Tại sao các nhà khoa học nổi tiếng vướng vòng lao lý?

Google News

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới vướng vòng lao lý vì những lý do khá "bất ngờ" như: mê gái, dự đoán sai, lưu giữ xác ướp…

- Nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới vướng vòng lao lý vì những lý do khá “bất ngờ” như: mê gái, dự đoán sai, lưu giữ xác ướp…

Cùng Kienthuc.net.vn điểm qua một số trường hợp tiêu biểu này:

Nhà khoa học Anh sa bẫy vì… mê gái

Tháng 7/2012, GS. Paul Frampton, nhà vật lý nổi tiếng người Anh, bị giam ở Argentina vì mang 2kg cocaine vào Argentina. Theo luật Argentina, GS. Frampton 68 tuổi có thể bị kết án 16 năm tù. Tuy nhiên, ông nói rằng mình mắc chứng rối loạn tính cách khiến bản thân khó thiết lập các mối quan hệ xã hội và mù quáng tin tưởng một người mẫu trẻ đẹp đầy quyến rũ tên là Denise Milani.

GS. Frampton nói rằng, 11 tuần trước khi bị bắt, thông qua website hẹn hò mate1.com, ông bắt đầu liên lạc với một người mà ông tin đó là Hoa hậu Bikini thế giới năm 2007 Milani. Nhà vật lý Anh từng nghĩ cô người mẫu Czech bắt đầu có quan hệ tình cảm với ông. Cho tới khi bị bắt, ông tin rằng, một nhóm tội phạm đã sử dụng nhân dạng của Hoa hậu Bikini để kiếm tiền. 

Nhà vật lý Paul Frampton và người mẫu Denise Milani.
Nhà vật lý Paul Frampton và người mẫu Denise Milani.
Hồi tháng 2/2012, GS. Frampton bay tới thủ đô La Paz của Bolivia để gặp người mà ông tin là Hoa hậu Bikini Milani. Tuy nhiên, ông chỉ gặp được một người đàn ông Bolivia và người này bảo ông mang vali của cô Milani tới thủ đô Buenos Aires của Argentina – nơi hai người sẽ gặp nhau. Vì cô Milani không xuất hiện ở Buenos Aires nên GS. Frampton định lên máy bay về nước. Ông bị bắt vì quan chức địa phương phát hiện cocaine giấu trong lớp lót ngụy trang của chiếc vali. 

Tiến sĩ Paul Frampton là một người Anh đã tốt nghiệp Đại học Oxford danh giá và giảng dạy vật lý hạt tại Đại học North Carolina, Mỹ.

Dự đoán sai động đất, 6 nhà khoa học đi tù

6 nhà khoa học chuyên nghiên cứu động đất hàng đầu nước Ý và một quan chức chính phủ đã bị kết án 6 năm tù giam trong một phiên tòa diễn ra tại thành phố L’Aquila (Ý) vào ngày 22/10 vừa qua. Họ bị buộc tội cung cấp thông tin “không đầy đủ, thiếu chính xác, không phù hợp và có những nhầm lẫn nghiêm trọng” khi đánh giá những rủi ro mà trận động đất L’Aquila.

Trước đó, vào ngày 31/3/2009, 7 người có mặt tại thành phố L’Aquila sau khi một số dư chấn nhỏ được ghi nhận trong khu vực. Tại thời điểm đó, các chuyên gia hàng đầu nước Ý về động đất tuyên bố trấn an người dân rằng sẽ không thể xảy ra một trận động đất lớn. Một trong số họ còn khuyên mọi người nên thư giãn với rượu vang thay vì ngồi lo ngại. Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau, một trận động đất mạnh nhất lịch sử nước Ý trong nhiều thập niên trở lại đây với cường độ 6,3 độ richter đã tàn phá thành phố cổ L’Aquila, làm chết và bị thương hơn 1.000 người và đẩy gần 40.000 người khác lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Một người dân ngồi trên đống đổ nát của ngôi nhà trong làng Onna ở miền Trung nước Ý sau trận động đất dữ dội ngày 7/4/2009. Ảnh: AP.
Một người dân ngồi trên đống đổ nát của ngôi nhà trong làng Onna ở miền Trung nước Ý sau trận động đất dữ dội ngày 7/4/2009. Ảnh: AP.

Hơn ba năm sau thảm họa, phiên tòa xét sử 7 người được cho là "thủ phạm" gián tiếp gây nên thảm họa trên diễn ra. Phiên tòa kéo dài hơn 4 giờ, thẩm phán Judge Marco Billi đã đưa ra phán quyết, các bị cáo sẽ bị phạt 6 năm tù giam và bồi thường thiệt hại 10 triệu USD. Bản án này nhận được sự đồng tình của những nạn nhân và thân nhân trong vụ động đất năm 2009 ở L’Aquila. 

Tuy nhiên, giới khoa học dấy lên làn sóng phản đối với lập luận, không ai, không phương pháp nào có thể dự đoán chính xác thời điểm, khu vực xảy ra động đất cũng như cường độ của thảm họa này. Một số nhà khoa học hàng đầu nước Ý đã quyết định thôi việc để bày tỏ sự phản đối án tù mà tòa án dành cho các đồng nghiệp của họ. Hơn 5.000 nhà khoa học đã gửi thư ngỏ tới Tổng thống Ý Giorgio Napolitano để yêu cầu xem xét lại bản án của các bị cáo.

Nhà khoa học đi tù 4 năm vì dính líu al-Qaeda

6 tháng trước, Adlene Hicheur, nhà khoa học người Pháp gốc Algeria bị một tòa án ở Paris tuyên bốn năm tù với kết luận có tội trong một âm mưu tiến hành các vụ tấn công khủng bố của al-Qaeda chi nhánh bắc Phi.

Hicheur 35 tuổi là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu hiện tượng vụ nổ lớn khai sinh ra vũ trụ (Big Bang) tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Hicheur bị truy tố là “tội hình sự liên quan đến một tổ chức khủng bố”. Khi Hicheur bị bắt ở nhà cha mẹ ông gần CERN, viện nghiên cứu nằm trên biên giới Pháp-Thụy Sĩ ở gần Geneva, cảnh sát đã phát hiện ra nhiều tài liệu liên quan đến al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo vũ trang.

Nhà khoa học Pháp Adlene Hicheur.
Nhà khoa học Pháp Adlene Hicheur.

Cơ quan tình báo nội địa Pháp DCRI đã nghi ngờ Adlene Hicheur sau một tuyên bố từ Al Qaeda thuộc tổ chức Hồi giáo Maghreb (AQIM) được gửi tới điện Elysee của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vào đầu năm 2008. Sau bức thông điệp này, cảnh sát tiến hành điều tra với một số tài khoản thư điện tử, bao gồm của Hicheur và phát hiện ra những trao đổi giữa ông với Mustapha Debchi, được cho là đại diện của AQIM sống ở Algeria. Trong các thư điện tử, Hicheur đề nghị “các mục tiêu có thể ở châu Âu và đặc biệt là ở Pháp”, đề cập tới một ví dụ là căn cứ quân sự Pháp ở Cran-Gevrier, gần CERN. 

Tuy nhiên, Hicheur nói trước tòa rằng các thư điện tử đó được viết vào một thời điểm tâm lý và thể chất của ông không ổn định và ông đang điều trị bằng thuốc cũng như đang xin nghỉ ốm.

Tòa đã phán quyết rằng Hicheur hỗ trợ nhiều cấu trúc khủng bố Hồi giáo cực đoan hoạt động ngầm bằng cách tham gia vào những cuộc thảo luận trên internet với một thành viên AQIM. Tòa cũng cho rằng, Hicheur đã chấp thuận cho thiết lập một bộ phận hoạt động ở châu Âu và xác định các mục tiêu cho bộ phận này, và cuối cùng bằng cách thiết lập các dự án để hỗ trợ tài chính cho AQIM.

Nhà khoa học Mỹ bị bỏ tù vì làm gián điệp

Stewart Nozette, cựu khoa học gia của chính quyền Hoa Kỳ bị kết án 13 năm tù giam vì đã bán một số dữ liệu tối mật của quốc gia.

Tháng 9/2011, ông Nozette thú nhận đã tìm cách cung cấp thông tin mật về vệ tinh, các hệ thống cảnh báo sớm, thông tin tình báo về truyền thông và các thông tin khác cho một đặc vụ đóng vai là một điệp viên tình báo Mossad của Israel. 

Ông bị tuyên án 13 năm tù giam vì tội bán thông tin mật và 37 tháng tù giam vì các tội khác liên quan đến gian lận thuế.

Nhà khoa học Stewart Nozette đã tham gia vào vô số dự án của chính phủ và chương trình vũ trụ quốc gia trong đó có các dự án tại Phòng nghiên cứu quốc gia Lawrence nổi tiếng. Ông cũng đã tham gia thiết kế công nghệ vệ tinh ra đa loại nhẹ giúp tìm ra nước trên mặt trăng.

Bị bắt vì lưu giữ xác chết trong nhà

Một nhà khoa học ở vùng Nizhny Novgorod đã bị bắt đầu năm 2012 vì tội đào bới các thi thể từ nhiều nghĩa địa khác nhau trong vùng. Ông Vladimir Stravinskas, trưởng bộ phận điều tra thuộc Ủy ban Điều tra vùng Nizhny Novgorod cho biết, đây là một vụ án kỳ lạ, có một không hai và chưa có tiền lệ trong lịch sử khoa học hình sự Nga.

Anatoly Moskvin, 45 tuổi, từng là một sử gia, đã bị cảnh sát bắt vào tháng 11/2011 sau một cuộc điều tra các vụ xâm phạm thi thể người chết. Trong suốt thời gian từ năm 2010-2011, hàng loạt nghĩa địa trong vùng Nizhny Novgorod bị xới tung, những ngôi mộ bị bật nắp và thi thể bị đánh cắp. Các sĩ quan cảnh sát đã phát hiện được một “bộ sưu tập” đầy đủ thi thể của những phụ nữ trẻ trong căn hộ của Anatoly Moskvin. Có khoảng 30 xác ướp mà cảnh sát tìm thấy trong căn hộ của Anotoly Moskvin toàn là thi thể của nữ giới chết ở tuổi từ 15 đến 25. Mục đích của việc làm quái đản này của  Moskvin, theo các cơ quan thông tấn, là để làm búp bê xác ướp.

Anatoly Moskvin nổi tiếng là người có học thức cao, thậm chí còn được coi là thiên tài. Moskvin biết 13 ngoại ngữ và nghiên cứu duy nhất ngành lịch sử, ông là nhà nghiên cứu về nghĩa địa. Nhà nghiên cứu này đã lui tới hơn 750 nghĩa địa và chuẩn bị cho xuất bản một cuốn sách cẩm nang các khu nghĩa địa vùng Nizhny Novgorod.

Thủy Phạm (tổng hợp)