Cụm từ
"điện thoại thương hiệu Việt" được nhắc đến khá nhiều trong khoảng 3, 4 năm trở lại đây, sau sự xuất hiện một cách ồ ạt của hàng loạt tên tuổi với những lời hứa hẹn đầy sáng lạng. Với tâm lý "người Việt dùng hàng Việt", những thương hiệu này từng nhận được sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về thiết bị di động phát triển và hàng loạt tên tuổi lớn vào Việt Nam, tuy nhiên mức giá cao khiến chúng khó tiếp cận với người dùng phổ thông.
Thế nhưng, tâm lý ủng hộ thời gian đầu không thể giúp duy trì ngành hàng này có sự phát triển bền vững. Sau khi người dùng dần nhận ra không ít trong số này là "mác Việt, ruột Tàu" và chất lượng không được đảm bảo, người dùng trong nước không còn quá mặn mà với những cái tên "thương hiệu Việt" nữa. Thậm chí một bộ phận không nhỏ vẫn luôn tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của những sản phẩm này. Tâm lý thận trọng này là cần thiết, tuy nhiên chúng vô tình lại trở thành rào cản đối với những nhà phát triển có ý định sản xuất những smartphone mang bản sắc của người Việt, do chất xám của người Việt tạo nên, chẳng hạn như Vivas của VNPT hay gần đây là BPhone của Bkav.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân của vẫn đề này, và hiện nay còn những thương hiệu điện thoại Việt nào còn trụ lại được ngay trên chính thị trường Việt.
‘Da Việt Nam, hồn Trung Quốc”
Việc một sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc và gắn mác Việt không phải là điều quá nghiêm trọng. Chúng ta có thể dễ dàng lấy dẫn chứng bằng việc ngay cả những chiếc điện thoại được cả thế giới sử dụng là iPhone hay Nokia cũng "Made in China".
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chế tạo, đầu tư nhà máy để sản xuất ở nước có giá nhân công thấp thì hoàn toàn khác với việc mua những chiếc máy vô danh của một đơn vị gia công nào đó rồi gắn mác của mình.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, Trung Quốc có cực nhiều các đơn vị gia công điện thoại. Một số chịu đầu tư nghiên cứu và có những thành tựu nhất định thì họ sẽ tiến hành làm thương hiệu và quảng bá ra nhiều thị trường khác với nhãn hiệu riêng. Còn có một số khác thì lại chuyên làm những chiếc máy để bán trong nội địa và những chiếc máy "no name" - loại máy này để các doanh nghiệp của nước khác sẽ mua, sau đó gắn tên bất kỳ mà họ thích. Và đó cũng là phương thức mà không ít doanh nghiệp dùng để tạo "thương hiệu Việt" cho mình.
Cũng cần phải nói thêm, chuyện thuê gia công và gắn mác của mình không phải quá xấu. Vấn đề là họ có kiểm soát được chất lượng sản phẩm, các chế độ bán hàng, bảo hành tốt, và đặc biệt là tỷ lệ nội địa hoá hay không. Liệu rằng tỷ lệ chất xám và người Việt bỏ ra cho sản phẩm này là bao nhiêu để xứng đáng với cái tên "thương hiệu Việt"?
Điện thoại thương hiệu Việt teo tóp
Với cách đặt hàng từ các doanh nghiệp sản xuất TQ, về dán mác và phân phối, các công ty Việt Nam có thể kiếm lời trong thời gian vài năm. Tuy nhiên, tình hình sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi người dùng dần nhận ra giá trị thực của sản phẩm và thương hiệu, cũng như sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt thương hiệu điện thoại mới hứa hẹn hơn.
Ở thời kỳ cao điểm, thị trường nước ta từng ghi nhận có tới
hơn 30 thương hiệu điện thoại Việt chia chác thị phần điện thoại giá rẻ. Tuy nhiên đến nay, số thương hiệu còn trụ lại có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Q-Mobile, Mobiistar, HKPhone, FPT, VNPT, Viettel là một số ít cái tên còn xuất hiện trên thị trường dù không thực sự mạnh mẽ. Trong khi đó, những cái tên như Mobell, Malata, Wellcome, Hi-mobile, Bluefone,... dường như đã biến mất không còn dấu vết.
Q-Mobile, một trong những thương hiệu điện thoại Việt xuất hiện đầu tiên từ thời điểm những năm 2008 và phát triển nhanh nhờ đánh mạnh vào phân khúc giá rẻ cộng 2 sim. Đến nay, hãng cũng kịp thay đổi để thích nghi với thời cuộc bằng một vài sản phẩm chạy Android giá dưới 3 triệu, hay mới đây nhất là hợp tác với Microsoft để sản xuất những chiếc máy giá rẻ chạy Windows Phone. Q-Mobile dự kiến sẽ đạt doanh thu 2000 tỷ trong năm 2015 nhờ bán smartphone.
Mobiistar cũng được thị trường biết đến với những dòng smartphone chạy Android giá hấp dẫn, thiết kế đẹp. Việc ra mắt 2 smartphone PRIME 508 và PRIME 558 bên cạnh những chiếc máy tầm thấp đã đánh dấu một bước phát triển lên tầm mới của thương hiệu này và nhận được sự ủng hộ không nhỏ của người dùng trong nước.
FPT, VNPT và Viettel tuy không coi điện thoại là lĩnh vực chính nhưng họ cũng vẫn duy trì và tiếp tục ra một vài sản phẩm, chủ yếu thuộc phân khúc rẻ hoặc cực rẻ. Thương hiệu VIVAS của VNPT mới đây cũng ra mắt phiên bản VIVAS Lotus mới được cho là lắp ráp 100% tại Việt Nam.
HKPhone sau vụ chuyển giao hồi đầu năm 2013 cũng đã trở thành một thương hiệu điện thoại Việt. Sản phẩm của hãng này thường được phân phối tại các thị trường địa phương, với mạng lưới đại lý phủ khắp cả nước và có một vài sản phẩm cũng nhận được sự chú ý lớn của người tiêu dùng.
Và không thể không nhắc tới Bkav với sản phẩm BPhone của họ. Những phát biểu của lãnh đạo Bkav cho thấy đây là một sản phẩm hứa hẹn và cũng khá táo bạo của tập đoàn này khi đánh thẳng vào phân khúc cao cấp.
Nhưng dù là cao cấp hay bình dân, các thương hiệu Việt trụ lại được đến ngày nay đang phải đối mặt với một thách thức khá lớn khi phải cạnh tranh với rất nhiều thương hiệu nước ngoài.
Ở tầm cao cấp, BPhone khi ra mắt sẽ phải cạnh tranh với iPhone, Samsung, LG, Sony,... những hãng đã có truyền thống và sản phẩm được thị trường kiểm chứng. Còn ở phân khúc giá rẻ vốn được các hãng của Việt Nam nhanh nhạy khai thác, tuy nhiên trong thời gian tới, sự đổ bộ của Lenovo, Huawei hay Xiaomi có thể coi là một con sóng quá lớn và có thể nhấn chìm họ nếu không có cách trụ vững. Họ cần có sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược phát triển bền vững, phù hợp, nếu không thị phần của những chiếc smartphone mác Việt sẽ dần bị teo tóp và khả năng bị khai tử là rất lớn.
Theo techz