Người ta thường nhắc đến Huấn luyện viên người Nhật Bản của đội tuyển Việt Nam – ông Toshiya Miura với hai tính từ: “Khiêm tốn” và “kiệm lời”. Ông Miura nói ít, không hứa hẹn nhiều nhưng ông đã thực hiện tương đối thay đổi trong nền bóng đá nước ta.
|
Nếu huấn luyện viên Miura là người phát triển cho Bphone thì sao? |
Nếu ông Miura là người phát triển cho
Bphone thì sao? Có lẽ, hướng đi ông thầy người Nhật chọn sẽ là phát triển dần dần, tập trung vào phân phối và phục vụ nhiều người hơn chứ và chắc chắn ông sẽ ít “nổ” hơn.
Những lời ca ngợi dành cho sản phẩm theo kiểu “con hát mẹ khen hay” sẽ khó có thể được Miura sử dụng. Ngoài ra, hướng đi sẽ rõ ràng hơn khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp được lựa chọn vừa tầm hơn.
Còn nhớ khi ông Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông liên tục có những trận giao hữu, các đối thủ từ nhẹ nhàng đến đẳng cấp, từ đội bóng như than Quảng Ninh, Hà Nội T&T đến các “ông lớn” Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Miura rõ ràng là có sự lựa chọn rõ ràng chứ không vội vàng chọn đối thủ quá tầm như những gì Bkav đã làm. Họ vừa “chân ướt chân ráo” bước vào làng điện thoại nhưng ngay lập tức so sánh và dìm hàng một biểu tượng công nghệ là Apple.
“Điện thoại tốt nhất thế giới”, “nghe nhạc đỉnh cao, chất lượng âm thanh hơn cả iPhone 6 plus” hay “chiếc hộp thần thánh”, cấu hình vượt xa Apple, “không thể tin nổi” … là những câu nói như thế. Nhưng đến nay liệu Bphone đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm những lời có cánh ấy?
Người ta nói nhiều về chiến dịch truyền thông rầm rộ của Bkav dành cho “đứa con cưng” của mình với tổng chi phí hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, cưng quá nhiều khi ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của sản phẩm.
Nếu, chỉ là chữ “nếu” mà thôi, Bphone được phát triển dành cho phân khúc thấp hơn, với mức giá chỉ khoảng 6 – 8 triệu đồng thì có thể số phận của nó đã khác nhiều rồi. Tín đồ công nghệ sẽ kỳ vọng ít hơn, chê bai ít hơn và sẽ hưởng ứng hơn “lời kêu gọi” yêu nước từ Bphone.
Còn nhớ hồi năm 2010 khi hãng điện thoại Trung Quốc, Xiaomi tiến vào thị trường di động, họ xác định hướng đi của mình tập trung vào phân khúc giá rẻ và “né” những gã khổng lồ công nghệ lớn như Apple hay Samsung ở phân khúc cao cấp.
Và thị trường để Xiaomi phát triển là quê nhà Trung Quốc – nơi sở hữu dân số đông nhất thế giới, có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng và sản phẩm của họ, Xiaomi, ra đời để dành do đại bộ phận dân số chứ không tập trung cho những người giàu có.
Kết quả thì rõ ràng rồi, Xiaomi tăng trưởng thần kỳ và hiện đang là hãng điện thoại lớn thứ 5 thế giới. Vượt qua rất nhiều khó khăn, “Apple Trung Quốc” đang dần khẳng định mình và trong năm 2015, có thể hãng sẽ cho ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ đình đám hơn nữa.
Còn Bphone thì sao? Dẫu cho con số đặt hàng lên tới hơn 10.000 sản phẩm (chưa được kiểm chứng) và dẫu cho chiến dịch trị giá 10 tỷ đồng của Bkav, hiện tại vẫn rất khó để một người bình thường có thể được trải nghiệm sản phẩm và các diễn đàn công nghệ thì liên tục lên tiếng chê bai.
Ngoài ra, nếu tính kỷ luật – thứ vốn đã được gắn liền với một người Nhật Bản như ông Toshiya Miura, được đặt cao hơn, liệu Bkav có mang một phiên bản thử nghiệm, chưa chính thức ra cho người dùng thử nghiệm trong sự kiện vừa qua của hãng?
Đáng lẽ ra, những gì thuộc về ấn tượng đầu tiên của người dùng cần phải được chăm chút nhiều hơn. Những lỗi vặt phần cứng, hay phần mềm, hay reset, hoạt động không êm ái… cần phải được kiểm tra và sửa chữa trước khi mang ra cửa hàng. Nhưng Bkav đã không làm như vậy.
Mặc dù vậy, đôi khi khiêm tốn và quá giấu bài cũng khiến cho HLV người Nhật Bản phải trả giá. Trong chiến dịch Sea Games 28 vừa qua, nếu chúng ta mạnh dạn hơn, chiến thuật hợp lý hơn trước Thái Lan và đặc biệt là ở trận Bán kết với Myanmar, có lẽ giấc mơ vàng đã mỉm cười với chúng ta.
Khi sự kỳ vọng rất lớn đặt lên vai chúng ta, U23 Việt Nam lại để thua đầy tiếc nuối trước Myanmar trong một trận đấu ép sân toàn diện và khi niềm tin vơi bớt, chúng ta lại đánh bại một đối thủ rất mạnh là Indonesia trong thế trận một chiều với tỷ số 5 – 0. Rõ ràng thực lực chúng ta còn ở tầm cao hơn.
Bphone cũng vậy. Nếu nó không quá được kỳ vọng, có lẽ bây giờ “đứa con cưng” của Bkav đang gây sốt, làm mưa làm gió ở một phân khúc thấp hơn rồi chứ không chật vật trên con đường khẳng định bản thân mình là một chiếc điện thoại cao cấp, “không thể tin nổi”.
Rõ ràng, tiếc nuối sẽ là cảm xúc dễ nhận thấy nhất khi nhắc đến hai người con – U23 Việt Nam và Bphone. Giá như Miura mạnh dạn và tự tin hơn, còn Bkav thì ít “nổ” hơn. Giá như…
Theo VTC