Steve Jobs ngày nay được biết tới như một người có tầm nhìn đã làm thay đổi thế giới bằng cách tạo ra các sản phẩm iPhone đầu tiên. Hình ảnh Steve Jobs thuyết trình trong buổi ra mắt iPhone lần đầu đã trở thành ấn tượng kinh điển in sâu trong tâm trí của giới công nghệ thế giới. Tuy nhiên, chỉ có những điều tốt đẹp về sản phẩm iPhone được nhắc tới. Trong khi những khó khăn, mất mát của đội ngũ kỹ sư Apple phía sau việc sản xuất lại được giữ kín trong nhiều năm.
Kỹ sư Brian Merchant thuộc tập đoàn Apple từng tuyên bố môi trường áp lực cao, đầy sợ hãi mà Steve Jobs tạo ra khiến mọi người luôn cảm thấy căng thẳng, sân si, thiếu tỉnh táo và thậm chí phải trả giá bằng một cuộc hôn nhân.
|
Buổi ra mắt iPhone đầu tiên của Steve Jobs.
|
Merchant miêu tả Jobs như một người có thói quen nửa đùa nửa thật. Jobs có thể ngay lập tức sa thải một nhân viên xuất sắc nổi tiếng ngay tại chỗ đông người mà không hề báo trước. Điều này đặt các nhân viên còn lại của công ty vào tình trạng căng thẳng vì luôn có khả năng bị mất việc bất cứ lúc nào.
Chưa hết, bản thân Jobs thích biến công ty trở thành một môi trường khắc nghiệt, nơi mà các đội nhóm trong đó luôn phải tranh đấu quyết liệt với nhau. Cách biệt giữa người thắng kẻ thua rất rõ ràng, thắng thì như lên thiên đường còn thua thì như xuống địa ngục. "Thảm hại!", đó là cách mà Merchant miêu tả về cảm giác khi thất bại.
Trong chiến dịch tạo ra một sản phẩm ưu việt, Jobs chia nhân sự công ty thành hai nhóm được gọi với mã danh là P1 và P2 để đọ sức với nhau. P1 được giao nhiệm vụ bổ sung thêm chức năng điện thoại cho chiếc iPod hiện có lúc đó trên thị trường. P2 theo đuổi mục đích thiết kế một chiếc điện thoại kiểu mới.
Một trong những kỹ sư thuộc nhóm P2, Andy Grignon, gọi công việc đó là một trong những thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời. Ông công bố công khai rằng "iPhone đã khiến tôi phải ly dị vợ vì quá áp lực".
|
Kỹ sư nổi tiếng Andy Grignon của Apple, người đã mất vợ sau dự án iPhone.
|
Trong suốt thời gian đua tranh phát triển sản phẩm, nhân sự thuộc mỗi nhóm gần như kiêng kị việc giao tiếp với nhau. Các áp phích kêu gọi bảo mật thông tin được dán khắp công ty. Nhân viên vệ sinh không được vào văn phòng dọn dẹp còn các cửa sổ thì bị đóng kín mít. Môi trường ngột ngạt và nặng nề đến mức kinh khủng. Tất cả đều là chỉ thị từ Steve Jobs.
Tới một thời điểm, các lãnh đạo điều hành của hai đội còn cảm thấy khó khăn khi ngồi cạnh nhau. Grignon nhớ lại: "Sự căng thẳng lúc đó cực cao".
Cuối cùng, nhóm P1 giới thiệu với Jobs một chiếc điện thoại sử dụng bánh xe nhấp để thực hiện thao tác cuộn màn hình. Trong khi đó, nhóm P2 lại thành công trong việc tạo ra chiếc điện thoại sử dụng giao diện cảm ứng như hiện nay. Như vậy, nhóm P2 đã giành chiến thắng. Nhưng thực tế, cả hai nhóm đều cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau dự án khắc nghiệt này.
Cũng theo hai kỹ sư Brian Merchant và Andy Grignon, Steve Jobs đã để lại di sản lớn cho ngành công nghệ thông qua ý chí và khả năng tưởng tượng bản năng của ông. Mặc dù vậy, Jobs cũng là một trong những rào cản lớn nhất dẫn tới sự thành công hơn nữa của các dòng sản phẩm.
Phương Thảo