Cóc Gardiner trên đảo Seychelles được coi là một trong những loài cóc nhỏ nhất thế giới. Do không có tai giữa và màng nhĩ nên nhiều người cho rằng loài này bị điếc.Tuy nhiên điều khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy bối rối là dù « có vẻ điếc » nhưng loài này lại có thể nghe được tiếng kêu của mình, nghe được tiếng gọi của đồng loại.
Bí ẩn này đã được giải đáp trong một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Bằng việc sử dụng các hình ảnh Xquang chụp đầu ếch, các nhà khoa học đã phát hiện loài cóc này sử dụng các khoang miệng để phóng đại âm thanh, rồi truyền âm thanh tới tai trong thông qua các mô liên kết.
|
Cóc Gardiner có khả năng nghe bằng...miệng
|
Để khẳng định loài cóc này có sử dụng âm thanh để liên lạc với nhau, các nhà khoa học đã đặt những chiếc loa trong các khu rừng nhiệt đới ở Seychelles và cho phát những âm thanh của loài nay. Các con cóc đực đã ngay lập tức đáp trả. Điều này cho thấy chúng có thể nghe được âm thanh.
Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng cóc Gardiner có thể nghe được, và nó nghe bằng những đường đặc biệt như thông qua phổi hay những cơ đặc biệt được nối với tai trong.
|
Nó sử dụng các khoang miệng để phóng đại âm thanh và truyền âm thanh qua các mô và xương để đến tai trong.
|
Với công nghệ X quang, các nhà khoa học có thể thiết lập được hệ thống phổi hay các cơ, có liên quan tới việc chuyển âm thanh tới tai trong. Từ những hình ảnh này, kết hợp với nhiều tính toán, các nhà khoa học phát hiện ra loài cóc Gardiner tiếp nhận âm thanh bằng đầu. Sau đó chúng dùng miệng để phóng đại tần số và âm thanh sau đó được chuyển đi thông qua mô và xương trong hộp sọ để tới tai trong. Để phục vụ cho chức năng này, các mô của cóc Gardiner mỏng hơn và có ít lớp hơn so với các loài cóc khác. Các nhà khoa học cho rằng đây là kết quả của quá trình tiến hóa tác động lên loài cóc.
Hiền Thảo (theo LS)