Loài Thông trắng quả to, hạt không cánh này được xác định là Pinus armandii, được đánh giá bị đe dọa ở mức Rất nguy cấp (CR), cần được bảo vệ. Nó có những tiềm năng sử dụng làm một loài cây trồng rừng thích hợp để lấy gỗ và hạt ăn được.
|
Sinh cảnh rừng khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha. |
Trong nghệ thuật cây thế Trung Quốc và Nhật Bản có một loại cây được coi là vua của các loài bon-sai, đó là loài Ngũ trâm tùng hay cây Thông năm lá. Những tác phẩm bon-sai kinh điển nhất của Trung Quốc thường được tạo nên chính là từ những cây Ngũ trâm tùng này.
Khác với các loài thông hai lá hay ba lá, Ngũ trâm tùng có năm lá kim mọc thành cụm trên một cành ngắn và những cành ngắn này lại tập trung trên một cành dài. Nhờ vậy cây có bố cục hài hòa với tán lá dày gồm nhiều chùm lá kim thanh mảnh, đan xen lẫn nhau.
Những cây Ngũ trâm tùng ngả mình trên các vách đá hiểm trở của những vùng núi cao, thác ngàn là cảnh đẹp thường được ca ngợi trong văn thơ Trung Quốc. Các danh họa hay vẽ những bức tranh thủy mặc với những cánh hạc trắng bay lượn trên đỉnh rừng thông xanh tươi bốn mùa, thể hiện khát vọng sống không ngừng của người xưa. Phong cảnh rừng thông núi đá là nguồn cảm hứng vô tận cho văn thơ, nhạc họa cũng như cho những thế hệ nghệ nhân bon-sai xưa và nay.
Trong nghệ thuật cây thế, Ngũ trâm tùng là biểu tượng của sức mạnh và vẻ đẹp nhờ có thân cây gọn gàng mà vững chắc với những tán lá kim xanh tươi, bố trí hài hòa, mang đậm tính nghệ thuật. Ngũ trâm tùng được dùng để tạo nhiều loại hình dáng, thế khác nhau từ đơn giản tới phức tạp, từ khiêm tốn tới cầu kỳ, nhưng dù ở đâu cây vẫn luôn có một vẻ trầm mặc cao quí mà vẫn rất sống động của riêng mình
|
Thu hái mẫu Thông 5 lá dài. |
Ngũ trâm tùng là điều mơ ước của nhiều người chơi cây nước ta. Không ít người đã không tiếc tiền để có được một cây Ngũ trâm tùng trong bộ cây thế của mình. Nhưng những cây Ngũ trâm tùng Trung Quốc lại không hợp với khí hậu và thủy thổ Việt Nam nên nhiều người đã phải ngậm ngùi chia tay với loài cây quí này sau một hay hai năm trồng không kết quả.
Tuy nhiên, có điều mà ít người chơi cây nào biết là trong rừng tự nhiên nước ta cũng có Thông năm lá. Không phải chỉ 1 loài mà có tới 3 loài. Hai loài Thông Pà Cò và Thông Đà Lạt được biết đến từ thời Pháp. Còn một loài Thông năm lá vừa mới đây được phát hiện và ghi nhận cho Việt Nam ở khu BTTN Xuân Nha, tỉnh Sơn La.
Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis) lần đầu tiên được ghi nhận tại khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, phía tây bắc tỉnh Hòa Bình. Loài này sau đó còn được phát hiện rải rác trên các vùng núi đá vôi miền Bắc nước ta như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La và Thanh Hóa.
Những cây Thông Pà Cò mọc trên các đường đỉnh núi cao hơn 1300 m, bên dưới là lớp rêu dày đặc. Khắp nơi trên mặt đất, trên vách đá và các cành cây khô mục là các loại phong lan, địa lan, đỗ quyên rất đa dạng, tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của một khu rừng rêu nhiệt đới điển hình.
Nếu đến Pà Cò vào mùa thu, khi quả thông chín, hoa lan nở, đứng trên đỉnh núi mù sương, ngắm nhìn những bản làng thấp thoáng sau tán lá thông reo, bạn sẽ thấy như được hòa mình cùng cây cỏ, trời đất. Đỉnh núi Pà Cò thực sự là thiên cảnh một vùng cao.
Thông Đà Lạt (Pinus dalatensis) là loài cây “đặc sản” của vùng cao nguyên Nam Trung Bộ nước ta. Đây là loài đặc hữu hẹp của Nam Trường Sơn và Lào. Tới nay loài này được biết gặp ở các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lăc, Ninh Thuận, chủ yếu trong các khu BTTN của Tây Nguyên.
Những cây Thông Đà Lạt có vóc dáng cao lớn, đường kính thân nhiều cây đạt tới trên 1,2 m. Trên độ cao từ 1500 tới 2600 m những cây Thông này cùng mọc với các loài cây lá kim quí hiếm khác như Thông lá dẹt (Pinus kremfii) Pơ mu (Fokienia hodginsii), Hồng tùng (Dacrydium elatum) hay Du sam (Keteleeria evelyniana), tạo nên những cánh rừng nguyên sinh đẹp và quí.
Trong tháng 1/2013, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã phát hiện được một quần thể loài Thông năm lá thứ ba trong Khu BTTN Xuân Nha, tỉnh Sơn La. Loài Thông này mọc thẳng, khá cao từ 15m – 25m, đường kính thân đo ngang ngực đạt tới 0,8m.
Khác với Thông Pà Cò loài Thông này có cụm 5 lá kim rất dài, 12cm – 24cm, buông rủ xuống. Nón quả lớn, chiều dài 7cm-10cm, đường kính 5cm – 7cm, bên trong chứa nhiều hạt lớn, có kích thước trung bình 0,5x1cm. Đặc biệt hạt của loài Thông này không có cánh hạt.
Quần thể Thông 5 lá dài ở Xuân Nha mọc gần như thuần loài với số lượng ước tính khoảng 40 cây trưởng thành trong một khu vực rộng khoảng 2 km2. Đây là vùng núi ở độ cao từ 900m đến 1200 m, loại đất sét phát triển từ đá mẹ sa phiến thạch. Các cây Thông trưởng thành phân bố khá đều nhau. Cây tái sinh rất hiếm, mới chỉ quan sát thấy 3 cây con khoảng 2 năm tuổi. Phía dưới tầng tán Thông là tầng cây gỗ nhỏ và bụi, cao khoảng 2-3m, gồm các loài cây thuộc họ Chè (Theaceae), họ Re (Lauraceae) và lau, sặt mọc thành đám dày đặc.
Ở độ cao thấp hơn, giáp dông núi nơi Thông 5 lá dài mọc, là những cánh rừng nguyên sinh rậm thường xanh, với sự có mặt của các loài cây lá kim khác là Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius), Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus). Bên các vách đá mẹ sa phiến thạch lộ ra ở đây còn bắt gặp một loài Lan hài có lá xanh trắng, với đốm màu xanh đậm. Do chưa quan sát được hoa của loài này, nhưng dự đoán đây là loài Hài táo (Paphiopedilum appletonianum), là loài trước đây chỉ gặp ở Tây Nguyên.
Loài Thông 5 lá dài ở mới phát hiện này có nhiều điểm khác biệt lớn so với Thông Đà Lạt và Thông Pà Cò đã biết. Với những thông tin và mẫu vật có được, theo các chuyên gia về phân loại thực vật thì đây có thể là loài Pinus armandii hay Thông trắng Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, loài này phân bố từ miền Nam Sơn Tây kéo dài về phía Tây tới miền Nam Cam Túc và về phía Nam tới Vân Nam, với một số các quần thể tách biệt tại An Huy và Đài Loan. Loài này cũng gặp ở miền Bắc Myanma.
Như vậy quần thể Thông trắng Pinus armandii ở Xuân Nha là quần thể nằm ở điểm cực Nam phân bố của loài này, tách biệt so với quần thể gần nhất là ở Vân Nam. Nhiều khả năng quần thể Thông ở Xuân Nha sẽ thuộc về một thứ khác so với thứ chuẩn của Thông trắng Trung Quốc. Cần có các nghiên cứu bổ sung để định loại chính xác thứ của quần thể Thông mới tìm thấy tại Xuân Nha.
Thông trắng Trung Quốc Pinus armandii mang tên nhà truyền giáo đồng thời là nhà tự nhiên học người Pháp Armand David, người đầu tiên dẫn nhập loài cây này vào châu Âu. Loài này được trồng như một loại cây tạo cảnh trong các công viên và các khu vườn lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ. Loài cũng có vai trò quan trọng trong trồng rừng ở một số khu vực của Trung Quốc. Hạt của Thông trắng Trung Quốc cũng được thu hoạch và bán như là một loại hạt ăn được. Gỗ của nó được dùng cho các mục đích xây dựng nói chung.
Quần thể Thông trắng 5 lá ở Xuân Nha hiện là quần thể duy nhất của loài này được biết đến ở Việt Nam. Với số lượng cá thể rất hạn chế dưới 50 cây trưởng thành, vùng phân bố hẹp, khả năng phát tán và tái sinh kém do hạt không có cánh, nên loài Thông này có thể được đánh giá ở mức Rất nguy cấp (CR) trong phạm vi Việt Nam. Cần sớm đưa loài Thông này vào Danh mục các loài thực vật nguy cấp quí hiếm của nhà nước để bảo vệ nghiêm ngặt nguồn gen độc đáo này. Đồng thời cũng cần sớm có các nghiên cứu nhân giống, gây trồng loài cây này như một loài cây trồng rừng mới, phù hợp cho khu vực vùng núi Tây Bắc.
Dưới đây là một số hình ảnh về loài Thông 5 lá dài ở Khu BTTN Xuân Nha do tác giả Minh Xuân thực hiện:
|
Gốc Thông. |
|
Thân Thông. |
|
Tán lá Thông. |
|
Nón quả Thông. |
|
Hạt Thông lá dài. |
|
Chùm quả Thông. |
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Thiennhien