Hai thập niên 60 và 70, người ta choáng ngợp với những hình ảnh hologram tới từ tương lai trong cả Star Trek và Star Wars, mong muốn một ngày nào đó công nghệ này sẽ có thật. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sussex vừa biến giấc mơ ấy thành hiện thực và đẩy nó lên hẳn một tầm cao mới: họ tạo ra hình chiếu 3 chiều có thể tương tác được với người thật, bạn có thể thò tay vào và cảm nhận hình ảnh bằng xúc giác.
Trong màn biểu diễn, những người có có hội trải nghiệm công nghệ mới thấy một cánh bướm ảo vỗ trong không trung, một bộ đếm giờ với những con số lơ lửng, một Trái Đất nhiều màu sắc đang quay trong không gian. Nhưng ngoài những hình ảnh chuyển động ấy, các nhà khoa học còn muốn biến dữ liệu số 0 và 1 thành một thứ khác - họ muốn tạo hình và thậm chí, muốn con người có thể cảm nhận được dữ liệu.
Hình ảnh hiện hữu có thể tương tự với những gì phát ra từ máy chiếu, nhưng cỗ máy mới này không đơn giản thế. Tthay thế công nghệ chiếu hình ảnh 3 chiều bạn vẫn thấy là một cỗ máy tạo trường 3 chiều bằng sóng siêu âm, có khả năng giữ trên không một hạt polystyrene, quăng quật hạt nhựa nhỏ này ở tốc độ cao để tạo hình cho những thứ được hiển thị.
Hạt nhựa với bề ngang chỉ 2mm di chuyển với vận tốc 30 km/h, thể hiện hình dáng của vật thể chỉ trong 1/10 giây. Tại vận tốc đó, não bộ con người không nhìn thấy hạt di chuyển trong không trung mà chỉ thấy hình ảnh hoàn thiện. Hệ thống đèn LED thêm màu sắc cho hạt nhựa để tạo ra những hình như mong muốn.
Bởi đây là hình 3D nên dù đứng từ góc nào, bạn cũng có thể thấy hình ảnh. Bằng việc điều chỉnh trường sóng siêu âm một cách kỹ càng, nhóm các nhà nghiên cứu có thể khiến hình ảnh 3D phát ra tiếng động - nó trò chuyện với người xem, tạo âm thanh tương ứng với hình ảnh đang hiển thị, thậm chí là phát nhạc. Và cũng với phương pháp điều khiển trường sóng siêu âm, nhóm nghiên cứu còn có thể cho phép vật thể hiển thị trong máy tương tác được với người xem, còn có thể cho người xem cảm giác nó đang giữ vật đó trong lòng bàn tay.
Sriram Subramanian, một nhà nghiên cứu thuộc đội ngũ này, nói rằng ngoài hình ảnh kỹ thuật số, hệ thống còn mở ra một khía cạnh giải trí mới. “Ví dụ như việc bạn muốn tạo ra một trải nghiệm kiểu Harry Potter chẳng hạn. Bạn có thể vẫy tay để làm phép hay khi di chuyển tay, bạn có thể thấy và cảm thấy một đốm sáng đang thành hình trên tay, chúng tôi còn có thể khiến nó phát ra cả âm thanh cơ”, Subramanian nói.
Theo lời Ryuji Hirayama, một nhà nghiên cứu khác: “Tôi tin rằng trong tương lai, hệ thống tương tự thế này còn cho bạn tương tác với gia đình hay bạn bè y như thể họ đang ở ngay bên bạn vậy, bạn có thể thấy, có thể chạm và nghe thấy họ nói”.
Hệ thống thử nghiệm chỉ sử dụng một hạt nhựa duy nhất để tạo hình, và tạo ra được hình ảnh nằm gọn trong không gian có bề ngang khoảng 10 cm. Thế nhưng công nghệ không chỉ dừng tại đó, những cỗ máy tiên tiến hơn sẽ tạo ra hình ảnh lớn hơn, sử dụng nhiều hơn một hạt polystyrene. Subramanian nói có thể sử dụng phần mềm máy tính để đảm bảo các không va vào nhau khi tạo hình trong không trung.
Nhà nghiên cứu Euan Freeman từ Đại học Glasgow nói rằng công nghệ này cho thấy khả năng hiển thị hình ảnh trong tương lai có thể đạt ngưỡng nào. “Với công nghệ mới được trình diễn, bạn có thể giơ tay ra và cảm nhận hình ảnh đang được hiển thị”, Freeman nói.
Julie Williamson cũng đang công tác tại Đại học Glasgow đồng tình, rằng đây là bước đầu tiên dẫn tới hiển thị 3 chiều tương tác được: “Tôi mường tượng ra một tương lai mà tại đó, công nghệ hiển thị 3D có thể tạo ra những trải nghiệm không khác gì đồ vật thật”.
Theo Dink/GenK