Hương “thoát tục” chữa bệnh từ lá thông Đà Lạt sắp xuất hiện

Google News

(Kiến Thức) - Hương sạch khi đốt có mùi thơm tự nhiên của tinh dầu chiết suất từ lá thông và có khả năng chữa một số loại bệnh khi ngửi được mùi hương này.

Nhằm đem đến cho người tiêu dùng một loại nhang sạch với hương liệu hoàn toàn tự nhiên, một nhóm nhà khoa học tại Lâm Đồng đã thành công với loại nhang được sản xuất bằng lá thông Đà Lạt.
Nhang “thoát tục”, chữa bệnh!...
Đó là tên gọi dành cho nhang sạch, tức hương liệu chế tạo ra loại nhang này hoàn toàn tự nhiên được một nhóm nhà khoa học tại Lâm Đồng nghiêm cứu, chế tạo và chuẩn bị đưa ra thị trường. Chất liệu để làm nên loại nhang sạch này là từ lá thông của Đà Lạt, một loại cây sẳn có tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Trọng, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước khi biến ý tưởng này thành hiện thực, nhóm các nhà khoa học này đã gửi mẫu lá thông tới Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh (thuộc Viện Dược liệu) cũng như tại Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng để xác định các thành phần có trong lá thông.
 Thay vì phải quét dọn đem đốt, lá thông Đà Lạt sẽ được dùng để sản xuất hương sạch có lợi cho sức khỏe con người
Kết quả phân tích đều cho thấy hàm lượng tinh dầu thông trong bột lá thông khô rụng dùng cho sản xuất hương là 4,7%. Từ đó, loại nhang được sản xuất từ bột lá thông khô rụng sẽ có mùi thơm tự nhiên, dịu, trong sạch và “thoát tục”… hoàn toàn đối kháng với những loại nhang có mùi thơm do được tẩm hóa chất công nghiệp đang được sản xuất, buôn bán và sử dụng hiện nay.
Theo các nhà nghiêm cứu, loại thông tẩm hóa chất này khi đốt khói hương lan tỏa sẽ không tốt cho môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, những người xung quanh thường bị hắt hơi, cay mắt, ho, sổ mũi, niêm mạc hô hấp, thậm chí gây ung thư phổi.
Đặc biệt, kết luận của các nhà khoa học về lâm nghiệp còn cho biết, tinh dầu thông được dùng để sản xuất hương có các công dụng như dùng làm thuốc bôi, có tác dụng kích thích tại chỗ, lưu thông máu đối với bệnh viêm khớp, cảm lạnh; tinh dầu thông có tính sát trùng mạnh nên được dùng làm thuốc diệt khuẩn đường hô hấp (thuốc ho, thuốc xông họng). Do đó khi đốt hương có mùi thơm tự nhiên, có lợi cho sức khỏe của người sử dụng nên nhang sản xuất từ bột lá thông khô rụng được coi là “nhang sạch”, có tính chất như một loại dược liệu để trị một số bệnh thường gặp.
Thành phần, cấu tạo của nhang sạch gồm bột lá thông rụng được gom về, phơi khô và đưa xay nhuyễn thành bột đạt độ mịn cao để se được nhang thành phẩm; bột vỏ bời lời (bời lời đỏ hoặc xanh) được trộn đều vào bột lá thông với tỷ lệ 10%; tăm nhang làm bằng tre nứa hoặc lồ ô.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo tính toán, chi phí để sản xuất 1kg nhang sạch bao gồm cả chi phí lao động và điện năng vào khoảng 23.500 đồng, trong khi giá bán nhang tại thị trường hiện nay là 50.000 đồng/kg thành phẩm; lợi nhuận sản xuất nhang sạch được xác nhận vào khoảng 26.500 đồng/kg.
 Lá thông là sản phẩm tự nhiên sẵn có ở Đà Lạt
Nếu 1 cơ sở mỗi tháng sản xuất bình quân 10 tấn nhang phải sử dụng 6.250 kg bột lá thông (tương đương 6.950kg lá thông khô) sẽ có doanh thu 265 triệu đồng, trừ mọi chi phí như nhân công (18 người với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng; 10% chi phí khấu hao máy móc thiết bị) sẽ có lợi nhuận khoảng 117 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngày thu gom được 100kg lá thông rụng dưới tán rừng để sản xuất nhang người bảo vệ rừng đã có thêm thu nhập 100.000 đồng (1.000 đồng/kg) (tương ứng 2 triệu đồng/tháng - 20 ngày/tháng) ngoài tiền công nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Cùng với lợi ích kinh tế, sản xuất nhang sạch bằng bột lá thông khô rụng dưới tán rừng sẽ góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường; hạn chế tình trạng cháy rừng, tiết kiệm một phần không nhỏ kinh phí phòng chống cháy rừng cho ngân sách nhà nước.
Hiện tại việc sản xuất nhang sạch từ bột lá thông rụng dưới tán rừng đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích cho ngành lâm nghiệp Lâm Đồng. 
Khắc Lịch