Lợi nhuận quý 2 của gã khổng lồ Hàn Quốc giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý thứ 5 liên tiếp sụt giảm. Trong khi đó doanh số giảm từ 52,35 nghìn tỷ won trong Q2/2014 xuống còn 48,53 nghìn tỷ won trong Q2/2015.
|
Với smartphone Samsung Galaxy S6, Samsung đã phạm sai lầm gì?
|
Samsung cũng thừa nhận tác động của việc ra mắt Galaxy S6 là rất ít do số lượng bán ra thấp và chi phí thị trường cho việc ra mắt sản phẩm mới tăng.
Samsung không bóc tách rõ các con số nhưng theo một nghiên cứu của công ty phân tích chiến lược Strategy Analytics, doanh số smartphone của Samsung giảm từ 95,3 triệu năm 2014 xuống còn 89 triệu năm 2015. Tờ này còn chỉ ra lợi nhuận thực của mảng di động giảm 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần của vấn đề chính là do sai lầm của Samsung trong ước tính nhu cầu sản phẩm. Chiếc S6 xuất hiện với 2 model: S6 và S6 Edge, trong đó chiếc S6 Edge đắt hơn với màn hình cong hai cạnh. Theo một bài báo trên Wall Street Journal vào đầu tháng vừa rồi, Samsung ước tính nhu cầu các thiết bị này sẽ có tỉ lệ là 4:1, với phần nhiều nghiêng về chiếc S6. Thế nhưng trên thực tế nhu cầu chiếc Edge lại cao hơn và tỉ lệ nhu cầu của hai sản phẩm này gần như là 1:1. Công ty đã bị xáo trộn với hàng tá S6 tồn kho trong khi S6 Edge lại không đủ đáp ứng nhu cầu.
Blogger Ben Thompson viết trên email trả lời tờ Daily Update vào đầu tháng 7 này cho biết: “mọi chuyện khá là đảo lộn” bởi Samsung đã không thể nhận ra trước nhu cầu của khách hàng. Họ không hiểu rằng thị trường smartphone giờ đã tách làm đôi một cách rõ ràng: những người mua những smartphone Android phân khúc cao cấp thì muốn những gì mới nhất, hiện đại nhất, tức là những sản phẩm Edge. Còn tất cả những người nghĩ ngợi nhiều về giá cả sẽ chẳng tiết kiệm thêm 100 USD để mua chiếc S6 làm gì cả. Họ sẽ tiết kiệm cả 500 USD và mua một thiết bị rẻ tiền, vẫn dùng được và vẫn chạy trên cùng một phần mềm.
Việc cung không đủ cầu có hai mặt. Mặt tích cực là người dùng còn muốn mua điện thoại của hãng. Nhưng mặt kia thì rõ ràng là lỗi của Samsung, đáng lẽ họ phải tránh được vấn đề này.
Ở phân khúc giá rẻ, Samsung phải đối mặt với sức ép vô cùng lớn từ phía những công ty đối thủ như Xiaomi và Huawei (hiện là nhà sản xuất di động lớn thứ 3 thế giới, theo Strategy Analytics). Trên thực tế, Samsung sử dụng hệ điều hành Android nhưng lại chẳng biết cách làm thế nào để hệ điều hành của họ khác so với các đối thủ. Còn đối thủ của họ thì biết cách bán những sản phẩm tương đương với giá rẻ hơn rất nhiều so với Samsung.
Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp, Apple đang trên đỉnh cao. Nhờ thành công của những chiếc iPhone 6 màn hình lớn, hãng này đã có doanh thu quý 1 tốt nhất từ trước đến nay.
Đương nhiên, Samsung vẫn kiếm được lời nhờ vào chiếc S6 Edge dù nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, HTC, một nhà sản xuất smartphone cao cấp lại bị lỗ tới 166 triệu USD trong quý 2/2015.
Đáng lẽ ra Samsung có thể làm tốt hơn. Đáng lẽ ra chiếc Galaxy S6 có thể là “bàn gỡ” của công ty này. Thế nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy và Samsung là kẻ duy nhất đáng bị đổ lỗi.
Theo ICT News