Ổ khóa đặc biệt này đã mở ra tiềm năng người Việt có thể làm chủ được công nghệ và tự sản xuất được loại thiết bị này. Đây là sáng chế của anh Phạm Ngọc Anh Tuấn, quận 4, TPHCM.
Khoá không ai mở được
Bắt đầu nghiên cứu ổ khóa thông minh từ năm 2003 nhưng đến giữa năm 2007, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn mới tạo ra được loại ổ khóa ưng ý. Ý tưởng làm ra loại khoá này bắt nguồn từ lúc đi sửa máy chơi game, anh Tuấn thấy đa số các chủ cửa hàng game (sử dụng xu) phải chịu mất một khoản tiền không nhỏ, do người trông coi máy chế chìa khóa riêng để mở lấy cắp thẻ, xu... trong máy. Nhiều chủ cửa hàng biết mình bị mất tiền, nhưng cũng đành chịu vì trên thị trường vẫn chưa có loại khóa nào an toàn. Một lần sửa máy tại quận Tân Phú, một ông chủ cửa hàng nói: "Nếu anh chế được loại khóa mà không ai mở được thì giá bao nhiêu chúng tôi cũng mua".
Anh Phạm Ngọc Anh Tuấn cho biết, hiểu được nguyên tắc là kẻ gian hay thợ sửa khóa mở được là do khóa chỉ có một ruột, bi nằm trên một đường thẳng. Từ đó, anh nghĩ: Muốn chống được trộm, khóa phải có ít nhất là hai ruột, so le nhau. Nguyên lý là vậy, nhưng qua hai năm đầu nghiên cứu, thử nghiệm, anh vẫn thất bại. Chỉ riêng tiền cưa, mài, đục, đẽo... để làm khóa đã "ngốn" mất của anh hàng chục triệu đồng.
Điểm đặc biệt dễ nhìn thấy là nếu các loại khóa khác chỉ có một ruột, chìa thường ngắn, thì ổ khóa của anh Tuấn có đến ba ruột và chìa thường dài gấp đôi. Tổng số bi của ba chìa này lên đến hơn 20 viên. Nguyên tắc của khóa gồm: Ruột ngoài, chống mở và chống trùng chìa. Anh Tuấn cho biết, do hai ruột khóa không cùng nằm trên một đường thẳng khi khóa, nên các đối tượng mở khóa chuyên nghiệp không thể mở. Trường hợp đã tìm được ruột hai, nhưng chỉ cần lần nhẹ không đúng thì các chốt ngang sẽ đóng lại. Việc khoan để lấy ruột khóa ra cũng không dễ do các chốt giữ ruột được làm bằng inox và chỉ trang trí phía ngoài bằng đồng để đảm bảo thẩm mỹ. Gọng khóa cũng được làm bằng thép chống cưa.
|
Anh Tuấn đang thay ổ khóa cho khách hàng. |
Tự báo động khi có người phá
Quá trình mày mò tìm hiểu cải tiến, những chiếc khoá sau này của anh Tuấn có ruột khóa ngoài hình vuông, nên kẻ trộm dùng "vam" cũng không bẻ được. Khi đã khóa lại, nếu kẻ trộm mở nắp bảo vệ khóa thì khóa sẽ phát tín hiệu báo động. Do vậy, khóa cứ làm ra lập tức tiêu thụ hết với giá 200.000đ một chiếc.
Những chiếc khoá hiện nay là do một mình anh Tuấn tự làm, tự chế tạo. Anh Tuấn cho biết, thời gian đầu, chi phí làm rất cao, anh không có tiền để mua vật liệu. Có đồng nào lại mua sắm vật liệu đồng đó, anh đã tính đến nước bỏ nghề. Anh buộc phải suy nghĩ, tìm tòi làm sao để thiết kế nhỏ gọn nhất, ít tốn vật liệu nhất. Nhờ chuyển qua dùng nhựa, vừa rẻ tiền lại dễ thao tác, nên thêm sáu tháng nữa anh mới hoàn thành được cấu tạo một chiếc khoá chống mở hoàn chỉnh. Mong muốn lớn nhất của anh Tuấn lúc này là tìm được nhà đầu tư bán hoàn toàn kỹ thuật, nhượng quyền, hoặc phối hợp sản xuất để sản phẩm có thể đem tới sự an toàn cho tài sản mọi người.
TS Lê Việt Thắng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thiết kế của chiếc khoá này có nhiều điểm sáng tạo, đúng với nguyên lý về bảo mật. Nếu được tích hợp với máy tính, lưu giữ và tích hợp với mạng điện thoại để bảo mật thì chắc chắn sản phẩm sẽ đạt đến sự hoàn hảo. Hiện việc làm thủ công các sản phẩm này sẽ khó mà có thể cho ra những sản phẩm đẹp mắt được. Tuy nhiên, đây là sự sáng tạo có nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất, ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Ổ khoá này có thể ứng dụng ở các công trình dân dụng, cơ quan, trường học, xí nghiệp, ngân hàng... do giá thành rẻ, dễ lắp đặt và có nhiều kiểu dáng để lựa chọn. Đối với nhu cầu bảo mật cao hơn, tôi sẽ nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống tích hợp với mạng viễn thông, cho ra đời những sản phẩm mang tính bảo mật cao nhất.
Phạm Ngọc Anh Tuấn
Hà Bình