Nước ngầm Hà Nội nhiễm thạch tín

Google News

(Kiến Thức) - Chất thạch tín trong thiên nhiên len lỏi vào các tầng ngầm nước dưới đất rồi theo đó chảy vào các các giếng nước ở Hà Nội. Cảnh báo này của các nhà khoa học khiến không ít người hoang mang.

Nước sạch thành nước ô nhiễm
Chuyên gia Alexander Van Geen, Đại học Columbia (Mỹ) đã công bố một công trình nghiên cứu về hiện tượng một tầng nước ngầm sạch bị ô nhiễm chất thạch tín ở làng Vạn Phúc (Hà Nội). Hiện tượng nước nhiễm thạch tín (arsenic) này là vì dòng nước từ bên ngoài được hút vào tầng nước ngầm quá nhiều và quá tải, gây hệ quả từ từ và lâu dài nhưng lại là một vấn đề lớn mà phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Tình trạng này cũng đang hoặc sẽ xảy ra tại nhiều  nơi khác của Việt Nam nếu những nguồn nước ngầm nằm gần những vùng có độ thách tín cao bị khai thác quá mức. 
Nghiên cứu này đề cập đến những cuộc khảo sát sâu rộng tại làng Vạn Phúc nằm trên bờ sông Hồng phía Đông Nam cách Thủ đô Hà Nội 10km. Kết quả cho thấy, nồng độ thạch tín trong nước ở các giếng tư nhân tại phía Tây làng Vạn Phúc chỉ dưới 10 microgram/1 lít nước. Các giếng ở phía Đông có nồng độ arsenic trong nước cao gấp 10 - 50 lần mức cho phép. Điều này cho thấy, có hai tầng ngầm nước của Vạn Phúc bị nhiễm thạch tín do bơm tải nước quá nhiều.
Là một nhà khoa học tham gia vào công trình nghiên cứu  trên, bà Phạm Thị Kim Trang (Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở làng Vạn Phúc có hai tầng ngậm nước: Một tầng là đất có từ khoảng 5.000 năm trước có độ nhiễm thạch tín cao nằm đè lên một tầng an toàn vốn có độ tuổi lên đến 12.000 năm. Khi nước ở tầng an toàn này bị khai thác quá mức để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tăng cao của người dân Hà Nội đã làm cho mực nước ở tầng này giảm đi nhanh chóng. Hậu quả là, nước từ tầng nhiễm thạch tín và từ sông Hồng gần đó đã chảy vào tầng ít có thạch tín. Đây là hiện tượng xuất hiện mà nếu không có các biện pháp ngăn chặn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dân.
Nước giếng khoan nhiễm arsen là mối lo ngại của nhiều gia đình ở Hà Nội.  
Vùng ô nhiễm ngày càng rộng
Cũng theo bà Phạm Thị Kim Trang, cho đến nay, nước nhiễm độc chỉ mới thâm nhập được khoảng 120m vào tầng nước không nhiễm độc. Sử dụng các biện pháp xác định niên đại, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trong vòng từ 40 - 60 năm qua, nước từ tầng nhiễm thạch tín đã lan xa thêm 2.000m vào các khu vực khác. Tuy nhiên, nước nhiễm thạch tín xâm nhập vào tầng nước an toàn diễn ra ở tốc độ chậm hơn từ 16 - 20 lần. Với tốc độ này thì vùng nước ô nhiễm sẽ ngày càng lan rộng xung quanh khu vực làng Vạn Phúc. 
Nước trước khi sử dụng đã được các đơn vị cung cấp nước sạch xử lý nên những lo lắng về sức khoẻ là không quá nghiêm trọng. Mối lo lớn nhất là những hộ dân lấy nước sử dụng trực tiếp từ các giếng nước nhiễm độc. Các hộ dân sống trong vùng Vạn Phúc nếu không có điều kiện sử dụng nước máy thì nên đào giếng sâu hơn, sử dụng các biện pháp lọc thủ công như lọc bằng cát sỏi. Ở các vùng lân cận hoặc ngoại thành Hà Nội, việc khai thác nước ngầm quá mức, sử dụng nước không qua xử lý sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về sức khoẻ. Vì khai thác nước ngầm càng nhiều thì nguy cơ nước ô nhiễm thạch tín càng lớn. Thạch tín ở nồng độ cao có thể gây ra các chứng bệnh về tim mạch, gan, thận cũng như ung thư.
Theo các chuyên gia, sử dụng hệ thống nước mưa, nước bề mặt thay thế cũng là một giải pháp an toàn cho người dân ở những vùng này. Việc hạn chế khai thác nước ngầm hoặc khai thác một cách khoa học cũng là cách để nguồn nước sạch có thể tự tái tạo. Khi nguồn nước ngầm không phải nhận nước bổ trợ từ các nguồn khác, không bị khai thác quá mức thì nó sẽ lại trở thành nước sạch như cũ.
Theo nhóm nghiên cứu, trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2010, nhu cầu sử dụng nước ở Hà Nội đã gần như tăng gấp đôi. Theo các tài liệu nghiên cứu, điều tra địa chất, địa chất thủy văn chính thức đã được báo cáo thì trữ lượng nước dưới đất khu vực Hà Nội (cũ) có thể cho phép khai thác nước dưới đất một cách bền vững với công suất khoảng 2,2 triệu m3/ngày đêm. Ngoài ra, để an toàn hơn thì người ta không khai thác hết 100% khả năng cung cấp của tầng chứa mà chỉ khai thác khoảng 60 - 70% mức cho phép.
Hà Bình