Bạn đã bao giờ nghe người ta nói về "kim cương máu" và các cuộc xung đột khoáng sản? Có lẽ bạn ít nhiều nghe được thông tin về việc các công ty công nghệ lớn (một số có sự chỉ đạo từ các chính phủ) cố gắng "ém nhẹm" nguồn gốc vật liệu dùng trong ngành công nghiệp chế tạo pin. Nhưng nếu thật sự tìm hiểu câu chuyện về "các chuỗi cung ứng" và "điều kiện làm việc nghèo nàn" tại đây, bạn sẽ thấy mọi thứ không như cách các công ty thường cho mọi người biết.
Các phóng viên của trang Washington Post đã có cuộc điều tra vào thế giới than, một mắt xích quan trọng trong quy trình sản xuất pin lithium-ion dùng trong smartphone, laptop và cả xe ô tô điện ngày nay. Xin lược dịch lại bài viết này.
|
Một công nhân trong nhà máy than chì ở Mashan.io |
Vào ban đêm, sự ô nhiễm tại các làng mạc của Trung Quốc "đẹp" giống như trong thế giới cổ tích vậy. "Không khí lấp lánh", Zhang Tuling, một nông dân ở ngôi làng phía Đông Bắc Trung Quốc, nói. "Khi có chút ánh sáng nào chiếu vào những hạt bụi ô nhiễm này, chúng lại phát sáng".
Vào ban ngày, những hạt bụi hiển hiện rõ ràng trên tất cả mọi thứ, từ cây cối ven đường, trong vườn, và cả trên những chiếc lá. Nước giếng của làng không thể uống nổi nữa. Cây cối chết ngay khi nhà máy đi vào hoạt động, Yu Yuan, chồng của Zhang nói.
"Đó chính là cuộc sống của chúng tôi", Zhang nói chậm rãi. Vợ chồng Zhang sống gần một nhà máy sản xuất than chì, một hợp chất sáng lấp lánh, nổi tiếng để làm bút chì. Nhưng hiện nay, than chì đã trở thành một nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong kỷ nguyên mới. Đó là một thành phần trong pin lithium-ion scho smartphone.
Nhỏ hơn và mạnh hơn các loại pin trước kia, pin lithium dùng trong smartphone và laptop, thậm chí còn là thứ phụ kiện mà các công ty xe hơi hướng tới, để dùng trong các loại xe ô tô điện.
Các công ty sản xuất những sản phẩm đó luôn dương cao khẩu hiệu vì một thuyết tương lai công nghệ "sạch". Nhưng hầu như tất cả pin đó đều dùng than chì, và với quy trình sản xuất giá rẻ tại Trung Quốc, sự kiểm soát môi trường lỏng lẻo, chúng gây ô nhiễm công nghiệp trầm trọng.
Tại 5 thị trấn ở 2 tỉnh của Trung Quốc, các phóng viên báo Washington Post đều được nghe câu chuyện giống nhau của những người làng: không khí như phát sáng vào ban đêm, mùa màng thất bát, nhà cửa phủ bụi, nước uống ô nhiễm – các quan chức chính phủ chỉ tìm cách có lợi cho nhà máy.
Những tấn than chì này sau đó được bán cho Samsung SDI, LG Chem và Panasonic – 3 nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất thế giới. Những công ty này cung cấp pin cho Samsung, LG, General Motors và Toyota.
Các sản phẩm Apple cũng dùng pin của các công ty này – đặc biệt là Samsung SDI và LG Chem. Nhưng Fred Sainz, một phát ngôn của Apple, nói các sản phẩm hiện nay của Apple đã chuyển sang dùng loại than chì tổng hợp, không phải khai thác từ mỏ. Apple từ chối nói rõ đến khi nào sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng than chì tổng hợp.
Một số tỉnh ở Trung Quốc tìm cách ngăn chặn các nhà máy gây ô nhiễm, cách đây 3 năm, họ đã có những án phạt dành cho các công ty than chì. Nhưng ô nhiễm vẫn tiếp tục – các nỗ lực vẫn chưa đủ hoặc chỉ được một thời gian ngắn – bởi vì chính quyền địa phương gắn bó quá chặt chẽ với các quan chức công ty và không sẵn sàng giải quyết nạn môi trường.
Ngoài ra, các giám đốc nhà máy và quan chức chính quyền đôi khi còn cản trở phóng viên nói chuyện với người dân. Trong cuộc điều tra này, chiếc xe taxi chở các phóng viên của Washington Post đã bị theo dõi.
Kể từ khi nhà máy than chì mở ở làng của Zhang cách đây 5 năm, than chì đã trở thành một mối phiền toái. Bụi than bám đầy trên cánh đồng ngô của họ, đến nỗi khi bước chân vào cánh đồng, khuôn mặt của họ bị biến thành màu đen. Hầu như không thể giữ gìn bất cứ thứ đồ đạc nào trong nhà tránh được thứ bụi than này, ngay cả thức ăn họ nhai trong miệng cũng dính các hạt bụi than.
Người dân rất lo lắng về các hậu quả sức khỏe, đặc biệt khi họ hít thở bầu không khí này. Theo các chuyên gia sức khỏe, ô nhiễm này sẽ gây đau tim và các bệnh về đường hô hấp. Không chỉ không khí, nhà máy than chì còn gây ô nhiễm nguồn nước địa phương.
Những lời phàn nàn lên chính quyền địa phương không hề có kết quả, khi họ nói rằng nhà máy than chì quá lớn và họ không thể làm gì. Còn công ty cũng từ chối gặp mặt người dân ở đó và dân ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Bế tắc của người dân là họ không muốn sống ở một nơi bụi bặm, bẩn thỉu và ô nhiễm như thế này. Nhưng họ không có tiền để chuyển đi nơi khác sống. Và họ không còn cách nào khác….
Bí mật của than
Đáp lại vấn đề này, một số công ty xe hơi và hãng điện tử nói họ đang điều tra sự việc. "Chúng tôi đang điều tra, vì thế hiện tại chúng tôi không thể cung cấp thông tin gì", Yongdoo Shin, đại diện của nhà sản xuất pin Samsung SDI nói.
Các cuộc điều tra đã được tiến hành sau nhiều năm các công ty hứa hẹn rằng họ đang ngăn chặn ô nhiễm trong các dây chuyền cung ứng trên khắp thế giới. Chẳng hạn, Samsung trong "báo cáo bền vững của công ty" đã nói rằng: "chúng tôi thực sự cam kết nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương, khi chúng tôi theo đuổi sự phát triển bền vững giúp giảm thiểu tác động môi trường", Apple và LG Chem cũng có những tuyên bố tương tự.
Bụi than có ở khắp mọi nơi, ngoài ruộng ngô, trong nhà, trên các đồ vật và trong cả miếng ăn nhai trong miệng
Một trở ngại chính là sự phức tạp của dây chuyền cung ứng và những bí mật xung quanh nó.
Chẳng hạn, để tìm ra nguồn gốc than chì trong một chiếc điện thoại, sẽ phải tìm hiểu xem nhà sản xuất điện thoại lấy pin ở đâu, nhà sản xuất pin mua các thành phần có trong pin như anode ở đâu, và rồi nhà sản xuất anode lấy than chì ở đâu. Hơn nữa, ở mỗi khâu lại có nhiều nhà cung cấp và nhiều loại than chì khác nhau, nên rất khó để biết nguồn gốc cuối cùng nằm ở đâu.
Một vài công ty còn từ chối tiết lộ nguồn gốc than chì của họ. Chẳng hạn, Telsla, nhà sản xuất xe điện nổi tiếng, dùng pin Panasonic. Tesla nói pin đó không hề dùng than chì của công ty Trung Quốc BTR, nhưng lại từ chối tiết lộ nguồn gốc than chì.
Trở ngại nữa là những người biết rõ nhất về nguồn gốc ô nhiễm, những người sống gần nhà máy, lại thường không sẵn sàng công khai phàn nàn, đặc biệt ở Trung Quốc.
Để có được mối liên hệ về than chì dùng trong các sản phẩm nổi tiếng tại Mỹ và nhà máy ở Trung Quốc, Washington Post cho biết họ đã dùng các báo cáo, tuyên bố của các công ty và các nghiên cứu của các nhà phân tích, cũng như phỏng vấn các quan chức công ty tại Triển lãm Pin quốc tế Trung Quốc.
Một dây chuyền cung ứng than chì rất lớn là BTR, nhà cung cấp nguyên liệu than chì tự nhiên lớn nhất thế giới cho pin lithium-ion. Chen Bifeng, giám đốc marketing của BTR, nói BTR phục vụ khoảng 75% nhu cầu thị trường than chì tự nhiên dùng trong pin.
Từ BTR, than chì được phân phối đi khắp thế giới. Công ty bán than chì trực tiếp cho các nhà nhà sản xuất pin lithium-onn lớn nhất, bao gồm Samsung SDI, LG Chem và Panasonic.
Những công ty này lại sản xuất pin cho Samsung, LG, GM, Toyota và nhiều công ty khác.
BTR cũng cung cấp than chì cho Amperex Technology Ltd. (ATL), theo các nhà phân tích, và ATL lại sản xuất pin cho Amazon Kindles. Amazon.com được ông chủ của Washington Post là Jefferey P. Bezos sáng lập. Amazon từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến nguồn than chì, và chỉ nói rằng: "Chúng tôi cam kết đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất trong tất cả các khâu sản xuất. Chúng tôi làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, và thực hiện các kiểm toán mỗi năm để đảm bảo các đối tác sản xuất tuân thủ chính sách của chúng tôi".
Mặc dù BTR cung cấp số than chì tự nhiên lớn nhất cho nhà sản xuất pin, nhưng đó vẫn chỉ là một phần trong dây chuyền cung ứng khổng lồ.
"Thành phố than"
Than chì có ở khắp thế giới, nhưng tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc), một nơi khá xa xôi gần biên giới Nga, là nguồn than chì lớn nhất.
Ngay cổng vào Mashan, một ngôi làng nhỏ đầy bụi gần Jixi ở Hắc Long Giang, có 4 tấm bảng lớn đề dòng chữ "Thành phố Than" (City of Graphite).
Sự thống lĩnh của Trung Quốc trong ngành công nghiệp than chì một phần còn do giá cả. Trong khi than chì có ở khắp mọi nơi, nhưng chi phí rẻ của nguồn than chì Trung Quốc khiến các công ty đổ về đây. Mức giá than chì thô ở đây là 550 USD/tấn.
Stephen A. Riddle, chủ tịch công ty than Asbury Carbons của Mỹ, công ty bắt đầu nhập than chì từ Trung Quốc vào những năm 1970, nói rằng Trung Quốc nắm thị phần than chì lớn nhất chủ yếu nhờ "giá cả, độ tinh khiết và số lượng".
Các công ty còn hưởng lợi từ chi phí nhân công rẻ và sự khéo léo của người lao động.
Chẳng hạn, tại một mỏ than mà ông Stephen đã đến thăm vào đầu những năm 1980, công nhân dùng cuốc và xẻng để lấy nguyên liệu – chứ không phải là các máy kéo và các thiết bị hạng nặng khác như ở những nơi khác - và sau đó họ chế biến than chì bằng các thiết bị thủ công.
"Rõ ràng đó là quy trình chế biến, chi phí hoạt động rất rẻ", Riddle nói.
Vào những năm 70, Trung Quốc đã sản xuất khoảng 1/10 nguồn cung than thế giới. Đến năm 2015, theo khảo sát của Mỹ, Trung Quốc chiếm 2/3 nguồn cung thế giới.
Sự phát triển của ngành công nghiệp than, đã gây ra nhiều hậu quả môi trường, đặc biệt vào những năm gần đây.
Than trong không khí, than trong nước
Dù có tên gọi là pin lithium-ion, nhưng chỉ một phần nhỏ trong pin chứa lithium. Than chì được dùng để làm điện cực âm và chiếm khoảng 10-15% chi phí pin lithium-ion.
Nhu cầu than chì tăng lên song song với nhu cầu dùng các loại smartphone, tablet và laptop.
Chẳng hạn, cách đây 10 năm, pin của chiếc điện thoại bán chạy nhất Motorola Razr có công suất 680 mAh. Ngày nay, pin trong các mẫu smarphone bán chạy nhất gấp 3 hoặc 4 lần mức đó.
Lyu Guoliang, một kỹ sư cấp cao trong công ty than chì ở Jixi, nói nhu cầu than chì tăng rất nhanh vào năm 2010, do nhu cầu dùng pin lithium-ion.
Than chì dùng trong pin phải được tinh chế ở mức độ rất cao, và các mảnh phải được biến thành các hạt hình cầu hoặc giống hình củ khoai tây nhỏ xíu. Bước luyện thêm này có nghĩa là than chì tinh chế có giá trị gấp 10 lần so với các nguyên vật liệu thô.
Nhưng, không có các biên pháp quản lý thích hợp, việc khai thác mỏ than và tinh chế than có thể gây ô nhiễm – cả nguồn nước và không khí.
Bột than chì có thể nhanh chóng trở thành bụi trong không khí, bay xa hàng dặm. Nếu không có hệ thống kiểm soát, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, bụi than có thể gây ra một loạt các bệnh khó thở, như làm các chứng bệnh phổi nặng thêm hoặc làm giảm chức năng phổi, gây ra các cơn đau tim ở những người bị bệnh tim.
Hoạt động khai thác và chế biến than cũng có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước, do hóa chất bị rò rỉ vào nguồn nước địa phương. Theo các nguồn tin công nghiệp, quá trình thanh lọc, đặc biệt là ở Trung Quốc, thường được thực hiện bằng các loại axit, thường là axit flohydric, một chất có độc tính cao.
Phương pháp này rẻ hơn so với các phương pháp được sử dụng ở những nước khác, nơi than được tinh chế bằng "nướng" - tức là, làm nóng than lên. Than chì tinh luyện theo cách đó là tốt hơn cho môi trường nhưng làm gia tăng thêm khoảng 15% chi phí.
"Mê hồn trận" sản xuất pin lithium-ion
Ngành công nghiệp pin lithium-ion có chuỗi cung ứng ồ ạt phức tạp. Mỗi công ty tiêu dùng lại làm việc với nhiều nhà cung cấp - và các nhà cung cấp lại hợp tác với nhiều nhà cung cấp nữa. Điều này cho thấy những kết nối "mê hồn trận" trong ngành công nghiệp này.
Gian nan cuộc chiến chống ô nhiễm
Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy mối lo ngại ngày càng cao về vấn đề môi trường của quốc gia.
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, bầu không khí của Trung Quốc đã trở thành một mối nguy hiểm với sức khỏe. Mỗi năm lại có 1 triệu người Trung Quốc hoặc nhiều hơn thế chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Một trong những nhóm chất gây ô nhiễm khủng khiếp nhất trong bầu không khí của Trung Quốc là "các hạt vật chất" - bụi, bồ hóng, khói - một thể loại bao gồm các chất gây ô nhiễm không khí thải ra từ các nhà máy than chì.
Trong khi đó, chất lượng nước ở Trung Quốc cũng xuống cấp nghiêm trọng. Theo tổ chức Rủi ro về Nước của Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận tổng hợp số liệu từ Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, năm 2015, nguồn nước ngầm bị phân loại là "xấu" hoặc "rất xấu" ở Trung Quốc là trên 60%. Hơn 1/4 các con sông chính ở Trung Quốc bị chính phủ xếp loại là "không thích hợp đối với con người".
Theo một bản tin về khai thác mỏ than chì được đài truyền hình quốc gia CCTV phát, các dòng sông ở Jixi có hàm lượng chì và thủy ngân cao gấp nhiều lần so với mức giới hạn. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể nói có bao nhiêu chì và thủy ngân đến từ ngành công nghiệp than.
Một trong những trở ngại chính trong cuộc chiến chống ô nhiễm, theo dân làng, chính là "liên minh ma quỷ" giữa các quan chức chính phủ địa phương và lãnh đạo nhà máy than. Các quan chức chính phủ bảo vệ nhà máy khỏi những kiện cáo liên quan đến môi trường.
Tại 3 trong số 5 ngôi làng mà các phóng viên của Washington Post đã đến hồi tháng Năm và Sáu, một quan chức làng hoặc miễn cưỡng tham dự phỏng vấn hoặc từ chối. Hơn nữa, lãnh đạo nhà máy và các quan chức đôi khi còn cản trở phóng viên nói chuyện với người dân.
Chẳng hạn như sau khi các phóng viên đến nhà máy Haida Graphite ở Pingdu, một nhân viên nhà máy đã nhảy lên xe ô tô để đi theo chiếc taxi chở phóng viên. Taxi dừng lại 2 lần ở trong làng để nói chuyện với người dân. Tại mỗi điểm dừng, người lái xe của nhà máy Haida đều dừng gần và liên tục bấm còi xe inh ỏi, khiến cuộc nói chuyện không thể diễn ra. Khi được hỏi về các phàn nàn ô nhiễm, một quan chức nhà máy Haida đã cáo buộc phóng viên là "gián điệp" và từ chối trả lời câu hỏi.
Nhu cầu pin lithium-ion ngày càng cao
Mặc dù người tiêu dùng có vẻ như không liên quan đến tình hình ô nhiễm tại Trung Quốc, song sự thật lại phức tạp hơn nhiều.
Nhu cầu mua hàng hóa rẻ của Mỹ và thế giới đã khiến các nhà máy Trung Quốc liên tục hoạt động. Theo một nghiên cứu năm 2014 do Viện Khoa học Quốc gia công bố, hơn 1/4 trong số hai chất gây ô nhiễm chính ở Trung Quốc – là sulfur dioxide và oxit nitơ – xuất phát từ việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Và thị phần xuất khẩu lớn nhất là đến Mỹ.
Giờ đây, sự gia tăng của ngành công nghiệp xe ô tô điện còn hứa hẹn về sự gia tăng khủng khiếp đối với ngành kinh doanh pin lithium-ion. Sản xuất những viên pin đủ lớn để chạy những chiếc xe ô tô sẽ khiến nhu cầu vọt lên. Một chiếc laptop chỉ cần một thanh pin lithium-ion hình trụ mỏng, một chiếc smartphone còn cần một thanh pin nhỏ hơn nữa. Nhưng một chiếc xe điện thông thường đòi hỏi thanh pin lớn gấp hàng ngàn lần.
Tesla đang xây dựng một nhà máy sản xuất pin dành cho xe ô tô điện ở sa mạc Nevada với công suất 500.000 pin xe điện mỗi năm. Nhưng đó mới chỉ là 1 trong số rất nhiều nhà máy pin xe điện. Có khoảng hơn chục nhà máy pin "khổng lồ" khác đang được xây dựng khắp thế giới.
Theo VnReview