Facebook không đóng thuế ở Việt Nam
Các thống kê vào năm 2018 cho thấy lượng người dùng Facebook là khoảng 3,3 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 7 về lượng người dùng mạng xã hội này với 58 triệu người dùng. Đồng thời thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất 14 triệu người dùng.
Chiếm lĩnh được một lượng người dùng rất lớn, không có gì lạ khi Facebook thu được số tiền ‘khổng lồ' từ việc tiếp nhận quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Theo công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó Facebook chiếm đến 235 triệu USD.
Dù kiếm được rất nhiều tiền nhưng mạng xã hội Facebook không hề nộp thuế tại Việt Nam. Cách đây không lâu, công ty Công nghệ và dịch vụ Kisland đã gửi công văn tới Tổng cục Thuế phản ánh việc Facebook, Google không có trụ sở ở Việt Nam, nên công ty không có hóa đơn để cân đối đầu vào – đầu ra mặc dù công ty có chi phí thực. Kisland đề nghị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Facebook, Google đặt chi nhánh tại Việt Nam và xuất hóa đơn cho doanh nghiệp.
Việc Facebook không đóng thuế ở Việt Nam đã được nhắc tới từ rất lâu khi mặc dù có doanh thu khủng nhưng đơn vị này lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước. Khó khăn trong việc thu thuế với Facebook được đại diện Tổng cục Thuế cho biết rằng đây là một doanh nghiệp hoạt động xuyên quốc gia, không đăng ký kinh doanh cũng không có văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam.
Việc Facebook không đóng thuế ở Việt Nam được nhiều người cho rằng là gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đại diện của công ty Kisland từng kiến nghị rằng: ‘Các công ty đa quốc gia không có trụ sở tại Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn công ty trong nước sử dụng dịch vụ của họ và trả tiền cho họ thì vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình. Công ty đề xuất có chính sách thu thuế công bằng với các công ty đa quốc gia'.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp Việt Nam hồi tháng 5/2019, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: ‘Hiện nay có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động nhưng không đóng thuế ở Việt Nam. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài quá lâu. Như ở mảng quảng cáo trên mạng xã hội, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% doanh thu quảng cáo, nhưng không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Chúng ta là một quốc gia có chủ quyền và phải tạo ra môi trường bình đẳng. Bất kỳ doanh nghiệp nào đến Việt Nam kinh doanh cũng phải giúp cho đất nước ta thịnh vượng bằng cách tuân thủ pháp luật Việt Nam'.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Facebook vi phạm rất nghiêm trọng các luật, nghị định, thông tư đã ban hành, đã có hiệu lực gồm luật an ninh mạng, nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng và thông tư 38 về quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới.
Như đã nói, không chỉ không đóng thuế tại Việt Nam, Facebook còn có những vi phạm nghiêm trọng về nội dung. Cụ thể hơn, đơn vị này không gỡ các fanpage hay tài khoản của các tổ chức phản động theo danh sách của Bộ Công an và cũng cho các tài khoản hoạt động rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam.
Một lãnh đạo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử trả lời trên Zing hồi đầu năm nay cho biết: ‘Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu'. Đồng thời vị lãnh đạo này cũng thông tin thêm rằng rất nhiều sản phẩm nếu rao bán ngoài đời thực có thể nhận án tù thì Facebook lại cho phép quảng cáo tràn lan.
|
Một quảng cáo bình xịt hơi cay trên Facebook |
Thực tế cho thấy, khi truy cập vào mạng xã hội lớn nhất thế giới, không khó để chúng ta tiếp cận được những quảng cáo bán hàng giả, hàng nhái, vật liệu cháy nổ, vũ khí cấm… Không chỉ vậy, mạng xã hội này cũng để cho các hoạt động lô đề, mại dâm, cờ bạc... được quảng cáo công khai.
Dù chính sách của mạng xã hội lớn nhất thế giới không chấp nhận những quảng cáo về thực phẩm chức năng, sản phẩm cấm… nhưng thực tế thì những thứ này vẫn xuất hiện rất nhiều. Chúng thường dùng những từ ngữ diễn đạt dưới dạng ẩn ý nhằm khơi gợi sự tưởng tượng đi cùng với các ký tự đặc biệt. Người dùng Facebook có thể hiểu được nội dung của các quảng cáo này một cách rất dễ dàng.
Cũng theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần gửi công văn, email làm việc chính thức nhưng Facebook đều dùng các lý do để thoái thác. Lãnh đạo Cục này cho biết: ‘Việc ngăn chặn các quảng cáo trái phép hoàn toàn nằm trong khả năng của Facebook nhưng họ chỉ làm khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc Facebook sống nhờ quảng cáo nên họ đang gián tiếp tiếp tay cho những hoạt động sai trái này'.
Quản lý hoạt động của Facebook như thế nào?
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết không thể có chuyện một doanh nghiệp làm ăn ở Việt Nam, thu mỗi năm 600 triệu USD mà không tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, không dễ để giám sát và ngăn chặn các nguồn tiền chi trả cho các dịch vụ vi phạm pháp luật qua ngân hàng do thiếu quy định để điều chỉnh hoạt động này. Cùng với đó, Facebook là một công ty có trụ sở ở nước ngoài nên công tác xử phạt và quản lý sẽ khó hơn.
Hiện tại, Facebook đang hợp tác với 8 nhà cung cấp và đặt khoảng 900 máy chủ ở Việt Nam. Hiện Bộ TT-TT đang yêu cầu mạng xã hội lớn nhất thế giới ký bổ sung cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam trong thỏa thuận đặt máy chủ ở Việt Nam với các nhà cung cấp mạng.
Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 về kê khai thuế quy định: 'Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính'.
Theo T.T/Vnreview