Các nhà khoa học ghi nhận được 2 chiến thuật bắt mồi của rắn độc là “tấn công và nắm giữ” (phóng nọc độc vào cơ thể và giữ con mồi cho đến khi nó ngấm độc và chết) và “tấn công rồi thả đi” (phóng độc và để con mồi “tẩu thoát”, cho đến khi nó chết hẳn thì mới tìm đến ăn thịt). Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học thắc mắc là ở chiến thuật thứ 2, làm sao rắn có thể tìm lại được con mồi đã trúng độc, sau khi nó bỏ đi rất xa khỏi nơi rắn ẩn nấp?
|
Loài rắn biết sử dụng GPS hóa học để truy vết con mồi.
|
Câu trả lời dần hé lộ khi các nhà khoa học trường đại học Colorado, Mỹ nghiên cứu quy luật sống của rắn trong phòng thí nghiệm. Họ phát hiện ra rằng rắn có thể lần theo con mồi dựa vào một nhóm protein là disintegrin, có tác dụng chính là ngăn máu đông trong cơ thể con mồi, có trong độc tố mà nó phóng vào người con vật tội nghiệp, bằng cách liên tục thè lưỡi để ngửi những hóa chất đó trong không khí. Đây chính là những tín hiệu GPS hóa học mà rắn sử dụng để truy vết những con mồi đã trốn thoát.
Phát hiện này đã hoàn toàn xóa bỏ những giả thuyết trước đó rằng rắn dựa vào nước tiểu, phân tử mùi và hiệu ứng cảnh báo của con mồi để lần ra nó.
Hiền Thảo (theo TW)