Có một thực tế đang diễn ra tại các công ty công nghệ, viễn thông Trung Quốc như Huawei, ZTE: Dù có tốc độ phát triển cực tốt, quy mô trên toàn cầu, thế nhưng, họ luôn bị các nước trên thế giới "ái ngại". Những quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Úc... trước đây và cả cho tới nay đã nhiều lần tẩy chay công ty Trung Quốc vì nghi ngờ các công ty này "lật lọng", tiếp tay cho chính phủ, gây ra các nguy cơ cho an ninh quốc phòng.
Gần đây nhất, hồi tháng 3/2016, một báo cáo từ Reuters cho biết, Phòng Thương mại Mỹ đã có ý định ngăn cản các công ty tại Mỹ nhập khẩu cho ZTE. Mỹ cho rằng ZTE đã vi phạm luật xuất khẩu khi cung ứng các thiết bị cho Iran, quốc gia mà Mỹ đang cấm vận. Với động thái này, những công ty như Qualcomm, Intel, khi xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào cho ZTE đều sẽ phải xin giấy phép.
Cáo buộc trên, nếu có thật, có thể xem là một minh chứng cho sự "tráo trở" của ZTE. Cách đây 4 năm, ZTE cũng đã từng bị tố cáo "đi đêm", bán các thiết bị viễn thông tới Iran và vi phạm các quy định tại Mỹ. Sau cáo buộc này, hãng hứa hẹn rằng sẽ hạn chế việc kinh doanh tại Iran, không còn tìm kiếm khách hàng mới ở quốc gia này cũng như hạn chế hoạt động kinh doanh với các khách hàng hiện tại, tuy nhiên, thực tế đang diễn ra hoàn toàn ngược lại.
Bị cấm vận khắp nơi
Những công ty Trung Quốc như ZTE và Huawei trên thực tế đã bị người Mỹ "để ý" từ cách đây rất lâu. Từ những năm 2010, Huawei từng phải "cay đắng" thất bại trong việc thâu tóm các công ty Mỹ vì các lo ngại về an ninh. Thời điểm này, Huawei muốn mua lại mảng thiết bị không dây của Motorola và hãng cung cấp phần mềm 2Wire. Trong mỗi thương vụ, Huawei đều rất chịu chi, sẵn sàng bỏ thêm 100 triệu USD so với số tiền các đối thủ bỏ ra, thế nhưng cuối cùng họ vẫn không thể thực hiện ý đồ của mình. Báo cáo của Bloomberg cho biết, Huawei thậm chí đã thuê ngân hàng nổi tiếng Morgan Stanley làm cố vấn, bên cạnh hàng loạt hãng luật hàng đầu tại Mỹ trong vụ thâu tóm, tuy nhiên, tất cả mọi nỗ lực đều thất bại. Bộ phận của Motorola sau đó về tay Nokia Siemens Networks (NSN), còn 2Wire bị thâu tóm bởi công ty có tên Pace. Để qua mặt Huawei, NSN cho phép Motorola giữ 150 triệu USD trong các tài khoản phải thu, tiền mặt, và một số tài khoản khác, đồng thời cho Motorola giữ lại hầu hết bằng sáng chế. Huawei cũng tự hiểu rằng họ không mua lại nổi 2Wire vì biết sẽ bị chính phủ Mỹ làm khó, kéo dài thời gian đánh giá để cho phép thương vụ được diễn ra.
Trước đó nữa, Huawei cũng thất bại trong việc mua lại công ty Mỹ 3Com vào năm 2008. Trong vụ mua bán này, Mỹ lo sợ rằng việc Huawei sở hữu 3Com sẽ giúp Trung Quốc truy cập được vào công nghệ chống hack mà Bộ Quốc phòng Mỹ đang sử dụng. Sang đến năm 2011, Huawei cũng bị Phòng Thương mại Mỹ cấm vận, không cho đóng góp vai trò trong việc xây dựng mạng không dây phản hồi (responder wireless network).
Những lo ngại đối với hai công ty viễn thông và công nghệ Trung Quốc không chỉ dừng lại tại Mỹ mà còn lan sang các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ và Úc. Năm 2013, Ấn Độ chính thức có tên trong danh sách các quốc gia "cấm cửa", không cho phép sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei. Giống Mỹ, chính phủ Ấn Độ đã có những lo ngại với Huawei về vấn đề an ninh và bảo mật. Bộ Viễn thông nước này thậm chí còn đồng ý với ý kiến của Nội các quốc gia để lập một phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra "phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại và phần mềm nghe lén" trong các thiết bị viễn thông của công ty Trung Quốc.
Úc cũng là quốc gia có động thái cấm vận Huawei rất mạnh mẽ. Năm 2013, chính phủ mới thành lập của Úc ban hành lệnh cấm, không cho Huawei cung cấp thiết bị phục vụ mạng băng rộng của quốc gia vốn có giá trị lên tới 38 tỷ USD. Lệnh cấm của Úc được cho có sự "gợi ý" từ chính Mỹ, một đồng minh thân cận.
"ZTE, Huawei là mối nguy cho an ninh Mỹ"
Có thể nói rằng, Mỹ chính là quốc gia có những hành động phản đối mạnh mẽ nhất với ZTE và Huawei. Chính phủ Mỹ tố cáo 2 công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc này là cánh tay của chính phủ nhằm ăn cắp sở hữu trí tuệ cũng như gây ra những lo ngại về do thám.
Năm 2012, sau khi tiến hành một cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã đưa ra kết luận rằng, cả Huawei và ZTE đã không hợp tác, không thể đưa ra những bằng chứng cụ thể, đủ sức thuyết phục để chứng minh họ "trong sạch", không có mối quan hệ của họ với với nhà cầm quyền Trung Quốc. Bản kết luận báo cáo điều tra chỉ rõ, hai công ty là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ.
Với người Mỹ, nỗi lo sợ lớn nhất chính là việc công ty Trung Quốc sẽ cấy những “cửa hậu” (backdoor) trong các thiết bị router và switch từ đó tuồn các thông tin quan trọng cho chính phủ Trung Quốc hoặc các công ty thứ 3 trên thị trường. "Trung Quốc có phương tiện, cơ hội, và động cơ để sử dụng các công ty viễn thông cho các mục đích hiểm độc" - bản báo cáo điều tra cho hay.
Cuộc điều tra này cũng kết luận rằng, Huawei và ZTE là những công ty có mối quan hệ mật thiết với chính phủ, và được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn rất lớn. Việc cho phép công ty Trung Quốc kinh doanh ở Mỹ sẽ giúp chính phủ Trung Quốc dễ dàng thực hiện các cuộc tấn công chặn liên lạc, tấn công trực tuyến đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, đập nước. Trong một phát biểu trên chương trình 60 minutes của tập đoàn truyền thông CBS hồi năm 2012, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers thậm chí còn khẩn thiết nói với các doanh nghiệp Mỹ rằng: “ Nếu các bạn muốn bảo vệ những bằng sáng chế của mình, nếu bạn quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng và cuối cùng là an ninh của nước Mỹ; thì xin bạn hãy chọn hợp tác với các doanh nghiệp khác ngoài Huawei và ZTE”.
Theo ICTNews