Chỗ nào cũng có virus
Theo nghiên cứu mới nhất mà Microsoft vừa công bố, hãng này đã mua một số máy tính xách tay tại 5 quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam để kiểm tra độ an toàn sản phẩm và nhận thấy 48% thiết bị cài Windows lậu đã nhiễm mã độc.
Cụ thể, Microsoft lấy mẫu 66 bộ đĩa cài, 52 máy tính xách tay mới mang thương hiệu của các hãng uy tín được cài sẵn Windows bất hợp pháp và phát hiện tới 2.000 mã độc bao gồm lỗ hổng, mã phá chương trình, mã ăn cắp mật khẩu và virus. Trong số đó có sâu OSE được ngụy trang như một ứng dụng văn phòng và thiết lập cổng hậu cho tin tặc điều khiển máy tính. Tội phạm sau đó có thể dùng sâu này trích xuất tập tin, cài đặt phần mềm bổ sung, hoặc sử dụng máy tính để gửi thư rác.
Tính tổng cộng, 86% số đĩa và 48% máy tính cài Windows lậu đã bị nhiễm mã nguy hiểm dù mới được mua về. Microsoft không chia sẻ tỷ lệ cụ thể ở từng quốc gia nhưng khẳng định tình trạng này diễn ra ở cả 5 nước.
Phát biểu khi công bố kết quả nguyên cứu, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền thật sự mang lại rủi ro. Tội phạm mạng có thể khai thác mã độc trong hàng loạt hoạt động xâm lấn từ ăn cắp mật khẩu và truy cập vào tài khoản ngân hàng, thậm chí chiếm quyền điều khiển máy tính và thông tin cá nhân để tiến hành các hoạt động tội phạm.
|
Người dùng lo ngại trước thông tin máy tính chưa đập hộp nhiễm virus.
Ảnh: Kiên Nam |
Lỗi do nhà phân phối
Thông tin của Microsoft vừa đưa ra đã nhận được sự phản hồi với tâm trạng lo lắng từ phía người dùng.
Chị Nguyễn Thúy An, kế toán Công ty TNHH Trí Minh, quận Tân Bình, TPHCM lo âu: Ngay cả máy vừa mua chưa sử dụng đã bị cho là có virus thì còn ai dám dùng máy tính nữa.
Trên diễn đàn tin học, thành viên có nick name Otchuacay cho rằng: Đây chỉ là chiêu PR của Microsoft cho việc bán phần mềm có bản quyền. Máy tính cũ nhiễm virus thì có thể nói do người dùng không cẩn thận khi cài đặt, sữa chữa. Còn nói máy mới có virus là phủ nhận sạch trơn vai trò của các kỹ sư kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra của các hãng lắp ráp máy tính.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena cho rằng: Laptop chưa sử dụng có thể bị nhiễm virus là hoàn toàn có thể xảy ra. Có 2 nguyên nhân cho việc này: Thứ nhất, do nhà phân phối cài hệ điều hành Window lậu, để giảm chi phí mua bản quyền. Khi cài đặt nhà phân phối đã dùng phần mềm crack (bẻ khóa) để tránh chi phí và đây chính là con đường để virus phát sinh. Tuy nhiên, việc công bố mức độ thông tin như thế nào thì lại là việc riêng của các hãng, người dùng nên cẩn trọng và vẫn luôn có các chế độ kiểm soát là hợp lý nhất.
Sau
vụ "cửa hậu" từ các máy tính có xuất xứ từ Trung Quốc nên Microsoft
nâng tầm cảnh báo của mình lên cho người dùng yên tâm. Chứ thật sự máy
tính vừa "đập hộp" chưa sử dụng thì virus đi đường nào? Vì thế, người
dùng cần bình tĩnh đón nhận thông tin dưới dạng cảnh báo để chủ động đề
phòng.
Ông Đặng Anh Khoa (kỹ thuật viên Công ty máy tính BK ở Tôn Thất Tùng quận 1, TPHCM) |
Thiên Ân