“Ông trùm sáng chế”

Google News

(Kiến Thức) - TS Lê Văn Tri vừa được cấp chứng nhận đạt kỷ lục có nhiều bằng sáng chế nhất châu Á trong lĩnh vực công nghệ sinh học với 16 bằng sáng chế. 

Ý tưởng bên ly cà phê sáng
TS Lê Văn Tri cho biết, 2013 là một năm ông nhận được nhiều thành công trong sự nghiệp cũng như những niềm vui từ gia đình. Tháng 10, ông bất ngờ được thông báo là người có nhiều bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ nhất châu Á. Niềm vui như nhân lên thời gian sau đó khi con trai ông báo tin được Nhà nước phong chức danh phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
"Bộ sưu tập" bằng độc quyền, bằng sáng chế của TS Lê Văn Tri. 

Cầm trên tay chứng nhận xác lập kỷ lục, TS Lê Văn Tri chia sẻ, ý tưởng sáng tạo đến với ông như một dòng nước không ngừng chảy. Nó có thể bắt nguồn từ những buổi sáng bên ly cà phê hay chợt lóe lên khi làm trong phòng thí nghiệm. Thậm chí, những lần khảo sát thực địa, bắt gặp những sự việc liên quan đến đề tài cũng khiến ông xuất hiện những ý tưởng mới. Nhưng có một điều, tất cả những đề tài đó không phải ngẫu nhiên mà là một chuỗi hệ thống.
“Trong tôi luôn tồn tại các câu hỏi dạng như: Tại sao không làm cái này, sao không xử lý cái kia... Suy nghĩ đã khiến tôi nảy ra những ý tưởng tuyệt vời cho cuộc sống. Tôi vẫn ngẫm, một giọt nước sẽ làm tràn ly, chọn đúng thời điểm sẽ có ý tưởng. Khi xuất hiện câu hỏi, tôi đã viết ra để làm bài toán giải ngay sau đó...”, TS Lê Văn Tri cho hay.
Như để chứng minh cho điều mình đã nói, ông Tri kể: Bằng sáng chế thứ 15 với đề tài biến rơm rạ thành phân bón sinh học. Khi đi khảo sát, thấy phần mùn thừa của rơm rạ tôi đã có trăn trở phải xử lý thành một thứ có ích. Bốc nắm mùn đưa lên xem bỗng đầu tôi nghĩ ngay đến giá thể mạ. Mẫu lập tức được chở về công ty. Chỉ sau một thời gian ngắn, hồ sơ bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ thứ 16 đã được hoàn thành.
“Nhiều người nhìn tôi khâm phục, bảo sao có thể làm được nhiều bằng sáng chế như thế. Nhưng với tôi, đó dường như thói quen, sự xoay chuyển các đề tài. Khi hồ sơ xét duyệt này đang triển khai thì nghiên cứu nọ được xúc tiến. Tất cả cứ như một hệ thống trong quỹ đạo, hỗ trợ lẫn nhau”, “ông trùm sinh học” cho biết.
Lúc này đây, ngồi trước tôi, một người đàn ông đã 60 tuổi nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học vẫn còn cháy bỏng. Dường như đầu ông luôn vận động hướng đến nghiên cứu. Giọng nói sang sảng, dứt khoát thể hiện sự quyết tâm vượt qua khó khăn để đi đến chinh phục đỉnh cao trong khoa học.
Tự hào khi con hơn cha
Khi đề cập đến gia đình, TS Lê Văn Tri cho rằng, ông muốn dành sự im lặng đối với gia đình. Bởi ông rất ngại những bình luận trái chiều của bạn đọc. Nhưng có lẽ niềm kiêu hãnh về “gia đình hoàn hảo” không giấu được trong ánh mắt tràn ngập hạnh phúc của ông.
Qua thời gian cộng tác cùng TS Lê Văn Tri, tôi biết, gia đình chính là điểm tựa, bệ phóng cho thành công của ông. Ông may mắn và hãnh diện vì có người vợ đảm và con cái đều thành đạt. Trong những bước đi của ông, luôn có hình dáng của vợ. Bà không chỉ chăm lo cho ông từ sức khoẻ đến công việc mà còn chu toàn trong việc dạy dỗ con cái để ông yên tâm làm khoa học.
TS Lê Văn Tri vẫn luôn say mê nghiên cứu khoa học. 

Con trai ông, Lê Anh Vinh vừa được phong phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013. Danh hiệu đến với anh khi mới tròn 30 tuổi. Dù tốt nghiệp tiến sĩ loại ưu tại Đại học danh tiếng Harvard (Mỹ) nhưng anh vẫn quyết tâm về nước để làm việc. Còn con gái ông cũng tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc.
Chia sẻ về những thành công của các con, ông chỉ bảo: “Thời điểm nào cũng vậy, bố mẹ chỉ hỗ trợ con bằng cách nhìn từ xa, góp ý khi con gặp khó khăn. Quyết định cuối cùng vẫn là con cái. Nhưng ở mặt khác, con cũng là người bạn để bố chia sẻ về công việc nghiên cứu”.
Ngày TS Lê Văn Tri nhận danh hiệu kỷ lục, con trai ông đi cùng. Ông hiểu con trai rất tự hào về bố của mình. Bởi hơn ai hết, con ông biết làm khoa học khó thế nào. Để đạt được bằng sở hữu trí tuệ phải vất vả ra sao. Đó cũng là gánh nặng cho chính nhà khoa học trẻ.
“Tôi nghĩ con có áp lực với danh hiệu của tôi. Nhưng có những điều con làm tốt hơn bố, trong đó có học hàm. Con hơn cha là nhà có phúc. Ngày Vinh nhận tin được phong phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam, cậu gọi điện ngay cho tôi thông báo đơn giản: Bố ơi con được rồi. Hơn ai hết, bố mẹ và gia đình đã chứng kiến sự cố gắng của Vinh. Hằng ngày, hai bố con vẫn nói chuyện, chia sẻ, ôm nhau và nói những lời chúc trước khi đi ngủ. Sự trân trọng, khâm phục, hiểu nhau không chỉ là tình cảm cha con. Cao hơn là tình bạn của những người cùng chí hướng phấn đấu”, TS Lê Văn Tri tâm sự.
Cái may của tôi là tất cả các bằng sáng chế từ đầu tiên đến nay vẫn được ứng dụng và đưa ra kinh doanh. Nó là nguồn khai thác trí tuệ và tài chính để nuôi các đề tài sau cũng như hệ thống nghiên cứu. - TS Lê Văn Tri

 


Hiền Dung