Các nhà khoa học tại Đại học Exeter đã sử dụng dữ liệu của cuộc Khảo sát kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Mỹ. Nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa 18 chất khác nhau trong máu với mức độ giàu nghèo.
Người nghèo thường có nồng độ chì, cadmi (chất thường dùng để chế tạo các bể mạ điện, que hàn bạc, …), antimon (sản xuất ắc quy, vật liệu chống cháy, men gốm, …) và bisphenol A (chế tạo nhựa) trong máu cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng chế độ ăn uống nghèo nàn cùng với hút thuốc lá làm tăng sự hiện diện của chì và cadmium trong máu.
Mức độ chì cao trong cơ thể có thể gây nguy hiểm và dẫn đến nhiễm độc. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, mất kiềm chế, đau đầu, khó chịu và chán ăn. Ở các cấp độ cao hơn, nhiễm độc chì có thể gây tử vong.
Nghiên cứu cũng cho thấy, dự đoán trước đây - chỉ người nghèo mới có nồng độ chất độc trong máu cao – là sai. Những người thuộc tầng lớp kinh tế - xã hội cao hơn cũng có thể tích tụ độc tố trong cơ thể. Họ thường có nồng độ thủy ngân, cesium và asen trong máu cao hơn do ăn nhiều hải sản. Nồng độ thủy ngân cao có thể ảnh hưởng xấu đến não và dẫn đến tổn thương thận.
Ngoài ra, người giàu còn tích tụ nhiều chất benzophenone-3, thường có trong kem chống nắng.
Tiến sĩ Jessica Tyrrell tại Đại học Exeter, Anh kết luận: "Chúng tôi thấy rằng khi khá giả hơn, những thay đổi trong lối sống làm thay đổi các chất trong cơ thể, chứ không phải là giảm số lượng tổng thể. Chính vì vậy, chúng ta nên điều chỉnh nồng độ độc tố trong máu dựa trên lối sống, chứ không phải là thu nhập”.
“Tiếp xúc lâu dài với hóa chất, thậm chí với số lượng rất nhỏ, có thể là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường và tim mạch. Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa chất hóa học và địa vị kinh tế - xã hội và cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng để định hình các chiến lược cải thiện sức khỏe cho mọi người thuộc mọi tầng lớp", ông Tyrrell cho hay.
Mai Thủy (theo Natureworldnews)