẩy nhanh việc phát triển kinh tế của đảo, góp phần đưa kinh tế của huyện đảo Cô Tô nhanh chóng bắt kịp với nhịp độ phát triển của những nơi khác".
Ông Phạm Văn Thiệu bày tỏ: "Từ khi lắp đặt hệ thống wifi và việc UBND huyện lập một cổng thông tin điện tử riêng cho mình thì lượng khách du lịch tăng lên đáng kể. Theo báo cáo của UBND huyện Cô Tô thì đến hết năm nay, lượng khách du lịch có thể tăng lên đến 20 ngàn lượt người. Đây chính là hiệu quả nhìn thấy được của việc triển khai internet trong phát triển kinh tế của địa phương".
"Hiện tại Tung tâm Viễn thông huyện Cô Tô đã lắp đặt xong 30 trạm thu phát sóng trên toàn đảo, dự tính đến năm 2015 sẽ tăng các trạm phát sóng lên 35 điểm, đảm bảo tất cả các đảo lớn nhỏ của Cô Tô đều có sóng wifi và có thể phục vụ hàng chục ngàn lượt truy cập mạng internet cùng một lúc".
Ông Phạm Văn Thiệu (Giám đốc Trung tâm Viễn thông Cô Tô) |
Dương Hòa
[links()]