Khó có chuyện đường truyền cáp quá tải
Mấy ngày gần đây, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) không thể xem được ti vi hoặc có lúc xem được thì chất lượng hình ảnh rất kém. Liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ thì được biết hệ thống truyền hình cáp vẫn hoạt động bình thường.
Nhân viên kỹ thuật phải đến tận nơi kiểm tra hệ thống cáp ngầm trong nhà thì phát hiện một số đoạn cáp do sử dụng quá lâu dẫn đến bị oxy hóa. Dù đã được khắc phục thay dây mới nhưng chất lượng hình ảnh ti vi nhà anh Thắng vẫn không cải thiện đáng kể. Nhiều người trong cùng khu nhà anh cũng gặp tình trạng tương tự. Nhiều người đoán rằng do hệ thống cáp bị quá tải dẫn đến "nghẽn mạng".
Anh Nguyễn Nam Anh, nhân viên kỹ thuật Đài Truyền hình cáp Hà Nội (HCTV) cho rằng không thể do quá tải. Bởi khi lắp đặt hệ thống cáp, các nhà cung cấp đều đã tính toán, mỗi khách hàng đều có đường dây cung cấp riêng và tại các đầu nối với cáp chính đều được thiết kế với số lượng lớn và phần lớn đang dư thừa.
Tình trạng chất lượng tín hiệu các kênh giảm sút có thể do sau thời gian dài sử dụng các đầu nối của cáp bị hoen gỉ, lỏng lẻo, chủ nhà nên kiểm tra lại. Riêng trường hợp tín hiệu các kênh không đồng đều là do công suất của các đài truyền hình địa phương khác nhau, do tín hiệu đầu vào không được tốt. Còn nếu các kênh đều xấu là do mạng, cần phải cân chỉnh lại bộ khuếch đại...
|
Để có được các kênh hình nét, ổn định, người sử dụng cũng phải có
hiểu biết về nguyên lý hoạt động của hệ thống. |
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: Việc cho rằng vì đặt dây cáp ngầm trong tường mà gây ra hiện tượng ti vi bị nhiễu là không đủ cơ sở. Nếu hệ thống dây cáp, đầu nối bị xuống cấp thì dù ở ngầm hay lộ thiên, chúng sẽ dẫn đến những kết quả như nhau. Về nguyên tắc, khó có chuyện đường truyền cáp mà quá tải được. Để có được các kênh hình nét, ổn định, người sử dụng cũng phải có hiểu biết về nguyên lý hoạt động của hệ thống này để tự điều chỉnh trong nhà mình.
Không đi dây cáp chung với hệ thống điện
KS Nguyễn Huy Bạo cũng cho biết, trong căn nhà mới xây, đường dây điện, điện thoại, ăng ten thường đi ngầm trong tường. Tuy nhiên, nhiều gia đình, sau đó không sử dụng được dây cáp, đành phải kéo dây bên ngoài. Hay có trường hợp, chỉ xem được một số kênh, còn các kênh UHF đều mờ, phủ đầy hạt. Để khắc phục tình trạng này, người sử dụng cần lưu ý chọn những vật tư, thiết bị đạt yêu cầu cao về chất lượng.
Bởi chỉ cần một phần thiết bị chất lượng kém là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cáp ngầm. Trong điều kiện phải phân phối những nguồn tín hiệu đa dạng, không đồng đều như hiện nay, có tín hiệu của đài xa, trên 100km (như Đài Tây Ninh), cường độ thường rất yếu nên phải dùng booster (bộ khuếch đại ăng ten), thậm chí là cả loại khuếch đại tín hiệu và loại bù suy hao đường dây. Nên lưu ý tới điểm này để thiết kế trước chỗ đặt booster thích hợp.
Không nên đi dây cáp chung với hệ thống điện và hệ thống điện thoại để tránh nhiễu từ đường dây này. Hệ thống dây cáp nên đặt tránh xa chỗ ẩm ướt, tránh đi dây ngang qua đường ống dẫn nước. Điểm nối dây từ cột dẫn vào trong nhà phải có đoạn phòng chống nước mưa truyền theo dây. Tốt nhất, các gia đình nên đi dây trong ống, không nên đặt dây thẳng vào trong tường. Cần tính tới khả năng tiếp đất hệ thống mát của dây cáp. Nên chọn đường dây đi ngắn nhất nhằm chống suy hao tín hiệu và cũng vừa để tiết kiệm dây.
|
Không nên đi dây cáp chung với hệ thống điện và hệ thống điện thoại. |
KS Nguyễn Huy Bạo lưu ý là cần chuẩn bị trước khả năng để có thể cải tạo, nâng cấp đường dây và chuẩn bị nhiều hướng truyền. Hệ thống này phải đảm bảo cho việc truyền tín hiệu RF (tín hiệu cao tần) ở các điểm trong nhà với nhau. Tín hiệu truyền đi không chỉ là sóng từ các đài truyền hình, mà có thể là nhiều phương tiện khác như video cassette, VDC camera, internet vệ tinh...
Về hiện tượng nhiều kênh tự nhiên biến mất là do một số nhà cung cấp thường xuyên đưa vào một số kênh mới để phát thử nghiệm trong thời gian khoảng vài tháng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau đó do bên mua và nhà cung cấp bản quyền chưa thỏa thuận xong về mức phí sử dụng bản quyền nên những kênh phát thử này buộc phải ngưng phát sóng chứ không phải vì có trục trặc kỹ thuật.
|
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bảo Khánh