Trước khi âm nhạc được số hóa với công nghệ băng từ Digital Compact Cassette (DCC), Digital Audio Tape (DAT), từng có một thiết bị Hi-Fi làm mưa làm gió trên toàn thế giới những năm 70. Elcaset (L-cassette) được khai sinh ở Nhật Bản, chu du khắp năm châu và kết thúc cuộc hành trình vĩ đại ở đất nước Phần Lan xinh đẹp.
Băng cassette được phát minh bởi Dale Wiggins, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty điện tử Philips. Chiếc băng Compact Cassette và máy nghe Cassette được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Triển lãm Phát sóng Funkausstellung tại Berlin.
|
Chiếc Elcaset mơ ước của giới mê nhạc ngày nào. |
Một trong những vấn đề của băng Cassette là tính trung thực. Nó không có được chất lượng như băng LP hay băng cối (reel to reel) của các phòng thu chuyên nghiệp, bởi kích thước băng khá nhỏ, rộng 3,81 mm, ghi bằng 4 rãnh cho 2 mặt. Bên cạnh đó, tốc độ ghi 4,76 cm/giây cũng là cản trở khiến âm thanh không được như ý muốn. Song, ưu điểm của loại băng này nằm ở sự nhỏ gọn và cơ động trong việc di chuyển.
Vì vậy 40 năm trước, với tham vọng thúc đẩy thị trường âm nhạc cũng như thu hút người dùng, bộ ba gã khổng lồ điện tử của Nhật gồm Panasonic, Sony và Teac cùng hợp tác phát triển Elcaset. Kích thước của thiết bị này không quá cồng kềnh, song lại đem đến ưu điểm vượt trội về chất lượng.
Với tốc độ chạy băng nhanh gấp hai lần, Elcaset giúp tăng tần số âm thanh từ 16.000 Hz lên 25.000 Hz, đồng thời giảm tiếng rít khó chịu khi ghi âm. Thiết kế 6 rãnh với 3 mặt ghi còn giúp Elcaset ghi điểm trong mắt các nhà sản xuất âm nhạc khó tính.
Đặc biệt, băng Elcaset khi bật còn được nhẹ nhàng kéo ra khỏi lớp vỏ, hạn chế sự ảnh hưởng không đáng có đến tín hiệu thu.
Những chiếc Elcaset thường được trang bị ba động cơ, ba đầu phát lại giúp ghi âm và tẩy xoá… Nếu xịn hơn, máy còn có đồng hồ âm thanh (VU meter) và điều khiển từ xa.
Sony, Teac và Panasonic có những sản phẩm top đầu của từng hãng với các mức giá hợp lý. Sau này, với việc Hitachi tham gia sản xuất, Elcaset đã trở thành một cơn sốt thực sự. Tại thời điểm đó, những chuyên gia hàng đầu thậm chí còn nhận định, hiệu suất tổng thể của Elcaset không hề kém cạnh so với dòng băng cối Revox A77 đem lại.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của Elcaset không kéo dài lâu. Nguyên nhân bởi sự xuất hiện của loại băng ôxít crom (CrO2), cải thiện đáng kể âm thanh của băng cassette. Điều quan trọng là loại băng này tương thích với tất cả các thiết bị hiện có trên thị trường. Dù có giá đắt hơn so với băng bình thường, song giới nghe nhạc audiophile vẫn ưa chuộng loại băng này vì tính phổ biến và tiện lợi.
Ngoài ra, Elcaset còn bị đe dọa bởi những hãng sản xuất máy nghe nhạc bình dân, chất lượng như Dolby B, Nakamichi…
Khi người dùng thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc, tiêu biểu là sự xuất hiện của dòng punk, Elcaset đã hụt hơi trong cuộc đua công nghệ.
Mặc dù sở hữu những công nghệ đi trước thời đại, song các nhà sản xuất của Elcaset đã không lường trước được sự nguy hiểm từ các đối thủ xung quanh cũng như không tính toán được một mức giá hợp lý cho sản phẩm “lắm tài, ít tật” này.
Năm 1980, Elcaset chính thức bị khai tử khi dừng sản xuất. Những thiết bị cuối cùng được đem đấu giá. Người trả giá cao nhất đến từ những khu rừng tuyết vùng Scandinavia - Phần Lan.
Những tưởng sẽ bị lãng quên mãi mãi, nhưng trải qua 25, thậm chí là 35 năm, những chiếc Elcaset tìm thấy trên gác xép vẫn chơi nhạc một cách hoàn hảo, không tì vết, chứng minh sức sống dẻo dai của dòng sản phẩm của đất nước mặt trời mọc.
Theo Zing