Chưa phải rét đậm dù băng tuyết
Nhiều người cho rằng, hiện nay tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nhiệt độ âm sâu. Đây là những đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Điều này hoàn toàn khác so với dự báo mùa đông năm nay sẽ thiên ấm.
Giải thích vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đối với các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, năm nay được nhận định là năm thiên ấm. Bởi theo nguyên tắc, một đợt rét được coi là đợt rét đậm là khi nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ xuống dưới 15 độ C, kéo dài từ 3 ngày trở lên. Và đợt rét đậm ở đây được tính cho các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ chứ không tính cho các tỉnh miền núi. Bởi các tỉnh miền núi, nhiệt độ có sự chênh lệch khá lớn so với khu vực trung du và đồng bằng.
Do sự chênh lệch về độ cao, vì thế, vào các tháng chính đông, nhiệt độ ở các tỉnh miền núi xuống rất thấp, có khi cả tháng chìm trong rét đậm. Trong những ngày, ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nhiệt độ ngày 15/12 trung bình là 15,3 độ C (trên mức rét đậm), chỉ có ngày 16/12 là nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, sau ngày 16/12, nhiệt độ tăng lên rất nhanh.
Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, mùa đông năm nay được coi là một năm thiên ấm với nền nhiệt độ trung bình tháng 12/2013 và tháng 1/2014 trên phạm vi toàn quốc ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ. Các tháng từ tháng 2 - 4/2014 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn một ít so với TBNN, các khu vực khác ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ.
|
Khi đi vào khu vực băng tuyết cần sử dụng nước làm mát siêu bền hay nước làm mát chất lượng cao để chống đóng băng. |
Cách dùng phanh khi dừng vì tuyết
Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Văn Hãn, Trung tâm dữ liệu môi trường Phú Gia cho rằng, đối với các khu vực xảy ra băng tuyết sẽ còn lạnh hơn nữa khi tuyết tan. Bởi lúc này, lớp tuyết đã đóng băng, khi chịu tác động của nhiệt độ, băng tuyết tan sẽ tạo nên bức xạ nhiệt từ dưới phản lên phía trên. Do đó, chúng ta sẽ cảm nhận lạnh sâu hơn. Trong khi đó, cảm giác lạnh sẽ ổn định trong giai đoạn tuyết đang rơi. Vì thế, bà con không những đối phó với tuyết lạnh mà còn phải lo chống chọi khi tuyết tan.
Bàn về việc hiện nay có hàng trăm xe đang mắc kẹt trên đường đèo từ Lào Cai lên Sa Pa vì tuyết phủ dày, đường trơn. Các chuyên gia cho rằng, muốn thông cần phải dọn tuyết ở những giai đoạn ban đầu, khi tuyết chưa phủ dày. Cái khó hơn nữa là nước ta thiếu các thiết bị dọn tuyết. Riêng xe ô tô đi trong tuyết cũng cần có những chế độ riêng.
Cụ thể, theo khuyến cáo của các chuyên gia ô tô thuộc Toyota Việt Nam, xe khi đi vào khu vực băng tuyết cần sử dụng nước làm mát siêu bền hay nước làm mát chất lượng cao để chống đóng băng. Nước này có chứa gốc Etylen Glyco không có silic, amin, nitrit và borat với công nghệ axit hữu cơ tuổi thọ cao. Hay nói cách khác, nước này bao gồm 50% nước làm mát và 50% nước không ion hóa. Khả năng chịu nhiệt độ âm 35 độ C. Ngoài ra, cần chú đến dầu nhớt, ắc quy và cáp, nước rửa kính... Không cho băng và tuyết tích tụ dưới các tai xe.
Để chống kẹt cửa do băng, cần sử dụng chất làm tan băng hay glixerin vào khóa để giữ chúng không bị đóng băng. Khi đỗ xe, nên cài số một hoặc số lùi (xe số) hay để "P" (xe số tự động) và chèn lốp thay vì nên hạn chế dùng phanh tay. Vì nước hay tuyết tích tụ trong và xung quanh cơ cấu phanh tay có thể bị đông cứng, rất khó nhả khi cần.
Trần Lan