“Máu” là làm

Google News

(Kiến Thức) - Với TS Nguyễn Phan Kiên, Viện điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thành công là được làm những gì mình thích và thấy mình có giá trị. 

Gần 10 năm theo đuổi dự án… không tiền
Tôi biết TS Nguyễn Phan Kiên từ mấy năm trước, khi sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện cho bóng đèn tuýp của anh và các cộng sự liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn trong nước. Từ đó đến nay, anh đã có thêm nhiều sản phẩm nữa và đặc biệt là không ít sản phẩm của anh đã được thương mại hóa. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về anh, tôi được nhiều người quen của anh bật mí thêm rằng anh hiện là người quản trị trang web Thư viện khoa học VLOS - thư viện điện tử phổ biến các kiến thức về khoa học, công nghệ và giáo dục bằng tiếng Việt, một công việc khác xa so với lĩnh vực mà anh theo đuổi là công nghệ y sinh.
Trả lời về những tò mò của tôi khi anh làm công việc không đúng sở trường của mình, anh cười mà rằng: “Giống như công việc của tổng đài 1080”. Anh kể VLOS (Vietnam Library of Science) do anh và các cộng sự xây dựng, phát triển từ năm 2005, khi ấy anh đang làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Tuy nhiên, lúc đó chỉ xác định như là sân chơi của những người làm khoa học. Mãi đến cuối năm 2008, vừa học xong và về nước, anh và các đồng nghiệp sáng lập quyết định đưa sản phẩm “đem chuông đi gõ xứ nhà”, nghĩa là đem sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt với mong muốn sẽ có nhiều người biết đến trang web thuvienkhoahoc.com và đã đoạt giải sáng tạo. Sau khi đoạt giải, mặc dù các thành viên sáng lập vẫn “mỗi đứa một nơi”, người ở Việt Nam, người ở Mỹ, Hà Lan... nhưng trang web vẫn âm thầm được duy trì.
Hiện, thư viện đang lưu trữ khoảng 51.510 bài viết và tệp tư liệu. Các anh em trong nhóm quản trị phải chia nhau đọc, duyệt, biên tập từng tin bài mọi người gửi đến trước khi đẩy lên trang. Chính vì vậy, mỗi người đều phải tự trau dồi, bổ sung cho mình cả những kiến thức không nằm trong lĩnh vực mình nghiên cứu. “Đọc cũng là một cách học. Cứ phải đọc nhiều thành ra cái gì cũng biết. Thế mới có thể “tiếp” được cả những cuộc điện thoại bà con gọi đến hỏi về đủ mọi thứ thuộc mọi lĩnh vực, từ chăm sóc bà bầu đến làm cách nào để cá rô đẻ”, TS Kiên chia sẻ.
Không phụ công sức của anh và những người bạn, lượng truy cập của trang web có những ngày lên đến 25.000 lượt. Anh cười kể: “Đôi khi cũng bán được quảng cáo nhưng tiền đấy dùng để trả nhuận bút cho những người viết bài, có khi thanh toán cả đợt chỉ được 500.000đ, gọi là một chút cho vui thôi. Còn tiền trả server thì anh em ai có thì đóng, rồi công sức biên tập, sửa chữa bài vở cũng đều tự túc hết. Nhưng vui”.
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội .
Chưa bao giờ sợ thất bại
Anh kể, từ nhỏ anh đã bị mọi người nói là “bướng”. Anh bảo đã thích là làm, không thành công thì cũng không phải thất bại mà là bài học. Có lẽ vì thế mà anh vừa giảng dạy trong trường vừa đứng ra sáng lập Công ty Ứng dụng Công nghệ Bách Khoa, nghiên cứu sản xuất và cung cấp ra thị trường các dòng sản phẩm ở nhiều mảng khác nhau từ thiết bị phục vụ nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, thiết bị cảnh báo và điều khiển thông minh, thiết bị phục vụ giáo dục đào tạo, y tế, rồi các loại thiết bị “đặc chủng” như main máy giặt công nghiệp...
Anh cho hay, để đưa được những nghiên cứu của mình vào ứng dụng trong sản xuất thực tế, anh đã phải “trả giá rất nhiều”, phải đi thực tế thay vì ngồi một chỗ. “Thấy cái gì làm được là làm ngay. Cứ “máu” là làm chứ không để những ý tưởng trên giấy để chờ đầu tư, chờ tiền. Nhiều khi tôi bỏ tiền túi, thậm chí đi vay mượn để biến những ý tưởng thành thực tế. Đó cũng là cái hay, tạo áp lực cho chính mình là phải ra được sản phẩm hiệu quả, chinh phục được thị trường”, anh tâm sự.
Rồi anh tiếp mạch chuyện: “Nhiều người cứ nghĩ nghiên cứu khoa học là cái gì đó cao xa, tôi cho rằng nghiên cứu khoa học là nghiên cứu ra cái mới và tất nhiên cái mới phải tốt hơn cái cũ. Trước khi bắt tay làm cái gì, hãy suy nghĩ mình là người có trình độ, vậy kiến thức của mình có giúp thay đổi hiện trạng của vấn đề không, ý tưởng có triển khai được không, sẽ chuyển giao như thế nào... Trả lời được các câu hỏi thì bắt tay làm”.
Có lúc trong túi không có nổi 5.000đ
TS Kiên tâm sự, nhiều lúc anh cũng cảm thấy áp lực bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, vì kiếm được đồng nào là anh lại “nướng” hết vào nghiên cứu, có những lúc trong ví không có nổi 5.000đ. Anh kể, nhiều người hỏi anh tại sao không kinh doanh, kiểu mua đi bán lại, cách đó dễ kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng anh cho rằng làm như thế sẽ phải trả giá, vì anh sẽ không có thời gian và cái tâm để dành cho nghiên cứu. Không thể đòi hỏi, vừa đi dạy, vừa làm nghiên cứu, vừa có nhiều tiền.
“Dù tiền chưa nhiều nhưng quan trọng là làm được cái gì mình thích. Đó là hạnh phúc. Và sau này tôi sẽ có câu chuyện cuộc đời để kể cho con cháu mình”, TS Kiên chia sẻ.
Từ trước khi sang Nhật Bản học, tôi đã xác định phải quay về. Có thể tầm nhìn tôi ngắn nhưng ở Việt Nam còn có quá nhiều việc để làm. Ở Nhật Bản tôi sẽ chỉ đi làm thuê, dù có giàu, có giỏi đến mấy cũng chỉ là công dân hạng 2. Về nước là khó khăn, nhưng nếu chỉ nghĩ đến khó khăn thì không bao giờ làm được gì. Quan trọng là xác định đường đi cho rõ, mình thích cái gì và có thể đạt được điều gì.- TS Nguyễn Phan Kiên, Viện điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lan Hoa