Nắng nóng lập đỉnh, nên trang bị mũ cách ly di động chống COVID-19 cho y bác sĩ?

Google News

Mũ cách ly di động Vihelm giúp ngăn virus SARS-CoV-2 không thể xâm nhập vào trong mũ giúp an toàn và không làm gián đoạn công việc. Trong những ngày hè đỏ lửa, liệu mũ có là giải pháp giúp các y bác sỹ chống dịch được an toàn và thoải mái?

Những ngày đầu tháng 6, nắng nóng gay gắt, các y bác sỹ trong bộ đồ bảo hộ kín mít vẫn mải miết làm việc. Tuy nhiên cùng với cường độ làm việc cao, các y bác sỹ thực sự đang vật lộn với bộ đồ bảo hộ trong thời tiết oi bức. Thực tế, làm việc liên tục hơn 20 tiếng mỗi ngày trong nắng nóng như thiêu đốt của mùa hè khiến nhiều nhân viên y tế trên tuyến đầu ngất xỉu vì kiệt sức, mất nước. Làm thế nào để các y bác sỹ được an toàn, dễ chịu là điều cần được đặt ra?
Mũ di động, tách rời quần áo bảo hộ
Ý tưởng “mũ cách ly di động Vihelm” khởi nguồn từ đề bài do người thầy khoa học, nhà sáng chế có tiếng trong giới công nghệ Việt Nam - Nguyễn Đình Nam, giao cho Đỗ Trọng Minh Đức (17 tuổi), Trần Nguyễn Khánh An (13 tuổi) và Hoàng Phúc (12 tuổi) với mục tiêu ban đầu là để tham dự cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế lần thứ 5 tại Canada (iCAN 2020).
Nang nong lap dinh, nen trang bi mu cach ly di dong chong COVID-19 cho y bac si?
Cận cảnh mũ Vihelm. 
"Vihelm", trong đó "Vi" là "Vietnam" (Việt Nam) còn "Helm" là "Helmet" (mũ bảo hiểm). Vì thế, Vihelm là mũ chống dịch của Việt Nam.
Tại buổi họp tại trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam ngày 4/11/2020, mũ cách ly di động được TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thích thú và đánh giá cao.
Từ ý tưởng, Công ty Vihelm ra đời và hiện thực hóa ước mơ đưa mũ cách ly di động Vihelm vào cuộc sống. Mũ gồm ba phần chính: mũ bảo hộ, quạt lọc và găng tay.
Mũ được thiết kế kín nhằm ngăn chặn các vi khuẩn, virus và giọt bắn xâm nhập đường hô hấp. Hộp quạt lọc không khí thông qua ống thở được nối với mũ.
Không khí bơm liên tục qua màng lọc 2 lớp, giúp virus không thể xâm nhập vào mũ trong suốt thời gian người dùng đội. Đồng thời hệ thống quạt giúp không khí trong mũ liên tục chuyển động và tạo cảm giác mát mẻ.
Ngoài ra, một hệ thống găng tay được thiết kế ở đáy mũ. Người dùng xỏ tay vào găng từ phía ngoài. Với cách này, người dùng có thể gãi mặt, dụi mắt, hay ăn uống nhưng đường hô hấp vẫn giữ cách ly với môi trường bên ngoài và tay lại nằm gọn bên trong mũ.
Thiết kế này giúp người dùng có thể thoải mái đội mũ trong suốt 1 ca làm việc 4 tiếng mà không lo ngứa hay nóng, thậm chí có thể ăn uống trong mũ. Hiện tại mũ Vihelm có bộ sản phẩm gồm mũ mềm, mũ cứng và mũ bảo vệ kép.
Hy vọng triển khai tại Việt Nam với giá hợp lý
Theo đại diện Công ty Vihelm, hiện mũ cách ly di động này đã đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và Bảo hộ Sở hữu trí tuệ thế giới. Vihelm cũng đạt chứng nhận FDA (Hoa Kỳ) và đáp ứng Tiêu chuẩn Quản lý Chất lượng Thiết bị Y tế ISO 13485: 2016.
Nang nong lap dinh, nen trang bi mu cach ly di dong chong COVID-19 cho y bac si?-Hinh-2
Lễ trao tặng 100 mũ cách ly di động Vihelm cho nhân viên y tế chống dịch COVID-19. 
Trong thời gian qua, mũ cách ly di động Vihelm đã có mặt tại thị trường quốc tế với giá bán gồm: mũ mềm là 259 USD, mũ cứng là 457 USD và mũ bảo vệ kép là 625 USD. Vihelm đã hợp tác với công ty TeknoDERM của Ấn Độ để đưa sản phẩm vào đất nước này trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp.
Đối với Việt Nam, Vihelm đã quyết định sẽ đưa sản phẩm phục vụ người dân trong nước trong thời gian tới. Đại diện đơn vị này cho biết thêm, vừa qua Công ty đã trao tặng 100 mũ cho Viện Sức khỏe và nghề nghiệp của Bộ Y tế.
Chuyên gia trong nước đánh giá thế nào?
Đánh giá phản biện về sản phẩm này, TS. Nguyễn Phan Kiên, Công ty TNHH Công nghệ ứng dụng Bách khoa cho rằng, với một sản phẩm được phát triển từ ý tưởng của các em học sinh nên rất đáng hoan nghênh cũng như cần động viên. Điều này giúp góp phần vào cuộc chiến đấu cam go với đại dịch COVID-19 và sáng tạo khoa học.
Còn đánh giá về sản phẩm, vị chuyên gia này cho rằng, nhìn bề ngoài, sản phẩm khá thời trang, phong cách. Tuy nhiên ở góc độ thiết kế lại tương tự mặt nạ chống độc nhưng thoáng hơn. Điểm mấu chốt của sản phẩm này là trọng lượng mũ bao nhiêu, tầm nhìn và khả năng di chuyển đầu thế nào, liệu có phù hợp với đội ngũ y bác sĩ chống dịch hay không.
“Trong cái nắng như thiêu như đốt, lại mặc bộ đồ bảo hộ 7 món, nếu dùng mũ có thể không phải đeo khẩu trang nhưng đầu gánh thêm một trọng lượng sẽ gây cảm giác mệt mỏi, e rằng anh em y bác sĩ không có đủ sức để làm việc. Vì thế, cần thử nghiệm với môi trường thực tế để phù hợp nhất”, TS. Nguyễn Phan Kiên nhận xét.
*** “Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Mời bạn đọc xem video: TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố từ 0 giờ ngày 31/5/2021 | THDT


Sơn Hà